- Vương quốc Anh giảm bớt cam kết ứng phó biến đổi khí hậu: Quyết định gây tranh cãi
- Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng “nóc nhà thế giới”
Tháng 9 là tháng có nền nhiệt cao kỷ lục tại nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ...
Cơ quan thời tiết Pháp Meteo-France cho biết nhiệt độ trung bình tháng 9 ở nước này vào khoảng 21,5 độ C, cao hơn khoảng 3,5 độ C đến 3,6 độ C so với giai đoạn 1991-2020. Nhiệt độ trung bình ở Pháp đã liên tục tăng mạnh trong hai năm qua.
Tại nước láng giềng Đức, văn phòng thời tiết DWD cho biết, tháng 9 là tháng nóng nhất kể từ khi số liệu kỷ lục quốc gia bắt đầu được thống kê, cao hơn gần 4 độ C so với mức cơ bản giai đoạn 1961-1990.
Các nước châu Âu trải qua giai đoạn nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Viện Thời tiết Ba Lan công bố, tháng 9 có nhiệt độ cao hơn mức trung bình 3,6 độ C và là tháng nóng nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê dữ liệu nền nhiệt trong tháng cách đây hơn 100 năm.
Các cơ quan thời tiết quốc gia Áo và Thụy Sĩ cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình tháng 9 nóng nhất từ trước đến nay. Nghiên cứu mới đây cho thấy các sông băng ở Thụy Sĩ đã mất 10% thể tích trong 2 năm do tình trạng nóng lên quá mức.
Trước đó, Viện Thời tiết Quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cảnh báo nhiệt độ cao bất thường xảy ra vào cuối tuần này, lên tới 35 độ C ở các vùng phía nam Tây Ban Nha vào hôm 29/9.
Thời tiết nắng nóng bất thường ở châu Âu xuất hiện sau khi cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh Châu Âu (EU) hồi đầu tháng này đưa ra dự báo, nhiệt độ toàn cầu vào mùa hè ở Bắc bán cầu tăng mạnh, gây ra các đợt nắng nóng kỷ lục.
Các nhà khoa học cho biết, sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao, Trái đất nóng lên khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của EU cho rằng, 2023 có thể là năm nóng nhất mà nhân loại từng trải qua.
https://vtc.vn/thang-9-la-thang-nong-ky-luc-o-hang-loat-quoc-gia-chau-au-ar823649.html