Không có quy định nào cho phép thầu chính bán 100% gói thầu cho các nhà thầu phụ như Posco E&C đã làm tại cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng.
Nhùng nhằng trách nhiệm
Cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và vay ODA, WB đã xảy ra hỏng hóc chỉ sau 1 tháng thông xe.
Ngoài đoạn hư hỏng, dư luận còn bất ngờ với việc bán thầu gói A5 thuộc nhà thầu chính Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco E&C - Hàn Quốc) đảm nhiệm.
Đơn vị này không trực tiếp thi công mét đường nào mà sau khi trúng thầu đã bán 100% gói thầu cho 17 nhà thầu phụ của Việt Nam.
Trao đổi với Đất Việt ngày 15/10/2018, TS Nguyễn Thế Vinh - Trưởng khoa Đấu thầu, Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin này.
Bởi, hiện nay các quy định của Việt Nam chưa cho phép bất cứ một đơn vị thầu chính nào được bán 100% gói thầu cho các nhà thầu phụ.
"Nhà thầu phụ chỉ được phép thực hiện số % nhất định tại dự án chứ không được thực hiện 100%..." - ông Vinh nói.
Trước vấn đề Posco E&C bán 100% gói thầu dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng cho các nhà thầu phụ, vị chuyên gia này đánh giá trách nhiệm thuộc về sự giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.
Trong hồ sơ đấu thầu, hợp đồng sau khi trúng thầu và trong quãng thời gian thi công chủ đầu tư và đơn vị giám sát phải quy định rõ vấn đề này và kiểm tra thường xuyên, xử lý ngay khi phát hiện có tình trạng bán thầu.
Tình trạng bán thầu sẽ khiến cho chi phí gói thầu sẽ bị đẩy lên cao, không những thế khi công trình xảy ra sự cố còn dẫn đến tình trạng nhùng nhằng trách nhiệm giữa các bên.
Trong khi chủ đầu tư chỉ biết "nắm tóc" nhà thầu chính thì nhà thầu chính lại "đùn đẩy" cho nhà thầu phụ. Từ đó, dẫn đến tình trạng công trình không được khắc phục kịp thời, triệt để.
Đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng hư hỏng sau 1 tháng thông xe.
Ông Nguyễn Quang Hiển - Phó trưởng Bộ môn Quản lý Dự án, Khoa Quản lý Xây dựng, Trường Đại học GTVT Hà Nội cũng không tin có tình trạng "bán thầu" 100% tại dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng.
"Có thể nhà thầu chính đã sử dụng một ngôn từ nào đó để lách luật việc này" - ông Hiển nhận định.
Theo ông Hiển, trước sự cố hư hỏng đường cao tốc 34.500 tỷ đồng các bên phải chịu trách nhiệm đến đâu phụ thuộc vào hợp đồng đã ký kết giữa các bên, cụ thể là giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính Posco E&C, thỏa thuận giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ.
Nỗi buồn thầu phụ
Theo tìm hiểu của Đất Việt, 17 nhà thầu phụ "mua" thầu của công ty Posco E&C tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng đều là những doanh nghiệp trong nước, có đủ khả năng, kỹ thuật để thực hiện xây dựng tuyến đường này nhưng vẫn chỉ làm phận "kép phụ".
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở Việt Nam, không chỉ có ở ngành xây dựng mà còn thường xuyên gặp phải ở nhiều ngành khác.
TS Nguyễn Thế Vinh cho rằng, đây là điểm khó trong các dự án vay vốn ODA, WB. Bởi khi vay vốn từ các nguồn này thì Việt Nam bắt buộc phải thực hiện theo một số quy định mà đơn vị cho vay đề ra.
"Việc đấu thầu tại các dự án vay vốn ODA, WB phải thực hiện theo các quy định của quốc tế hoặc một nước nào đó ngoài Việt Nam, chính vì thế mà doanh nghiệp trong nước rất khó đủ điều kiện để tham dự hay trúng thầu" - ông Vinh cho biết.
Tuy nhiên, khi các nhà thầu chính ngoại quốc tham gia các dự án tại Việt Nam cũng thường xuyên bán thầu, buộc các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà thầu phụ cũng diễn ra khá nhiều.
Một số doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực nhưng hồ sơ lại không đẹp được như các doanh nghiệp quốc tế. Mặc dù vậy, khi trúng thầu các doanh nghiệp này không thể đem hết máy móc, nhân lực qua Việt Nam được vì như thế sẽ dội chi phí lên cao, vì thế mà phải thuê nhà thầu phụ tại nước bản địa, sau đó họ hưởng tiền chênh.
Còn tiền chênh bao nhiêu thì phụ thuộc vào mỗi dự án, mỗi nhà thầu mà 2 bên thỏa thuận với nhau.
Nhưng khi đã là nhà thầu phụ rồi thì phải chịu rất nhiều áp lực, không chỉ là vấn đề kinh phí nhận được ít mà còn thường xuyên bị thầu chính tìm mọi cách chậm trả tiền...
Để tránh tình trạng Việt Nam mãi làm nhà thầu phụ tại các dự án lớn, vay vốn nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư cần chủ động rà soát, phân chia dự án ra thành nhiều gói thầu khác nhau và nhận định gói thầu nào doanh nghiệp trong nước có thể làm được để có những điều khoản ưu tiên.
Cần thanh tra, làm rõ dấu hiệu bớt xén vật liệu ở cao tốc 34.500 tỷ
Các chuyên gia kiến nghị Bộ GTVT cần vào cuộc, thanh tra toàn diện đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng ... |
Hàng chục công nhân sửa "ổ gà" trên cao tốc 34.500 tỷ
Nhà thầu đã huy động gần 50 công nhân và thiết bị để cào lớp nhựa bị bong tróc, xử lý những hư hỏng trên ... |
Đề nghị Quốc hội làm rõ vụ cao tốc 34.500 tỷ vừa làm xong đã hỏng
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu làm rõ và giải trình phải nghiêm túc tại sao tuyến cao tốc Đà ... |