- Hà Nội thiếu trầm trọng giáo viên mầm non tư thục
- Đóng cửa dài ngày, gần 600 trường và cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải giải thể
- Loạt cơ sở mầm non tư thục rao bán, phụ huynh lo sau dịch con không có chỗ học
Bộ GD-ĐT cùng Bộ Tài chính dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ 3,7 triệu đồng với mỗi giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác.
Hiện nay, không chỉ các trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, giáo viên của hệ thống này cũng gặp rất nhiều khó khăn do nghỉ việc không lương trong thời gian dài.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh cho biết, theo thống kê có khoảng 103.896 giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng bậc mầm non là 101.845 giáo viên.
Vì vậy, cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Bộ GDĐT cũng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Mức dự kiến tham mưu là hỗ trợ 3,7 triệu đồng/giáo viên.
Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, mầm non là cấp học mở cửa cuối cùng, do đó cần chia sẻ những khó khăn với cấp học này. Nhấn mạnh quan điểm không vì Covid-19 mà ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương quan tâm tới hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có thể tính toán tới việc liên thông giữa khối mầm non công lập với khối mầm non ngoài công lập để đảm bảo quyền học tập cho trẻ em.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn.
Theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng. Mức lãi suất là 3,3%/năm (tương đương với 0,27%/tháng) là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng đối với trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Trong đó, với mức vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu tài sản đảm bảo. Với mức vay từ 100 đến 200 triệu đồng, các cơ sở giáo dục cần có tài sản đảm bảo. Thủ tục vay vốn đơn giản, UBND cấp xã xác nhận. Khi nhận được hồ sơ từ 5 - 7 ngày sẽ được giải ngân.
Nguồn vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
https://nghenghiepcuocsong.vn/them-de-xuat-ho-tro-co-so-mam-non-tu-thuc