Khi Ấn Độ liên tiếp ghi nhận ca nCoV cao kỷ lục và cạn nguồn vaccine, người Mỹ lại được thoải mái kén chọn tiêm chủng với nguồn cung thừa thãi.
Tại Ấn Độ, chỉ 1,6% dân số hoàn thành chương trình tiêm chủng, giữa lúc làn sóng Covid-19 thứ hai nhấn chìm quốc gia này, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ. Trong khi ở Mỹ, hơn 28% người dân được tiêm chủng đầy đủ và gần 42% tiêm ít nhất một liều. Jackson Memorial, một bệnh viện lớn ở Miami, cho biết bắt đầu giảm tốc độ tiêm chủng vì nhu cầu giảm dần và nguồn cung dư thừa.
Tại Michigan, nhân viên y tế đang tiêm chủng cho học sinh trung học phổ thông, trong khi Bắc Carolina tạm dừng triển khai vaccine hồi đầu tháng này cho kỳ nghỉ xuân.
Cuộc tranh luận về khoảng cách giàu nghèo trong việc tiếp cận vaccine ngày càng sục sôi, khi nhiều dữ liệu cho thấy vaccine đang thừa thãi ở một số nước nhưng lại khan hiếm vaccine ở phần còn lại của thế giới.
Nhiều quốc gia châu Phi như Namibia và Kenya lên án "chế độ phân biệt chủng tộc về vaccine", trong khi nhiều nước khác kêu gọi Mỹ thay đổi chính sách, đồng thời xem xét nới lỏng luật sở hữu trí tuệ và bản quyền điều chỉnh hoạt động sản xuất vaccine.
"Đây là sự xúc phạm cả về mặt đạo đức, luân lý và khoa học", Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói. "Chúng ta có rất nhiều yếu tố khiến dịch bùng phát ở mọi nơi. Chúng ta vẫn đang ngồi trên thùng thuốc súng".
Thông báo hết vaccine bên ngoài trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ hôm 20/4. Ảnh: Reuters. |
Điều này diễn ra khi tình hình Covid-19 toàn cầu đang chứng kiến sự phân chia rõ rệt. Ở một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Anh, Mỹ và Israel, số ca nhiễm đang giảm hoặc duy trì ở mức thấp. Nhưng ở mặt bên kia của bức tranh, số ca nhiễm mới mỗi tuần trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 2, theo WHO, đặc biệt khi một số nước đang phát triển chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay.
"Nhiều quốc gia vẫn chưa có vaccine. Bạn đang thấy nhiều người phẫn nộ và tôi nghĩ điều đó là hợp lý", Rob Yates, giám đốc điều hành Trung tâm Y tế toàn cầu tại Viện Chatham, tổ chức nghiên cứu ở London, cho hay.
Phản ứng dây chuyền của chủ nghĩa dân tộc vaccine đang cản trở nguồn cung cho các nước nghèo thông qua Covax, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu do WHO hậu thuẫn.
Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn, đã ngừng xuất khẩu vaccine khi số ca nhiễm trong nước tăng mạnh, gây trở ngại lớn cho quá trình triển khai Covax. Covax ban đầu dự tính 71% số liều đầu tiên sẽ do Viện Huyết thanh của Ấn Độ cung cấp, nhưng hiện tại, chương trình mới phân phối được 43 triệu trong mục tiêu hai tỷ liều vào năm nay.
"Thật là thảm họa đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình", Lawrence Gostin, giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown nói và nhấn mạnh "đặc biệt với quốc gia như Ấn Độ, nơi có thể trở thành động lực tiêm chủng cho thế giới".
Nhiều nước đang phát triển cho rằng Mỹ và các nước phương Tây giàu có khác có thể thúc đẩy nguồn cung vaccine toàn cầu bằng cách tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty dược phẩm. Điều này cho phép nước nghèo có thể sản xuất các phiên bản vaccine của Pfizer hay Moderna.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ phản ứng của họ giữa những chỉ trích bằng cách cam kết hỗ trợ tài chính cho Covax lên tới 4 tỷ USD, cũng như hợp tác cùng Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để tăng nguồn cung cho Đông Nam Á trong những năm tới. Ngoài ra, chính quyền Biden đã cho Mexico và Canada "vay" 4 triệu liều vaccine AstraZeneca, loại chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 26/4 cho biết Mỹ sẽ chuyển vaccine AstraZeneca cho các nước khác khi có sẵn. Có thể 10 triệu liều sẽ được chuyển đi "những tuần tới", trong khi khoảng 50 triệu liều đang được sản xuất và có thể xuất xưởng vào tháng 5 và tháng 6. Hiện chưa rõ vaccine sẽ được chuyển tới đâu.
