Thẻ xanh COVID-19 là “chìa khóa” để phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế xã hội do phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều nhìn nhận, bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong những tháng cuối năm vẫn rất khả quan và tăng trưởng sẽ phục hồi trong quý IV/2021.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, khó khăn, tổn hại do dịch COVID-19 còn kéo dài nhưng thời gian tới vẫn có nhiều điểm sáng, đó là dịch bệnh đang dần được kiểm soát; sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đang dần mở cửa lại. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Khi được mở cửa trở lại, sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng mấy tháng nay bị kìm nén sẽ bật tăng trở lại. Nhiều dự báo tin rằng, trong quý IV kinh tế sẽ hồi phục.

image001.jpg -0
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cần được nhanh chóng triển khai.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 thì cần một sự thay đổi đột phá bằng chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế. Và trên hết, các giải pháp đưa ra đều phải trông vào dư địa chính sách. Bởi, hiện nay, so sánh với 1999-2011, dư địa chính sách của ta bây giờ tốt hơn rất nhiều và còn rất nhiều. Lạm phát thấp và ổn định. Hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và tốt hơn rất nhiều. Bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Cán cân đối ngoại tốt hơn nhiều, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD… Do vậy, chúng ta có thể nới trần nợ công, tăng bội chi để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bức tranh kinh tế chúng ta vẫn thấy được các động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng. Bởi, không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch nhưng nhìn chung đây vẫn là vấn đề tạm thời; Xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng và tận dụng tốt các FTA; Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong thời gian tới…“Tôi tin rằng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại với quan điểm chống dịch đúng đắn của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 thì tình hình sẽ sớm cải thiện. Việc chống dịch hiệu quả với các ca mới giảm, vùng xanh tăng lên cùng với đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine là một điều kiện để nền kinh tế có thể khôi phục lại mức tăng trưởng cao hơn trong quý IV”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 lạc quan hơn nhiều so với quý III/2021. Hiện, nhiều địa phương đã có động thái nới lỏng giãn cách, dần đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Thêm vào đó, giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 sẽ kích cầu tiêu dùng từ khu vực dân cư; giải ngân đầu tư công 250 nghìn tỷ đồng sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng, từ đó lan tỏa tích cực đến các ngành khác, kích thích kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch, các nước dần trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu của người dân sẽ tăng cao sau thời gian dài thực hiện phong tỏa xã hội. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên đây là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong công nghiệp chế biến chế tạo như giầy da, quần áo, thủy hải sản chế biến, đồ gỗ… để góp phần phục hồi nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, nguồn vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ là động lực tác động tích cực đến tiêu dùng và đầu tư. Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tới việc gia tăng tiêu dùng của dân cư, kích thích vào tổng cầu đang yếu, khi đó, phía cung sẽ được thúc đẩy, tăng sản lượng sản xuất. Mặt khác, một phần gói hỗ trợ này cũng được chi cho người sử dụng lao động để giải quyết những khó khăn trước mắt, chuẩn bị điều kiện để thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Để vực dậy đà tăng trưởng năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, nền kinh tế đang có “nút thắt” lớn do ách tắc trong khâu lưu thông khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. “Nút thắt” này cần phải từng bước gỡ bỏ, từ đó nền kinh tế có thể vực dậy sau đại dịch. Để khôi phục, đưa nền kinh tế thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, từng bước gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Cùng với ngoại giao vaccine, chúng ta cần chủ động nguồn vaccine bằng cách nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy bao phủ rộng tiêm chủng vaccine; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện Khung Y tế phòng, chống dịch để sống chung an toàn với dịch COVID-19, thực hiện thống nhất trong công tác kiểm soát dịch tại các địa phương. Triển khai áp dụng “thẻ xanh COVID-19” cho những cá nhân đã tiêm đủ liều vaccine hoặc những F0 đã khỏi bệnh để hoạt động sản xuất được diễn ra bình thường trong điều kiện an toàn.

“Vaccine là điều kiện tiên quyết, “thẻ xanh COVID” là “chìa khóa” mở “nút thắt” lớn để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và từng bước mở cửa nền kinh tế cần được nhanh chóng triển khai để đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV/2021,” bà Hương nói.

Khách tới viếng Phi Nhung phải có thẻ xanh COVID-19 Khách tới viếng Phi Nhung phải có thẻ xanh COVID-19
Thủ tướng chỉ thị: Người tiêm đủ 2 mũi vaccine được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa Thủ tướng chỉ thị: Người tiêm đủ 2 mũi vaccine được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa
Khó khăn trong việc áp dụng “thẻ xanh” và hộ chiếu vaccine Khó khăn trong việc áp dụng “thẻ xanh” và hộ chiếu vaccine
/ cand.com.vn