Việc tháo dỡ công trình trên núi cái Hạ sau 1 tháng vẫn chưa hoàn thành như cam kết của doanh nghiệp vì thợ chỉ làm vài ngày rồi bỏ.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 1/5, ông Nguyễn Thế Vịnh - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) xác nhận, sau một tháng tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ thuộc khu vực Tràng An cổ đến nay vẫn chưa hoàn thành theo cam kết của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An.
Ông Vịnh cho biết thêm: "Hiện nay, bên phía Công ty vẫn chưa thuê được thợ phá dỡ, thợ cứ làm được một thời gian rồi bỏ, vì khó tháo dỡ quá, cộng với nguy hiểm, bây giờ lại phải đi tìm thợ mới".
Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 công trình trên cũng bị cấm mở cửa, các khu vực xung quanh, bên dưới du khách cũng không được vào tham quan, cấm nghiêm ngặt.
"Hiện phía công ty du lịch Tràng An cũng đang xin ý kiến tỉnh, huyện Hoa Lư để tới đây tìm thợ hoặc khoán cho công ty phá dỡ dưới hình thức nào đó để tháo dỡ", ông Vịnh nhấn mạnh.
Tháo dỡ công trình vi phạm vùng lõi Tràng An đang gặp khó khăn khi tìm thợ?
Trước đó, theo yêu cầu, việc tháo dỡ công trình phải tiến hành cẩn trọng, tỉ mỉ để đảm bảo các yếu tố: An toàn lao động, bảo vệ cảnh quan môi trường và không làm tác động đến hiện trạng khu vực.
Tuy nhiên, việc thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng của doanh nghiệp tiến hành quá chậm, ước chừng mới được khoảng 10% toàn bộ khối lượng công việc. Toàn bộ công trình này gồm các hệ thống bậc thang, đường dẫn và các công trình khác trên chiều dài 510 m với hơn 900 bậc thang.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư đã ban hành văn bản hướng dẫn Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Về phía đơn vị tháo dỡ, ngày 16/4, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An cho biết đang thực hiện tháo dỡ.
Bên cạnh đó, ông Son cho biết: "Hiện nay, việc tháo dỡ công trình đang gặp 2 khó khăn lớn: một là, thời tiết mưa nhiều nên khá khó khăn cho tiến độ thi công; hai là, phương án phá dỡ công trình mới được phê duyệt cách đây 3-4 ngày, nên việc tuyển nhân công khá khó khăn".
Cũng theo ông Son, tiến độ, chất lượng, mức độ ảnh hưởng khi tháo dỡ thì cứ liên hệ với đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh.
Là trưởng đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, ông Đinh Chung Phụng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Công trình sai phạm đang tiến hành phá dỡ và yếu tố được quan tâm nhiều nhất là sự an toàn khi thực hiện".
Thực tế, khi đề cập đến phương án tháo dỡ, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, người có nhiều kinh nghiệm về khai thác núi đá cho rằng sẽ rất khó khăn, với địa hình cheo leo như núi Cái Hạ.
Với các công trình liên quan tới di sản, muốn tháo dỡ phải có một Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia địa chất, các chuyên gia xây dựng, các nhà khoa học nghiên cứu về di sản.
Tất nhiên, nếu cứ để doanh nghiệp tự làm thì họ chỉ biết kinh doanh, biết đến lợi nhuận, làm liều. Khi chưa có một Hội đồng chính thức thì vẫn chưa nên cho tháo dỡ. Hơn hết, các phương án tháo dỡ đã lấy ý kiến các bên, đã được thông qua?
Đồng tình quan điểm, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: "Chuyện xin ý kiến ai là quyền của chủ đầu tư nhưng phương án tháo dỡ phải được đưa ra xin ý kiến phê duyệt, tôi chưa thấy việc này, trong khi rất cần một Hội đồng bao gồm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực.
Phải có đơn vị giám sát việc phá dỡ, xây dựng cả một đại công trình không ai biết thì nói gì đến việc phá dỡ nếu không giám sát hệ quả sẽ ra sao".
Tiến độ tháo dỡ “dậm chân tại chỗ” tại công trình trái phép trong khu vực Tràng An cổ
Sau 30 ngày thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ theo cam kết của doanh nghiệp, mọi việc ... |
Cận cảnh tháo dỡ công trình trái phép xuyên vùng lõi danh thắng Tràng An
Công trình xây dựng không phép đường lên núi Cái Hạ xuyên vùng lõi di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Tràng An ... |