Thành Lộc ngưỡng mộ phong thái và diễn xuất của cố nghệ sĩ Thế Anh khi ông vào vai bác sĩ Hải của vở "Đôi mắt" cuối thập niên 1970.
Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh mất ở tuổi 81 vào sáng 29/9 tại TP HCM. Hơn nửa thế kỷ gắn bó nghề diễn, ông để lại hàng chục vai diễn kinh điển trong loạt phim nhựa. Không chỉ vậy, ở lĩnh vực sân khấu, còn có một Thế Anh của kịch nói - giai đoạn thập niên 1960 - để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm, trở thành hình mẫu với lối diễn chuẩn mực, đa dạng, đậm chiều sâu tâm lý.
Nghệ sĩ Thế Anh.
Thế Anh từng tâm sự, ông được khán giả biết đến nhiều trên màn ảnh, nhưng cái nôi đưa ông đến nghiệp diễn là sân khấu. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp loại ưu khoa diễn viên khóa đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), ông đầu quân về Đoàn kịch nói Trung Ương. Nếu như với phim nhựa, Thế Anh gây tiếng vang từ vai đầu tay - Trung úy Phương của Nổi gió, ở kịch nói, tên tuổi ông cũng chói sáng chỉ sau vài vở diễn. Nhờ nét phong lưu với đôi mắt biết nói, ông đảm nhận được nhiều dạng vai, từ bác sĩ Hải trong Đôi mắt, chàng thủy thủ Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc...
Dù diễn chính hay phụ, ông đều để lại ấn tượng sâu đậm. Chẳng hạn, trong vở Nila - Cô bé đánh trống trận, ông vào vai tên gián điệp Đức
Stavinsky. Vẻ lịch lãm cùng phong thái sắc sảo của ông mê hoặc khán giả và để lại tiếc nuối khi nhân vật này bị bắn chết. Thế Anh - cùng nghệ sĩ Nguyệt Ánh và Hà Văn Trọng - góp phần tạo nên thành công cho vở kịch Liên Xô trên sân khấu thủ đô một thời.
Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Thành Lộc kể anh từng được xem Thế Anh diễn viên bác sĩ Hải trong vở Đôi mắt - cũng của Đoàn kịch nói Trung ương. "Nhân vật người bác sĩ quân đội trong chiến tranh do anh khắc họa đã thu hút tôi hoàn toàn vào vở kịch, và tôi 'chết' với anh thật sự, 'chết' vì anh diễn hay, vì đài từ anh ấm áp, vì nhân dáng anh hoàn hảo và vì diện mạo anh quá đẹp. Kiếm đâu ra một nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn đến vậy", Thành Lộc viết..
Theo Thành Lộc, thời điểm đó, Thế Anh đã 40 tuổi, song ông trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Các nhân vật của ông đẹp và nam tính chứ không điệu đàng, dù ông có một gương mặt điển trai theo kiểu công tử bảnh bao. Dù vậy, khi vào vai phản diện, đôi mắt ông lại rất ác. "Nam nghệ sĩ thời đó được như anh có bao người. Anh đã là thần tượng của tôi từ lâu lắm rồi", Thành Lộc bày tỏ.
Theo NSND Trà Giang - bạn diễn của Thế Anh trong phim Em bé Hà Nội (năm 1974) và Mối tình đầu (năm 1977), ông đạt đến đỉnh cao diễn xuất với lĩnh vực kịch nói. Dù không trực tiếp làm việc chung với ông trên sân khấu, Trà Giang ngưỡng mộ cách nghệ sĩ đặt toàn tâm huyết vào nhân vật. Ông nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng, luôn thử những lối diễn khác nhau để xây dựng hình tượng nhân vật một cách thống nhất. "Đóng vai người nghiện, ông dành hàng tháng trời theo dấu chân các đối tượng nghiện ngập trên đường Hàm Nghi để học cách hóa thân vào nhân vật. Vì luôn tìm tòi phương pháp diễn, khi chuyển từ sân khấu sang phim nhựa, ông nhập vai rất tự nhiên, không bị 'kịch' như nhiều nghệ sĩ cùng thời", bà kể.
