- Nguyễn Filip và lần đầu tiên góp mặt ở tuyển Việt Nam
- Thất bại ở Nhật Bản, Công Phượng tự chặn đường trở lại tuyển Việt Nam
Gần một năm sau khi ông Philippe Troussier lên HLV trưởng, tuyển Việt Nam sẽ trở lại Asian Cup trong hình hài hoàn toàn khác thời kỳ của ông Park Hang Seo.
Việc Công Phượng không được điền tên vào danh sách sơ bộ Asian Cup 2023 đồng nghĩa tuyển Việt Nam sẽ thiếu vắng chân sút ghi nhiều bàn nhất trên đất UAE 4 năm về trước. Phượng không phải trường hợp ngôi sao thời kỳ cũ vắng mặt duy nhất.
Nhiều trụ cột của "Thế hệ vàng" thời ông Park Hang Seo hoặc phải chấp nhận ghế dự, hoặc phải cật lực cạnh tranh vị trí. Một số khác thậm chí đã lùi bước vào quá khứ, coi như nói lời chia tay với đội tuyển Việt Nam. Điều này thoạt nghe có vẻ không hợp logic bởi về lý thuyết, thế hệ 1995-1997 hiện tại phải ở độ tuổi 26-28, có nghĩa là lứa tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ.
Tuyển Việt Nam thay phân nửa đội hình so với Asian Cup trước
Cùng với Công Phượng, Nguyễn Trọng Hoàng và Lương Xuân Trường là những cầu thủ chắc chắn vắng mặt trong đội hình tuyển Việt Nam ở Asian Cup từ khi HLV Troussier chốt danh sách sơ bộ. 4 năm trước, họ đều là trụ cột của đội bóng trên đất UAE.
Phượng khi ấy là người ghi nhiều bàn nhất với pha lập công vào lưới Iraq và Jordan. Hoàng là hậu vệ phải số một còn Trường vẫn là quân bài chiến lược ở hàng tiền vệ. Nhưng những biến thiên của thời gian đã thay đổi hoàn toàn số phận của họ.
Xuân Trường là một trong nhiều ngôi sao của 2019 sẽ không còn hiện diện ở Asian Cup 2023 tới. (Ảnh: Minh Chiến)
Quyết định ở lại Nhật Bản đồng nghĩa Phượng đã tự đóng lại cánh cửa lên tuyển của mình. Giống như Phượng, Xuân Trường cũng ngồi dự bị ở Hải Phòng và dường như đã hài lòng với vị trí hiện có sau gần một thập kỷ chơi bóng đỉnh cao.
Người đàn anh của họ là Trọng Hoàng mới trở lại sau chấn thương nghiêm trọng. Nhưng ở tuổi 34, Hoàng có lẽ không còn phù hợp với đội tuyển Việt Nam. Trường hợp của cầu thủ SLNA là chuyện đương nhiên.
Trong khi đó, những người như Nguyễn Phong Hồng Duy, Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài hay Phạm Đức Huy vẫn còn rất nhiều khát khao cống hiến. Tuy nhiên, 4 người trong số họ không nằm trong danh sách 34 người được công bố hôm qua.
Hồng Duy, Đức Huy nằm ngoài kế hoạch thử nghiệm của HLV Troussier. Tiến Dũng chỉ được triệu tập khi Đỗ Duy Mạnh chấn thương. Anh không được ưu tiên bằng người đàn em ở CLB là Phan Tuấn Tài trong khi Tấn Tài hoàn toàn vắng mặt ở vòng loại World Cup vừa qua dù không hề chấn thương.
Vì sao "Thế hệ vàng" mất vị thế ở tuổi đỉnh cao?
Có ba lý do khiến nhóm ngôi sao của "Thế hệ vàng" gặp khó dưới thời HLV Troussier. Thứ nhất, phong độ của nhiều người trong số này đã sa sút. Thứ hai, năng lực của họ tỏ ra không phù hợp với triết lý mới. Thứ ba, những chấn thương đã ảnh hưởng không nhỏ tới họ.
Những cái tên tiêu biểu bị chấn thương tác động là Phan Văn Đức, Nguyễn Quang Hải và Đoàn Văn Hậu. Phan Văn Đức đã nghỉ thi đấu cả năm nay và hoàn toàn đứng ngoài các kế hoạch của HLV Trousser.
Quang Hải, Văn Hậu là những ngôi sao hiếm hoi thuộc lứa Thường Châu vẫn đang được bảo đảm vị trí ở tuyển quốc gia nhưng đều vắng mặt trước Iraq và Philippines hồi tháng 11 vì các chấn thương khác nhau.
Sự có mặt của Nguyễn Filip và các tài năng trẻ là thách thức lớn cho nhóm cựu binh. (Ảnh: Minh Chiến)
Hậu không kịp trở lại. Hải đã bình phục và lấy lại phong độ nhưng ngay cả trong trường hợp này, anh vẫn cần chiến đấu cật lực để khẳng định vị trí của mình.
Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức - 2 cầu thủ từng giành Quả bóng vàng Việt Nam - không còn chỗ đứng "bất khả xâm phạm" trong đội hình đội tuyển. Cặp tiền vệ trung tâm ưa thích của HLV Park Hang Seo ở giải đấu cuối cùng (AFF Cup 2022) giờ phải dự bị cho bộ đôi Nguyễn Tuấn Anh - Nguyễn Thái Sơn.
Câu chuyện của Hoàng Đức - tốn nhiều "giấy mực" của báo giới - là sự phù hợp về chiến thuật và phong cách chơi bóng. Trong khi đó, đối với Hùng Dũng, anh đơn giản là không còn ở phong độ đỉnh cao sau khi bình phục chấn thương nặng. Ông Troussier có một nhân tố khác chơi bóng theo kiểu tương tự Hùng Dũng nhưng trẻ hơn, khỏe hơn là Thái Sơn.
Hai cầu thủ khác từng bị chê bai, nghi ngờ nhưng đang trở lại mạnh mẽ là Nguyễn Tiến Linh và Vũ Văn Thanh. Trong đó, Văn Thanh đã tự thay đổi để thích nghi còn Tiến Linh đang hồi sinh mạnh mẽ bằng phong độ cao với 2 bàn trong 2 trận gần nhất ở V.League. Họ cũng phải chật vật để giành lại vị thế của mình ở đội tuyển.
Cái tên cuối cùng cần nhắc tới là Đặng Văn Lâm - trường hợp khác rất nhiều những cái tên còn lại.
Câu chuyện của Lâm không nằm ở phong độ, chẳng nằm ở các tài năng trẻ. Anh cũng không gặp chấn thương hay bị ảnh hưởng bởi triết lý mới. Lâm gặp khó bởi sự xuất hiện của một cái tên hoàn toàn mới, một cầu thủ Việt kiều nay đã có quốc tịch Việt Nam, người từng được gọi lên đội tuyển Cộng hòa Czech - Nguyễn Filip.
Sự có mặt của Nguyễn Filip ở tuyển Việt Nam ít ngày tới sẽ là thử thách lớn nhất với Văn Lâm, lớn hơn cả khi Bùi Tấn Trường hay Trần Nguyên Mạnh được lên tuyển. Đó có lẽ là lúc vị trí thủ môn số một của tuyển Việt Nam được thay đổi.
Cùng với sự xuất hiện đồng loạt của những tài năng trẻ như Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn hay Nguyễn Đình Bắc, tuyển Việt Nam ở Asian Cup tới sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác.
https://vtc.vn/the-he-vang-dang-tuoi-dep-vi-sao-tuyen-viet-nam-phai-lam-moi-doi-hinh-ar843481.html