Gần 450 học sinh THPT không cần đạt điểm chuẩn đầu vào vẫn bước qua cánh cổng đại học, vào ung dung ngồi trên giảng đường như những sinh viên đã dày công học tập. Chương trình đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) là chương trình nhiều vấn đề khuất tất cần làm rõ.
Không có nhiệm vụ...
Ngày 27.10.2014, ông Vương Văn Việt - thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký QĐ số 3588/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (Khu Kinh tế Nghi Sơn) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.
Đây là là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc định hướng phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong 3 nhóm nhiệm vụ, không có bất kỳ nhiệm vụ nào cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì, đấu mối với các trường đại học, tuyển sinh học sinh THPT trên toàn quốc đi học trình độ đại học.
Ngày 27.4.2015, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định số 1582/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án.
Kế hoạch 1582 cũng tập trung các giải pháp đào tạo nghề và thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Trong 5 nhóm giải pháp, không có nhiệm vụ nào cho phép Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn được đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học đại học.
Tại kế hoạch này còn chỉ rõ kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục đào tạo hằng năm và lồng ghép các chương trình khác.
... vẫn tuyển sinh trên toàn quốc
Vậy nhưng, từ năm 2015 đến năm 2017, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) tuyển 439 học sinh đi học ở các trường đại học danh giá.
Cụ thể, năm 2015, có 34 học sinh nhập học Trường ĐH Thuỷ Lợi. Năm 2016, tuyển được 156 học sinh đi học ở các trường: ĐH Y dược Thái Bình: 4; ĐH Công đoàn: 77; ĐH Thuỷ Lợi: 7; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 68.
Năm 2017, tuyển được 249 học sinh trở thành sinh viên chính quy của các trường: ĐH Y dược Thái Bình: 19; ĐH Giao thông Vận tải: 21; ĐH Ngoại Thương: 23; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: 83; ĐH Kinh tế quốc dân 103.
Tất cả những học sinh đi học theo dạng này đều được vào học ở các khoa danh giá, chính quy, có điểm tuyển đầu vào đại học cao. Đến thời điểm này, chưa sinh viên nào tốt nghiệp.
Thông báo tuyển sinh do ông Lê Minh Hiền - GĐ Trung tâm GDTX Đại học Hồng Đức ký nhận hồ sơ xét tuyển vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chỉ... từ 18 điểm. Ảnh: X.H |
Các năm 2015, 2016, UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đại học Hồng Đức thực hiện mà không tham khảo ý kiến các ngành liên quan.
Năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hoá mới giao Sở KHĐT chủ trì, lấy ý kiến của các ngành liên quan về việc này.
Quan điểm không đồng thuận của Sở GDĐT. Ảnh: X.H |
Tại công văn số 602 ngày 31.3.2017 Sở GDĐT Thanh Hoá trả lời thẳng thắn khẳng định việc đào tạo nhân lực cho Khu Kinh tế Nghi Sơn dưới hình thức tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học ở các trường đại học là không có cơ sở.
"Thứ nhất, Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 27.4.2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá không giao nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học đối với đối tượng học sinh mới tốt nghiệp THPT, nên việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp căn cứ quyết định này để đề xuất là không có cơ sở.
Thứ hai, việc thẩm định điều kiện và xác định chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học cho các trường đại học được thực hiện theo Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16.12.2015 của Bộ GDĐT, trên cơ sở năng lực đào tạo của các trưởng đại học, nên việc UBND tỉnh Thanh Hoá chủ động đề xuất với Bộ GDĐT bổ sung chỉ tiêu đào tạo bậc đại học cho các trường đại học là không có cơ sở" - văn bản của Sở GDĐT Thanh Hoá.
Dù vậy, Sở KHĐT vẫn tổng hợp ý kiến đề xuất tiếp tục thực hiện như các năm trước. Căn cứ tổng hợp này, UBND tỉnh Thanh Hoá làm công văn xin ý kiến Bộ GDĐT, Bộ đồng ý và tiến hành tuyển sinh.
Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) - nơi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh. Ảnh: X.H |
Vẫn như các năm 2015, 2016, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn có công văn tới Trung tâm GDTX Đại học Hồng Đức. Trung tâm này phát thông báo tuyển sinh trong thời gian chỉ khoảng 1 tuần, thu hồ sơ của tất cả học sinh ở nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh khác, học sinh người Thanh Hoá rất ít.
Đáng lưu ý, trong thông báo tuyển sinh này, điểm chuẩn đầu vào được xác định thấp hơn điểm chuẩn đầu vào cùng chuyên ngành đào tạo của trường đại học từ 1-2 điểm. Chẳng hạn, điểm chuẩn đầu vào ngành y khoa ĐH Y dược Thái Bình tuyển sinh đầu vào năm 2017 là 27,5 điểm nhưng nhận hồ sơ với điểm tuyển thấp hơn 1-2 điểm.
Tại Học viện Bưu chính Viễn thông, điểm tuyển đầu vào ngành CNTT là 25 điểm (cao nhất) nhưng chương trình đào tạo nhân lực cho KKT Nghi Sơn nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm...
Đáng nói, trong tất cả các thông báo tuyển sinh, không chỉ rõ việc tuyển sinh này căn cứ trên cơ sở nào.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, ông không hay biết về việc tuyển sinh này, tất cả mọi việc do một phó chủ tịch thực hiện.
Theo ông Xứng, cái sai ở đây là thực hiện không theo quy định, đáng lẽ phải thành lập hội đồng, xin ý kiến và thực hiện mọi việc công khai minh bạch nhưng thực tế những người thực hiện lại chủ quan, không rõ ràng.
Xuân Hùng
Giám đốc trung tâm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bị bắt
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc một trung tâm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bị bắt quả tang đánh bạc tại ... |
Thanh Hoá: Bắt Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt quả tang Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) đang cùng cấp ... |