Một nông trại 200 nhân viên đang hoạt động hết công suất, bỗng bị kiểm tra, rồi thanh tra.
Đó là một thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam, được giới doanh nghiệp và cả giới quản lý nhà nước thừa nhận từ lâu như mô hình làm ăn chuẩn chỉ, đàng hoàng hàng đầu trong cả nước. Trên 152 hecta, 87% diện tích để trồng trọt; số đất còn lại dùng cho nhà máy sơ chế, sản xuất vi sinh, hệ thống tưới tiêu, nhà công nhân... Mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy rau củ sấy và 3 tấn rau củ hữu cơ cho các siêu thị ở TP HCM, Bình Dương.
Cuối năm 2019, doanh nghiệp bị kiểm tra. Rồi vừa tạm hết dịch, công ty tái khởi động sản xuất thì thanh tra đến. Nhiều ngày, các cán bộ các sở của tỉnh xuống doanh nghiệp, lục tung sổ sách trong suốt mười mấy năm, cầm thước đi đo từng mét vuông đất với thái độ ngang nhiên, đe dọa cán bộ nhân viên. Chủ công ty nói với tôi: \\"Doanh nghiệp dù tuân thủ chặt chẽ pháp luật vẫn luôn lo âu vì có thể gặp rủi ro. Chúng tôi sợ nhà nước, địa phương sẵn sàng thay đổi quy hoạch sử dụng đất đai một cách bất chấp. Họ bảo rằng họ có toàn quyền định đoạt\\".
Vì vừa là bạn, là đối tác trong một số hoạt động với doanh nghiệp này, tôi và vài anh chị được biết và theo dõi vụ việc từ cuối năm 2019. Mới đây, tôi được nghe lại cuộn băng ghi âm buổi làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh - chính quyền nơi đang thanh tra doanh nghiệp - với đoàn nhà báo để làm rõ thông tin liên quan đến sự việc.
Khi nhà báo đặt câu hỏi rằng vì sao chính quyền lại thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong khi họ không vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào, vị đại diện sở nói: \\"Vì có một cử tri dưới xã đề nghị thu hồi đất của công ty để làm khu dân cư, tạo tiềm lực phát triển kinh tế cho xã\\". Cử tri đó là ai? Không biết. Nhưng ý kiến cử tri này \\"có trong biên bản của tỉnh\\", và tỉnh chỉ đạo sở phải trả lời cử tri không có tên kia. \\"Tỉnh giao thì phải làm. Mà kiểm tra là đúng, muốn biết thu hồi đất được hay không thì phải đi kiểm tra\\", vị lãnh đạo sở nói: \\"đó là chuyện quá bình thường!\\".
Kết quả kiểm tra lần thứ nhất của tỉnh: không có cơ sở thu hồi đất vì doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất một lần cho 40 năm, đóng từ hơn mười năm nay, và họ làm ăn phù hợp quy hoạch và đúng theo mọi quy định. Song, doanh nghiệp phải chịu thanh tra tiếp tục. Lý giải lý do vì sao, vị lãnh đạo sở dõng dạc: \\"vì còn yêu cầu thứ hai của cử tri\\". Cử tri đó muốn phải lập khu dân cư. Mà muốn xem có lập được khu dân cư không thì phải kiểm tra xem doanh nghiệp kia làm ăn có hiệu quả không. \\"Nếu làm cái này không hiệu quả thì phải chuyển qua làm cái khác. Dân đòi lập khu dân cư thì phải đánh giá hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả làm ăn. Như vậy phải nhiều ngành cùng vào kiểm tra, Sở kiến nghị tỉnh đưa đoàn thanh tra đa ngành xuống cũng là điều bình thường\\", vị cán bộ khẳng định.
Bà tiếp rằng, bởi vì thấy doanh nghiệp \\"không đóng góp gì cho địa phương phát triển nên dân mới thắc mắc, mà dân đề nghị thì chúng tôi phải kiểm tra\\". Rồi bà nhấn mạnh: \\"Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, dân và doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng. Cần quy hoạch lại thì nhà nước quy hoạch. Quyền quy hoạch sử dụng đất, định hướng sử dụng đất là quyền của nhà nước, thấy cần thì quy hoạch, cũng là việc làm bình thường\\".
