Thêm cồn cát trên biển Cửa Đại: Lỗi tại thủy điện?

GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ ra rằng, thủy điện chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc hình thành các cồn cát trên biển Cửa Đại.

Sau cồn cát dài hơn một km, nơi rộng nhất 200m nổi lên mặt biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), ở đây lại xuất hiện thêm một cồn cát mới dài 200m, đang phát triển về phía gần bờ, cách cồn cát cũ hơn một km về phía đông.

Sự xuất hiện cồn cát mới xuất hiện này đã gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của ghe thuyền. UBND TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) nạo vét luồng để tàu thuyền dễ dàng ra khơi.

Không ngạc nhiên trước sự xuất hiện thêm cồn cát mới ở biển Cửa Đại, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cho rằng, trước khi Hội An muốn nạo vét luồng lạch cho tàu thuyền dễ ra vào Cửa Đại cần lý giải được nguyên nhân, cơ chế hình thành các cồn cát để tránh "công dã tràng".

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc hình thành các cồn cát ngoài biển Cửa Đại chính là vì lũ trên thượng nguồn chảy về Cửa Đại ngày càng hạn chế, thậm chí không còn nữa.

"Thiên nhiên vẫn có mưa nhưng các thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, lại được phát triển nhiều ở thượng nguồn Quảng Nam. Khi thủy điện hình thành, thay vì cho nước chảy về phía dưới thì người ta giữ lại trong hồ chứa, cho nên dù vào mùa mưa nước cũng không thể chảy xuống Cửa Đại được.

Trong khi đó, ở ngoài biển, triều cường tiếp tục cuốn cát vào, tạo nên hiện tượng cồn cát và hiện tượng này sẽ còn tiếp tục xảy ra", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nếu Hội An muốn tạo luồng lạch thì phải khẳng định được rằng, phía biển không đẩy cát vào nữa. Còn nếu tạo luồng lạch mà biển vẫn đẩy cát vào thì lại "công dã tràng", chỉ sau chừng 1 năm, luồng lại bị cát lấp kín.

Để tìm luồng lạch, theo ông, phải nghiên cứu dòng hải lưu chảy ở đâu bởi ở đó sẽ không có cát.

them con cat tren bien cua dai loi tai thuy dien
Cồn cát dài 200m, cách bờ biển Cửa Đại 230m. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai.

"Nếu nhìn thấy cồn cát mà vẫn cứ muốn nạo vét thì không thể giải quyết được gì. Hội An nên thuê một đoàn địa chất đánh giá xem dòng hải lưu ở đâu. Dòng hải lưu ở đâu thì đó sẽ là chỗ cắt đứt không cho cát vào và có thể dựa vào đó làm luồng lạch.

Còn bây giờ, không thể tự mình suy nghĩ cắt chỗ này, chỗ kia vì cồn cát là do triều cường và sóng đẩy cát từ biển vào kết hợp với dòng chảy bên trong Cửa Đại không đủ lưu lượng nước đẩy cát ra.

Tôi tin rằng từ Cửa Đại chảy ra biển xa thế nào cũng có dòng hải lưu và có dòng hải lưu thì Hội An chỉ phải nạo vét ít và quanh năm dòng vẫn chảy bởi dòng hải lưu phải rất lâu mới biến đổi được.

Khi khảo sát sẽ biết ngay dòng hải lưu có từ bao giờ, quy luật của nó như thế nào... Người ta lấy mẫu cát, phân tích so sánh mẫu cát này với mẫu cát ven bờ Cửa Đại, nếu hai mẫu cát khác nhau thì dòng hải lưu có rất lâu. Ngược lại, nếu hai mẫu cát này giống nhau thì đó là dòng hải lưu mới", GS.TS Vũ Trọng Hồng gợi ý.

Một khi xác định được dòng hải lưu thì việc Hội An và tỉnh Quảng Nam xác định làm gì với cồn cát Quảng Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn, thậm chí là biến cồn cát đó trở thành đảo nhân tạo, thu hút khách du lịch, GS Hồng cho biết.