Sự chia rẽ về vaccine không chỉ giữa nước giàu và nước nghèo, mà còn là giữa các hàng xóm giàu có. Canada đã đạt thỏa thuận với nhiều công ty dược phẩm để có hàng trăm triệu liều vaccine, gấp nhiều lần nhu cầu cho 38 triệu dân số, trong thời gian tới. Tuy nhiên, quốc gia này lại gặp hạn chế về sản xuất vaccine trong nước, khiến họ cảm thấy ghen tị và thậm chí phẫn nộ với thành tựu tiêm chủng của Mỹ.
"Bạn thực sự thấy bạn bè và kẻ thù của bạn là ai", Thủ hiến Ontario Doug Ford nói tháng trước và cho rằng "người bạn thân thiết nhất của chúng tôi", Washington, nên giúp đỡ nhiều hơn. "Tôi từng nghĩ sẽ thấy một chút thay đổi với chính quyền mới, nhưng một lần nữa họ chỉ nghĩ tới chính họ", Ford nói.
Nhóm "quốc gia thu nhập cao" theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), chiếm 16% dân số thế giới, đã "ôm" hơn 50% nguồn cung vaccine ngắn hạn, theo nghiên cứu của Đại học Duke. Và thực tế Mỹ đang "bơi" trong vaccine.
Tất cả người Mỹ từ 16 tuổi đều có thể tiêm vaccine Covid-19. Quan chức y tế bang ở Tây Virginia, bắc Carolina và Pennsylvania cho biết họ đang đối mặt tình trạng cung vượt quá cầu, nên thách thức mới hiện nay là đẩy lùi thái độ do dự tiêm vaccine.
Dù rất khó để xác định chính xác bao nhiêu lọ vaccine không được sử dụng trên khắp nước Mỹ, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) chỉ ra hơn chục bang đang tiêm ít hơn 1/3 số liều nhận được.
Một người phát ngôn của liên minh vaccine Gavi, đối tác của Covax, cho biết tốc độ cung cấp vaccine hiện nhanh hơn nhiều so với đại dịch "cúm lợn" H1N1 năm 2009. Covax cũng đang tìm cách bù đắp sự chậm trễ xuất khẩu từ Ấn Độ bằng cách theo đuổi thỏa thuận với các nhà sản xuất khác.
Nhưng nhiều nước ngày càng mất kiên nhẫn.
Nhân viên y tế mang khay đựng đầy ống tiêm vaccine Johnson & Johnson tại trung tâm Castine ở thành phố Mandeville, bang Louisiana, Mỹ hôm 10/3. Ảnh: AP. |
Tại Namibia, quốc gia có 2,5 triệu người, chỉ 128 người được tiêm đủ hai liều vaccine tính tới giữa tháng 4.
"Chúng tôi đã đăng ký và trả tiền đặt cọc vaccine Covid-19, nhưng sự phân biệt chủng tộc vaccine đang tồn tại", Tổng thống Namibia Hage Geingob nói tháng này. "Tôi muốn nói rằng chúng tôi, một quốc gia nhỏ, đã trả tiền đặt cọc nhưng đến nay chưa nhận được bất kỳ loại vaccine nào".
Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei cũng bày tỏ phẫn nộ, khi nói rằng Covax đã thất bại trong việc phân phối vaccine tới quốc gia của ông và phần lớn Mỹ Latinh. Ông cho biết Guatemala, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên, phải chuyển sang mua vaccine của Nga và Ấn Độ bởi chỉ nhận được 81.000 liều trong tổng số ba triệu liều AstraZeneca mua qua Covax.
"Hệ thống Covax đã thất bại. Một nhóm nhỏ quốc gia có tất cả các loại vaccine và phần lớn còn lại không được tiếp cận bất kỳ loại nào", ông nói.
Những quốc gia vùng Caribbe cũng tỏ ra thất vọng với Mỹ. Timothy Harris, Thủ tướng St. Kitts và Nevis, nói Ấn Độ trước đó đã giúp đỡ quốc gia của ông và những nước vùng Caribbe khác với hàng nghìn liều vaccine.
"Nhưng thật thất vọng, chúng tôi không nhận được liều vaccine nào từ Mỹ. Không một liều nào", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Đã tiêm vaccine COVID-19, người Mỹ được ra đường không đeo khẩu trang
CDC Mỹ nới lỏng quy định sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ. |
Ấn Độ hết vaccine Covid-19
Ấn Độ thông báo sắp hết vaccine Covid-19 trong khi kế hoạch tiêm chủng của chính phủ là từ ngày 1/5 tất cả người trên ... |
Mỹ sẽ chuyển 60 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước
Mỹ sẽ bắt đầu chuyển 60 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho các nước khác sớm nhất trong vài tuần tới. |