Nghe băng đến đây, tôi giật mình: trong lịch sử quan hệ giữa cán bộ nhà nước với dân, lần đầu tiên tôi thấy có một cử tri \\"vô hình\\", không có tên tuổi mà quyền lực vô biên đến thế. Nhiều năm làm việc với doanh nghiệp, doanh nhân, tôi tin nhiều người cũng như tôi, hiểu rằng việc sản xuất của doanh nghiệp sau khi được cấp phép kinh doanh nếu làm ăn đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đóng đủ các loại thuế thì cớ sao còn phải \\"đóng góp cho kinh tế xã hội riêng của địa phương\\" - cái này là cái gì?
Khi Thủ tướng chỉ đạo phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, phục hồi sau dịch, cũng là để tạo bệ phóng cho nền kinh tế, thì doanh nghiệp nhận quyết định thanh tra của chủ tịch tỉnh mà không hiểu vì sao. Khi trên Nghị trường, Quốc hội vừa thông qua Luật doanh nghiệp sửa đổi, thì ở địa phương, doanh nghiệp phải chật vật mỗi ngày lục tung giấy tờ suốt mười mấy năm hoạt động theo thanh tra yêu cầu.
Thực trạng thu hồi đất nông nghiệp của dân để giao cho công ty địa ốc phân lô bán nền đã trở thành vấn nạn lớn của xã hội, báo động sự thu hẹp đất nông nghiệp quốc gia chỉ vì có những nhóm chạy theo lợi nhuận quá lớn. Nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gần đây cũng đã phản đối quyết liệt hàng loạt hành xử mà như báo chí gọi là \\"cơn lốc lấy đất nông nghiệp để phân lô bán nền\\" ở Đà Lạt, Nghệ An, Quảng Ngãi (ở Hợp tác xã Khai thác hải sản Nghĩa An hay Hợp tác xã rau Hợp Nghĩa, Tân Nam). \\"Cơn lốc\\" đó giờ đã tấn công cả các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao, đã vận hành cả chục năm và chứng minh được tính đúng đắn.
Tôi tin hầu hết các gia đình Việt Nam đều ưa chuộng sản phẩm của công ty này. Họ đã đầu tư rất bài bản, nếu không nói bài bản nhất về chiến lược và mô hình chuỗi, kiên trì cải tạo đất, đầu tư giống, phân bón vật tư vi sinh, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các chứng nhận hữu cơ là những tiêu chuẩn khó khăn nhất của cả châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc và đang xuất khẩu rất tốt. Tôi không hiểu tại sao từ một ý kiến có thể ngẫu hứng, cảm tính và rất sai trái là đòi thu hồi đất cua doanh nghiệp để xây khu dân cư mà Sở Tài Nguyên và Môi Trường lại \\"riu ríu\\" đi kiểm tra doanh nghiệp rồi tiếp tục đề xuất thanh tra và làm khó dễ người sản xuất.
Việc đối xử với doanh nghiệp sai Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và cả Luật Thanh tra như trên cho thấy: tình trạng trên bảo dưới không nghe là có thật, bất chấp đường lối, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước. Cách làm và lý lẽ ngang ngược của họ đã và đang \\"phản kích\\" quyết liệt chủ trương đổi mới nông nghiệp, làm nông bền vững an toàn và đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp Việt Nam. Họ, vì đâu, gửi đi một tín hiệu, cứ triệt hạ chẳng chút phân vân những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.
Sẽ còn bao nhiêu doanh nhân có khát vọng vươn lên phải thất vọng ra đi vì bị phản bội lý tưởng và niềm tin \\"dốc sức xây dựng đất nước qua đầu tư cho nông nghiệp đổi mới\\"? Nhiều nhà đầu tư đang hồi hộp theo dõi, nếu một mô hình khá tròn trịa và nổi tiếng như vậy cũng bị vô cớ \\"tấn công\\" và tìm cách \\"xóa bỏ\\" dễ dàng thì tiền lệ này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến nhiều nhà đầu tư khác đang nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế nông nghiệp còn non trẻ của chúng ta.
Vũ Kim Hạnh