Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự giúp ứng phó kịp thời thảm họa, sự cố xảy ra

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, tài chính là nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Tuy nhiên, công tác quản lý quỹ phải đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày cho biết, về Quỹ PTDS, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Phương án 1, giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo luật Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp.

10
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo.

Phương án 2, quy định: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ PTDS theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa".

Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động PTDS, quy định PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý công tác quản lý quỹ phải đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

11
ĐBQH Dương Khắc Mai.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc huy động quỹ từ nguồn ngân sách hạn chế, mặc khác, việc quy định quỹ trong luật là cơ sở pháp lý cho việc huy động, quản lý, sử dụng kịp thời nguồn kinh phí, nhằm khắc phục ngay khi thảm họa, sự cố xảy ra, tránh tình trạng chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) đồng ý phương án 2, đề nghị cân nhắc sự cần thiết thành lập Quỹ PTTD, bởi lẽ, thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều quỹ ngoài ngân sách, như Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; Quỹ bảo vệ môi trường...

"Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả; việc thành lập, sử dụng các loại quỹ hiện có; làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập Quỹ PTDS, đánh giá mối quan hệ giữa quỹ này với các quỹ đang tồn tại nêu trên để đảm bảo tính khả thi", nữ đại biểu nêu. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các loại quỹ Nhà nước ngoài ngân sách theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

12
ĐBQH Phạm Thị Xuân.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) bày tỏ đồng thuận phương án 2, cũng như giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhất trí với phương án 1, tuy nhiên, đề nghị cân nhắc xem xét thêm, bởi hiện nay hầu hết các lĩnh vực, các luật đều quy định việc thành lập quỹ nhưng mô hình, nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất. "Nên chăng, luật chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết?", đại biểu đề cập.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu dẫn chứng tình huống cấp bách khi đối phó với đại dịch COVID-19 và khẳng định, nếu không lực lượng, nguồn lực dự trữ, đặc biệt về vốn thì sẽ không thể ứng phó kịp thời, xử lý tốt các tình huống và giải quyết nhanh các sự cố xảy đến. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các ĐBQH ủng hộ nội dung Quỹ PTDS, đồng thời khi thành lập quỹ sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích...

Quỳnh Vinh / CAND