Thay đổi cách đánh giá học sinh phổ thông: Giảm áp lực nhưng không cào bằng?

Thông tư số 22/2021 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc thay đổi cách đánh giá học sinh phổ thông trong Thông tư 22 sẽ góp phần giảm áp lực điểm số không cần thiết đối với học sinh nhưng cũng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với học sinh giỏi.

Điểm đáng chú ý của Thông tư 22 thay thế Thông tư số 58 và Thông tư số 26 ban hành trước đó là quy định 2 hình thức đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số. Tuy nhiên, khác với các Thông tư trước, Thông tư 22 cho phép một số môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét.

Thay đổi cách đánh giá học sinh phổ thông: Giảm áp lực nhưng không cào bằng? -0

Thông tư 22 về đánh giá học sinh sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9. (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, các môn gồm Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt. Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số.

Bên cạnh đó, nếu Thông tư 58 có quy định về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm, thì ở Thông tư 22, quy định này đã không còn. Điểm trung bình học kì và năm học chỉ được tính riêng cho từng môn học. Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh ở Thông tư 22 được đánh giá theo một trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt thay vì xếp loại Hạnh kiểm: Tốt, khá, trung bình, yếu như Thông tư 58.

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu như theo đánh giá học lực “Giỏi” trước đây, học sinh cần phải đạt trung bình các môn trên 8, trong đó có một trong 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh phải đạt từ 8 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 điểm thì Thông tư 22 yêu cầu phải có 6 môn đạt từ 8 phẩy trở lên, không môn nào dưới 6,5 điểm. Cách đánh giá này sẽ đòi hỏi mức độ giỏi của học sinh chặt chẽ và đồng đều hơn. Bên cạnh đó, việc cho phép đánh giá bằng nhận xét đối với các môn năng khiếu cũng giúp học sinh giảm bớt được áp lực điểm số không cần thiết, phù hợp hơn cho việc đánh giá sự phát triển năng lực của từng học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Lê Thu Hà, giáo viên Trường THCS Hồ Xuân Hương (Nghệ An) cho rằng: Thông tư 22 đã thể hiện một sự thay đổi về tư duy trong việc đánh giá học sinh cả về kết quả học tập và rèn luyện từ “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém” sang “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”. Theo cô Hà, trước đây, chúng ta dùng một số điểm trung bình cuối cùng để đánh giá một học sinh là “Yếu, Kém”. Cách dùng này có phần mang tính dán nhãn nặng nề và gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, giảm động lực phấn đấu của các em.

Trong khi đó, việc dùng “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt” sẽ mang tính trung lập hơn. Khi học sinh nhận về mức đánh giá “Chưa đạt”, các em sẽ biết rằng mình còn những điểm cần phải cố gắng so với yêu cầu cần đạt của chương trình. Điều này khiến các em bớt tổn thương và có thêm động lực để cố gắng. Ghi nhận những thay đổi tích cực tại Thông tư 22 về đánh giá học sinh song cô Lê Hoài Thương, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cũng thừa nhận, sẽ mất một khoảng thời gian để đội ngũ giáo viên và học sinh "bắt nhịp" với những thay đổi này.

Để thực hiện tốt Thông tư 22, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên cần tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trước đây, chúng ta có quan điểm cộng điểm các môn học rồi tính điểm trung bình, từ 8 điểm trở lên mới được xếp học lực “Giỏi”. Với cách thức này, sẽ là lấy điểm môn này bù môn kia, mà không quan tâm nhiều đến việc học sinh đó mạnh ở các môn học nào. Do đó, Bộ GD&ĐT không muốn quy định kiểu tính trung bình, đánh giá chung chung này nữa, mà muốn khi đánh giá học sinh sẽ nhìn vào từng em có năng lực, xu hướng học tốt ở những môn nào. Từ đó, có kế hoạch tập trung, phát triển tiềm năng của học sinh.

Ông Thành cũng lưu ý giáo viên cần hiểu đúng và vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, cũng như kết hợp giữa nhận xét với điểm số một cách phù hợp từng môn học.

Huyền Thanh

Bộ Giáo dục đã thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào? Bộ Giáo dục đã thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?
Bắt học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì? Bắt học sinh phổ thông học vi phân, tích phân để làm gì?
/ cand.com.vn