Trước đó, kết quả nghiên cứu cồn cát Cửa Đại - Hội An của GS.TSKH Nguyễn Kim Đan và PGS.TS Huỳnh Công Hoài khẳng định, việc hình thành các "đảo cát" là hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều.

Theo đó, sự tương tác của dòng chảy mang phù sa từ sông đổ ra biển, sự dịch chuyển của dòng chảy mang trầm tích ven bờ và chế độ sóng, thủy triều theo mùa từ bên ngoài vào tạo thành một điểm dừng, bồi tụ dần qua năm tháng hình thành bãi ngầm ngay trước cửa sông.

Vị trí cách đất liền xa hay gần phụ thuộc vào lưu tốc các dòng chảy và trường sóng. Lâu dần bãi ngầm nhô cao, vào mùa triều kiệt nước rút xuống và gió vun cát lên thành bãi nổi. Bãi nổi này không đứng yên mà dịch chuyển về hướng Tây Bắc hoặc Tây Nam tùy vào đặc điểm động lực học cửa sông, ven biển.

Đối với cồn cát dài hơn 1km ở ngoài biển Cửa Đại, mà hai tác giả trên gọi là "đảo khủng long", nghiên cứu chỉ ra rằng cồn cát được hình thành sau năm 2016.

Cụ thể, trận lũ cuối năm 2016 mở ra một cửa thoát rộng 50m bên bờ bắc Cửa Đại làm tăng lượng bùn cát chuyển lên phía Bắc. Nhờ vậy, bãi biển Cửa Đại bắt đầu được bồi đáng kể sau năm 2016.

Dưới ảnh hưởng của đặc trưng dòng chảy ven bờ, vào mùa gió đông bắc, lượng cát tăng thêm này bị đẩy ngược ra biển với nồng độ lớn, lại tập trung tại đúng vị trí đảo "khủng long" hiện nay.

Mùa gió Tây Nam, theo tính toán của các nhà nghiên cứu, cũng đẩy cát ra biển tại cùng vị trí. Đảo "khủng long" hình thành do nguyên nhân này và lượng cát tích lũy hàng năm tại vị trí này có thể tới 200.000-250.000 m3.

Đến khoảng tháng 2/2018, cồn cát bắt đầu nhô lên trên mặt nước và phát triển lớn dần. Tốc độ bồi nhanh từ tháng 2/2019 (sau Tết Âm lịch).

Đối với cồn cát mới dài 200m ở Cửa Đại, trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết khu vực cồn cát đang bồi này trước đây là vùng bờ biển.

Tuy nhiên, do bão, lụt xảy ra dữ dội và liên tiếp trong các năm 2007, 2008 khiến nhiều vùng bờ biển ở Hội An bị sóng lớn cuốn trôi. Đỉnh điểm trong hai năm 2016 - 2017, lũ lớn cộng với triều cường và gió mùa đông bắc thổi mạnh đã xé tan bờ biển, hình thành một luồng lạch chia cắt bờ Cửa Đại và bãi cây dương liễu hiện tại.

"Đến năm 2019, cát dồn về tạo thành cồn nằm ngay mép ngoài của bãi biển ngày xưa. Khu vực này cát bồi theo hướng bắc - nam, theo quan sát của chúng tôi thực chất trước đây là đất liền", ông Nguyễn Thế Hùng nói.

them con cat tren bien cua dai loi tai thuy dien Công ty của đại gia bất động sản Đất Lành sàm sỡ cô gái trên máy bay làm ăn thế nào?
them con cat tren bien cua dai loi tai thuy dien Những nữ sinh tài sắc vẹn toàn của Đại học FPT khiến trái tim bao chàng trai xao xuyến
them con cat tren bien cua dai loi tai thuy dien Đảo cát thứ 2 ‘mọc’ giữa biển Cửa Đại từ bao giờ?
/ baodatviet.vn