Những năm gần đây, trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng. Những vết nứt lớn, tường vữa bong tróc từng mảng, biển cảnh báo khắp lối đi khiến việc dạy, học của cả thầy và trò nơi đây diễn ra trong... sợ hãi.
Sau hơn 40 năm xây dựng và hoạt động, cơ sở vật chất của trường THPT Trương Định đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt dãy nhà B dù đã bị nghiêng, tường trần bong tróc nhưng vẫn phải sử dụng.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, tại trường THPT Trương Định, khu vực hành lang nhiều chỗ tường bị rạn nứt, vôi vữa lở thành nhiều mảng lớn. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, tại khu vực hành lang những chỗ có vết rạn nứt lớn, nhà trường phải đóng cọc sắt chống đỡ nhằm tránh tình trạng đổ tường. Không những thế, tại những nơi xuống cấp nghiêm trọng nhà trường còn đưa ra cảnh báo nguy hiểm đối với học sinh vào giáo viên.
Theo ghi nhận, nhiều khu vực hành lang, lớp học, trần nhà tại trường THPT Trương Định đều có dấu hiệu rêu phong bao phủ, rễ cây lan vào tận lớp học.
Những dãy nhà nứt nẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Hiếm có trường học nào lại nhiều biển cấm, biển cảnh báo như THPT Trương Định.
Trường xuống cấp cũng khiến cho nhiều học sinh của trường không khỏi lo lắng mỗi khi đi học. Em Ngô Minh Phương (học sinh lớp 12) luôn nơm nớp nỗi lo trường đổ. “Em rất lo lắng khi đang học mà bị vôi vữa rơi xuống đầu. Em nghĩ trong lớp học phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn”, Minh Phương chia sẻ.
Nhiều phòng học trần nhà bị bong tróc vữa, chỉ cần một lực tác động nhẹ, các mảng vữa này cũng có thể rơi xuống.
Học sinh và giáo viên lo lắng khi dạy và học trong ngôi trường đang xuống cấp.
Ông Lê Việt Dương - hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường THPT Trương Định bắt đầu xuống cấp từ đầu những năm 2000. Sau trận lũ lịch sử của Hà Nội năm 2008 thì tình trạng càng nghiêm trọng. Khi đó, mực nước cao đến ngang cửa sổ phòng học tầng 1, học sinh phải nghỉ học một tuần. Sau đó dãy nhà B nghiêng nhiều hơn, tường vôi mục nát".
Để khắc phục, nhà trường thường xuyên kiểm tra các phòng học. Hàng tuần, thầy Dương cùng bảo vệ phải đến từng lớp học để chọc trần, đảm bảo các mảng vữa bong tróc phải rơi xuống hết ngoài giờ học của học sinh. Vào mùa mưa, nồm ẩm, việc kiểm tra trần nhà, tường, cột lớp được thực hiện hàng ngày. Nhà trường cũng lắp đặt nhiều biển báo ở khu vực đặc biệt nguy hiểm nhằm cảnh báo giáo viên và học sinh, yêu cầu các em không được dựa vào lan can, chạy nhảy mạnh. Những vết nứt mới phát hiện cũng phải được gia cố thường xuyên.
Với các lớp, trường phải yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phân công cán bộ lớp phụ trách cơ sở vật chất kiểm tra phòng học, đặc biệt là trần và điện ngay khi mở khóa cửa. Nếu thấy trần nứt, có thể rơi, học sinh được yêu cầu phải báo cáo bảo vệ để xử lý ngay.
Những mảnh vôi vữa bong tróc rơi xuống nền nhà gây nguy hiểm cho học sinh.
Khu nhà B đã bị nghiêng. Phía nối với nhà hiệu bộ, một đoạn nứt lớn đã được nhà trường gia cố bằng trụ sắt. Xung quanh có chăng băng dính, tre nứa và cả chục biển báo nguy hiểm cấm vào.
Theo nhiều học sinh, cơ sở vật chất xuống cấp, cộng thêm việc trường nằm trên địa hình đất thấp, nên mỗi lần mưa đều xảy ra cảnh ngập lụt cục bộ. Từ nhiều năm nay, học sinh trường THPT Trương Định đã quen với việc xắn quần, xách giày lội nước đi học mỗi lần có mưa lớn.
Mất tích 19 năm, thi thể được tìm thấy trong tủ lạnh nhà chị gái
Hoang mang và kinh hãi đang bao trùm thị trấn nhỏ Palovec tại Croatia sau khi cảnh sát phát hiện thi thể của một phụ ... |
10 cặp thầy trò ghét nhau nổi tiếng thế giới bóng đá
Mâu thuẫn giữa HLV Maurizio Sarri và thủ thành Kepa ở trận chung kết League Cup 2019 chỉ là phần nhỏ của thế giới bóng ... |
Thầy Park "bỏ" U23 Việt Nam: Đúng bậc thầy trò chơi!
Đòi “bỏ U23” để tập trung cho tuyển Việt Nam ở cuộc trả lời truyền thông Hàn Quốc khi trở về từ Asian Cup 2019, ... |
Cơ hội nào cho thầy trò HLV Park Hang-seo trước Nhật Bản?
ASIAN CUP 2019: Đội tuyển Nhật Bản rất mạnh, nhưng chưa phải đội bóng hoàn hảo. Nếu tận dụng tốt những điểm yếu của thầy ... |