Ít nhất 12 người chết, hầu hết do trúng đạn vào đầu, trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính hôm qua tại nhiều khu vực ở Myanmar.
Trong số những người biểu tình bị bắn chết hôm qua ở Myanmar có 8 người trúng đạn khi lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông phản đối đảo chính tại thị trấn Myaing, miền trung nước này. Một nhân viên cứu hộ ở Myaing cho hay 5 người trong số họ bị bắn vào đầu, ngoài ra còn có 8 người bị thương, một người đang nguy kịch.
Ở Bago, thành phố phía đông bắc Yangon, Zaw Zaw Aung, 33 tuổi, một người khiếm thính, cũng bị bắn vào đầu. "Người làm cha như tôi vô cùng đau lòng trước cái chết của con mình", ông Myint Lwin cho hay.
Nhân viên cứu hộ nói rằng một người đàn ông 30 tuổi đã thiệt mạng ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, trong khi hai người khác bị thương. "Chúng tôi không thể thu hồi thi thể anh ấy vì các đội cứu hộ cũng đang bị nhắm bắn trong những ngày này", người này cho biết.
Thêm một trường hợp tử vong được ghi nhận ở quận North Dagon, thành phố Yangon. Chit Min Thu, 25 tuổi, chết sau khi bị bắn vào đầu. Vợ của Chit Min Thu cho hay anh quyết tâm tham gia biểu tình dù bị vợ ngăn cản. "Anh ấy nói rằng chết cũng được", người vợ kể trong nước mắt. "Anh ấy lo rằng mọi người sẽ không tham gia biểu tình nữa. Nếu như vậy, nền dân chủ sẽ không quay lại với đất nước".
Aye Myat Thu, vợ của người biểu tình Chit Min Thu, bật khóc khi nói về cái chết của chồng hôm 11/3. Ảnh: AFP. |
"Gần đây tôi mới biết con dâu mang thai hai tháng", Hnin Malar Aung, mẹ của Chit Min Thu, nói. "Không ai được yên cho đến khi tình hình này kết thúc. Họ quá tàn nhẫn với con tôi. Tôi không ngờ con mình sẽ bị bắn vào đầu".
Một người đàn ông bị thương cách đây 8 ngày tại Monywa, miền trung Myanmar, qua đời vì vết thương hôm 11/3. Một nhân viên ngân hàng 26 tuổi ở Myingyan bị bắn hôm 10/3 cũng đã tử vong.
Lấy lý do xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11, quân đội Myanmar tháng trước tiến hành đảo chính, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức chính quyền dân sự. Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình phản đối đảo chính kể từ đó.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 70 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị bắt từ sau đảo chính. Chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc lo ngại quân đội Myanmar có thể đã phạm tội ác chống lại loài người, gồm giết người, bắt bớ và tra tấn.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
LHQ lo ngại "tội ác chống lại nhân loại" ở Myanmar
Quân đội Myanmar có thể đã phạm "tội ác chống lại nhân loại" trong nỗ lực duy trì quyền lực, gồm giết người, chuyên gia ... |
Chính quyền quân sự Myanmar mạnh tay trấn áp truyền thông
Cảnh sát Myanmar tăng cường trấn áp các phương tiện truyền thông độc lập, đột kích vào văn phòng của hai hãng tin tức và ... |