Nghệ sĩ Thế Anh bên bạn diễn một thời Trà Giang.
Thập niên 1980, nghệ sĩ Thế Anh chuyển công tác vào TP HCM. Cũng từ đây, ông ít diễn hơn cả trên màn ảnh lẫn sân khấu vì không tìm được vai ưng ý. Thi thoảng, ông tái ngộ sàn diễn với vai trò khách mời. Năm 2008, ông đảm nhận vai vua Minh Mạng trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt. Gần đây nhất, ông vào vai Trần Luận - một nhân vật phản diện - trong vở Người thi hành án tử (đạo diễn Khánh Hoàng) của Nhà hát kịch TP HCM. Bà Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM kể, dẫu dấu ấn của Thế Anh ở sàn diễn trong Nam chưa đậm nét như sân khấu phía Bắc, ông vẫn được các đồng nghiệp nể trọng với lối diễn cống hiến. Quyền Linh - diễn viên đóng cùng ông trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt - khâm phục ông ở tinh thần hết mình. "Đợt đó, tôi quay lại sân khấu một phần vì muốn được diễn chung với Thế Anh. Khi ấy, ông đã già, huyết áp có vấn đề nhưng vẫn lăn xả với nhân vật", diễn viên nói.
Thế Anh (trái) trong vai vua Minh Mạng của vở "Tả quân Lê Văn Duyệt".
Với thành tựu lớn trong nghề diễn, Thế Anh trở thành hình mẫu chuẩn mực của nhiều thế hệ đàn em. Thành Lộc kể trên sàn diễn, Thế Anh thường toát ra hào quang rộng lớn, đến mức nhiều đàn em - như anh - đôi khi chỉ muốn chiêm ngưỡng từ xa vì đã quá ngưỡng mộ ông. Nhiều lần gặp ông, anh cúi chào nhưng không dám nói chuyện nhiều, dẫu biết tính đàn anh xởi lởi, dễ gần.
Diễn viên Hồng Ánh là một trong những nghệ sĩ thế hệ sau thường tiếp xúc với Thế Anh những năm gần đây, khi cùng ông dự các buổi hội thảo trong nghề. Ngoài đời, giọng ông sang sảng, thường kể chuyện hài với lối giao lưu rất thu hút, dẫu khi ấy ông nhớ nhớ quên quên vì tuổi tác đã cao. Một lần tâm sự với Hồng Ánh, ông nói tâm nguyện cuối đời của ông là dành trọn cho nền điện ảnh, sân khấu nước nhà. Ông nhận xét nhiều diễn viên bây giờ ngại khó ngại khổ, đài từ kém.
"Tuy nhiên, ông thường nói: giữa xã hội nhiều cám dỗ như hiện nay, các diễn viên trẻ theo đuổi nghề được như vậy là tốt lắm rồi. Ông là vậy, rất công bằng, thường động viên những nghệ sĩ trẻ và chưa bao giờ mất niềm tin vào thế hệ đương thời", Hồng Ánh kể.
Lễ viếng NSND Thế Anh bắt đầu từ sáng 1/10 tại Nhà tang lễ TP HCM. Lễ truy điệu diễn ra sáng 3/10, sau đó ông được đưa đi hỏa táng ở Phúc An Viên, quận 9.
Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh qua đời sáng 29/9 ở tuổi 81, sau thời gian điều trị tai biến ở Bệnh viện Thống nhất (TP HCM). Ông tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh ngày 3/4/1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung...
Năm 1966, Thế Anh ghi dấu ấn với vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim Nổi gió. Năm 1977, ông đóng vai một thanh niên nghiện hút trong phim Mối tình đầu. Sau phim này, ông quyết định để ria mép để trông nam tính hơn. Ở tuổi ngoài 50, ông tham gia phim Gánh xiếc rong, Điện Biên Phủ, Đêm hội Long Trì... Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm gần đây, ông tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh.