Thanh niên Hàn Quốc bỏ việc công sở theo đuổi giấc mơ trực tuyến

Bố mẹ Yoon Chang-hyun ngờ con không tỉnh táo khi bỏ việc nghiên cứu ở công ty Samsung năm 2015 để bắt đầu kênh YouTube riêng.

thanh nien han quoc bo viec cong so theo duoi giac mo truc tuyen
Ngôi sao YouTube Na Dong-hyun (trái) thường được biết tới với tên gọi "Đại thư viện", chủ trì show YouTube của mình cùng với hai ngôi sao nhóm Super Junior là Kim Hee-chul (phải) và Eunhyuk (giữa). Ảnh: Reuters.

Bố mẹ của Yoon Chang-hyun đã yêu cầu con đi khám tâm thần khi Yoon quyết định bỏ công việc nghiên cứu viên tại tập đoàn Samsung Electronics vào năm 2015 để bắt đầu kênh YouTube riêng.

Với mức lương 65 triệu won (57.619 USD) một năm, gấp ba lương trung bình của người Hàn Quốc, cùng với bảo hiểm sức khỏe hàng đầu và nhiều lợi ích khác do Samsung cung cấp, công việc của Yoon luôn khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ước ao và ghen tỵ.

Nhưng chán nản với những ca làm đêm lặp đi lặp lại, cơ hội thăng tiến ít ỏi cùng với giá nhà tăng cao khiến việc sở hữu nhà vượt quá tầm tay, chàng trai 32 tuổi đã từ bỏ công việc ổn định để chuyển sang làm nhà cung cấp nội dung trên Internet.

Yoon Chang-hyun là một trong những người thuộc lứa đầu tiên của thế hệ thiên niên kỷ (8x-9x) chấp nhận từ bỏ công việc cổ cồn trắng ổn định ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tăng vọt và hàng triệu thanh niên khác vẫn đang chiến đấu để vào được các tập đoàn lớn.

"Khi đó, rất nhiều người hỏi có phải tôi bị điên không", Yoon nhớ lại. "Nhưng nếu quay lại làm việc, chắc chắn tôi sẽ lại bỏ việc. Cấp trên của tôi nhìn không hạnh phúc, trông họ lúc nào cũng kiệt sức và cô đơn".

Yoon đang điều hành một kênh YouTube riêng về việc theo đuổi công việc mơ ước và đang nỗ lực kiếm tiền. Samsung Electronics, nơi Yoon từng làm việc, từ chối bình luận về bài viết.

Các tập đoàn gia đình trị (chaebol) như Samsung và Huyndai đưa Hàn Quốc phát triển từ đống tro tàn của chiến tranh thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong chưa đầy một thế hệ. Lương cao và công việc đảm bảo đã đưa nhiều đứa trẻ sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số bước vào tầng lớp trung lưu của xã hội Hàn Quốc.

Nhưng khi tăng trưởng kinh tế chững lại, cùng với lương bổng chịu ảnh hưởng do cạnh tranh từ những nhà sản xuất khác có chi phí thấp hơn, những thanh niên trẻ tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu, có công ăn việc làm ổn định trong các tập đoàn lớn nói rằng họ ngày càng có xu hướng không muốn cố sức làm tròn những kỳ vọng của xã hội.

thanh nien han quoc bo viec cong so theo duoi giac mo truc tuyen
Yoon Chang-hyun chỉnh sửa video trước khi phát lên YouTube. Ảnh: Reuters.

Đây là vấn đề phổ biến mà nhiều quốc gia gặp phải, nhưng ở Hàn Quốc, nơi văn hóa doanh nghiệp phân cấp chặt chẽ và tình trạng thừa nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học có kỹ năng giống nhau, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, theo Ban Ga-woon, nghiên cứu viên về thị trường lao động tại Trung tâm Giáo dục Đào tạo Nghề thuộc Viện nghiên cứu Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc có thời gian đảm nhiệm một công việc ngắn nhất, chỉ 6,6 năm so với mức trung bình 9,4 năm của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và 11,5 năm của Nhật Bản tính đến năm 2012. Một khảo sát tương tự cho thấy chỉ 55% người Hàn Quốc hài lòng với công việc, tỷ lệ thấp nhất trong OECD.

Hồi tháng 1, "bỏ việc" lọt top 10 giải pháp trong năm mới trên các trang mạng xã hội lớn của Hàn Quốc. Một số người lao động thậm chí đi học cách bỏ việc.

Trong một cơ sở nhỏ gồm ba lớp học ở phía nam Seoul, trung tâm có tên Trường dạy Nghỉ việc thu hút hơn 7.000 người tới học từ khi mở cửa năm 2016 đến nay, người sáng lập Jang Su-han cho biết.

Jang, 34 tuổi, bỏ việc ở công ty Samsung Electronics năm 2015 để thành lập trung tâm, cho biết đang cung cấp 50 khóa học, bao gồm các lớp dạy trực tuyến trên YouTube, quản lý khủng hoảng và cách lên kế hoạch B. Jang cho hay "rất nhiều người chúng ta quá bận bịu với các trung tâm luyện thi thời còn niên thiếu để suy nghĩ nghiêm túc về những thứ chúng ta mong muốn".

Có điều, sức hấp dẫn của công việc trong tập đoàn chaebol vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang có tỷ lệ việc làm tồi tệ nhất từ năm 2009 tới nay, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cũng ở mức cao báo động.

Được làm việc ở Samsung Electronics vẫn là công việc đáng khao khát nhất với sinh viên vừa tốt nghiệp tính tới năm 2019, theo một khảo sát với 1.040 người do cổng giới thiệu việc làm Saramin công bố hồi tháng 2.

Tuy nhiên, so với trước đây, tư duy của người tham gia lực lượng lao động bây giờ đã thay đổi. Họ không chấp nhận văn hóa làm việc nhiều giờ hay các buổi chiêu đãi rượu trong công ty, Duncan Harrison, người đứng đầu chi nhánh Hàn Quốc của công ty tuyển dụng Robert Walters PLC có trụ sở tại London, cho hay.

"Tư duy của người lao động bây giờ rất khác so với thế hệ trước", Harrison nói.

thanh nien han quoc bo viec cong so theo duoi giac mo truc tuyen
You Hoe-joong, nhà sản xuất kiêm diễn giả một kênh đào tạo trên YouTube, hướng dẫn học viên cách camera hoạt động. Ảnh: Reuters.

Trong giới học sinh, mở kênh YouTube là công việc đáng mơ ước thứ 5, đứng sau ngôi sao thể thao, giáo viên, bác sĩ hoặc đầu bếp, theo khảo sát năm 2018 của chính phủ. Số khác chọn cách rời thành phố. Từ năm 2013 tới 2017, số hộ gia đình bỏ thành thị về nông thôn tăng 24%, tương đương 12.000 hộ.

Trong khi cơ hội làm việc ở quê hương đang cạn kiệt, gần 5.800 người đã ra nước ngoài tìm việc vào năm ngoái theo các chương trình chính phủ trợ cấp, nhiều gấp ba lần từ năm 2013. Một số khác rời đi mà không cần chính phủ hỗ trợ hoặc chưa tìm được việc làm mới.

Cho Seung-duk là một kỹ sư. Anh chuyển việc từ công ty tư vấn xây dựng Huyndai tới một công ty lớn khác năm 2015 trước khi di cư. Chang đã mua vé một chiều tới Australia hồi tháng 12/2018 cho mình cùng vợ và hai con.

"Tôi nghĩ là con trai sẽ không thể tìm được việc làm giống mình ở Hàn Quốc", Cho, 37 tuổi, nói.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

thanh nien han quoc bo viec cong so theo duoi giac mo truc tuyen Thanh niên Hàn Quốc ngại hẹn hò, sợ kết hôn, không sinh con

Thanh niên Hàn Quốc lựa chọn độc thân vì gánh nặng kinh tế và áp lực của cuộc sống lứa đôi.

thanh nien han quoc bo viec cong so theo duoi giac mo truc tuyen Tỷ lệ thất nghiệp cao, thanh niên Hàn Quốc mất niềm tin vào tổng thống

Tỷ lệ thất nghiệp quá cao và chất lượng việc làm thấp khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc dần mất niềm tin vào cam kết ...

/ VnExpress