Tham vọng quyền lực là phản bội nhân dân, phản bội chế độ

Hồ Chủ tịch gọi những người cán bộ nhà nước là “đầy tớ của nhân dân”, khái niệm này đơn giản và chính xác, bao hàm đầy đủ vị trí và trách nhiệm, phẩm chất và năng lực trong cách thức làm việc cũng như ứng xử, lột tả hết tinh thần “Vì nhân dân mà phục vụ”. Đồng thời, đó cũng là tiêu chí để đánh giá “cái tâm, cái tầm” và phẩm chất đạo đức của người cán bộ.

Ảnh minh họa

Ngày nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn được quán triệt bằng những chủ trương, chính sách và pháp luật. Xây dựng một chính phủ kiến tạo và phục vụ cũng không ngoài mục đích là “đầy tớ của nhân dân” được hình thành nên bởi phương châm “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Vì thế, những công bộc trong bộ máy đó không hành xử theo phương châm đó, có nghĩa là làm hỏng đi một chủ trương tốt đẹp biến văn hóa công bộc thành hình thức, chỉ để ngụy trang mà thôi.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi nhiều so với những ngày đầu tiên của chính quyền vô sản. Ngay từ ngày đó, Bác Hồ đã cảnh báo và phê phán tình trạng “quan cách mạng” và giờ đây các “quan” đó chiếm “một bộ phận không nhỏ” trong bộ máy công quyền và nhiều khi làm lũng đoạn bộ máy đó.

Lấy một ví dụ gần nhất là mới đây, trong Hội nghị về cải cách thủ tục hành chính (cũng vì dân mà phải cải cách), Thủ tướng Chính phủ đã hết sức bức xúc trước tình trạng nói mà không làm, ông yêu cầu loại khỏi bộ máy những cán bộ có chức vụ chỉ “cải cách miệng”. Không biết sự cảnh báo gay gắt này của Thủ tướng có làm các ông quan cách mạng giật mình mà thay đổi cách làm việc của mình không?

Một loạt các sự kiện, diễn biến xảy ra trong một tuần qua đủ thấy “văn hóa công bộc” được thể hiện như thế nào. Bảo vệ quyền lợi của các trạm thu phí bất hợp lý đang “móc túi” người dân, các ông quan đã không ngại ngùng chống trả quyết liệt phản ứng từ dư luận xã hội, trong đó có những phát ngôn liều lĩnh, bất chấp pháp luật, ví dụ “lấy đâu ra quy định khoảng cách 70km của các trạm thu phí” hoặc “trả bằng tiền lẻ là hành vi vi phạm pháp luật”.

Hay, trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, tình trạng thay đổi quy hoạch để vụ lợi đã thấy rõ, người ta thừa nhận song lại tìm cách bảo vệ nó. Những công bộc của dân thông đồng với giới kinh doanh địa ốc để tư lợi không phải là chuyện hiếm, điều này cắt nghĩa vì sao quan chức của ta lại giàu đến thế.

Văn hóa công bộc không chỉ thể hiện sự tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ chế độ mà còn là sự trung thành với đối tượng phục vụ ấy. Tham vọng quyền lực với mục đích vinh thân, phì gia là sự phản bội lại nhân dân, phản bội lại chế độ. Những người đó cần loại ra không thương tiếc, không sợ “không còn ai làm việc”, bởi, họ càng làm việc thì chỉ càng gây hại cho nhân dân, đất nước mà thôi!

/ Khánh An/baophapluat.vn