Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước vụ bê bối gian lận thi cử tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách
Ngày 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách.
Trách nhiệm không chỉ ở địa phương
Là người đầu tiên bấm nút phát biểu, đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ sự bất bình về việc xử lý trách nhiệm trong vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018.
"Vụ gian lận thi cử, cử tri trông đợi sự giải quyết tích cực, thỏa đáng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng thực tế các động thái vẫn hết sức mờ nhạt. Người có trách nhiệm cụ thể trong vụ gian lận thi này, không thể nói là chỉ ở địa phương" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói thẳng.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu nghịch lý mỗi năm, Bộ GD-ĐT tổ chức cải cách thi cử một lần mà "càng cải tiến thì càng kém đi". Đến khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT cũng không sớm phát hiện việc phổ điểm của thí sinh ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại còn cao hơn thành phố lớn, đô thị... Nếu phúc tra cả nước sẽ còn nhiều sai phạm hơn nữa được phát hiện.
Vị ĐB này quan ngại phương pháp của Bộ GD-ĐT không thể đúng được khi mà trong lớp luôn có đến gần 100% học sinh (HS) giỏi. "Nhiều ĐB đề nghị bộ có triết lý giáo dục cho nước nhà nhưng triết lý giáo dục nào thì trước hết phải là nền giáo dục không gian dối" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng con số 97% dân số biết chữ là thành quả rất đáng tự hào, trong đó có vai trò quan trọng của ngành GD-ĐT. Nhưng thực tế đang diễn ra buộc chúng ta không khỏi lo lắng, đôi khi còn nghi ngờ vai trò quốc sách hàng đầu của ngành giáo dục.
Làm rõ hơn, ĐB Thái Trường Giang nêu ra mấy điểm như chất lượng giáo dục không thực chất, bệnh thành tích trong giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng vì những giải pháp của ngành giáo dục hiệu quả thấp, không mạnh dạn đối diện với sự thật.
"Không bệnh thành tích là gì khi có 43 HS thì 42 HS giỏi, chỉ duy nhất 1 HS khá. Có rất nhiều nơi như vậy nếu tiến hành khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ tìm một HS yếu kém khó như mò kim đáy bể" - ông Thái Trường Giang khẳng khái.
ĐB Thái Trường Giang nhìn nhận tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là giọt nước làm tràn ly buộc ngành GD-ĐT phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học; phải xem lại phương pháp coi thi, chấm thi... nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
ĐB Thái Trường Giang cho rằng nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay thành gian lận có tổ chức, có quy mô, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương do một số người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành GD-ĐT thực hiện.
"Tôi có thể gọi gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà" - ĐB Thái Trường Giang gay gắt.
Từ đó, ĐB này kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng, thực chất những hạn chế để có giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm cứu vãn nền giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng triết lý giáo dục nào thì trước hết phải là nền giáo dục không gian dốiẢnh: Quang Vinh
Lợi ích nhóm trong cổ phần hóa DN nhà nước?
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tại phiên thảo luận ngày 30-5 chính là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa DN.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Lắk) cho rằng việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch... Ông Nguyễn Trường Giang nêu con số năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 DN nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17% với 12 DN hoàn thành... Nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.
Theo ĐB Nguyễn Trường Giang, qua theo dõi việc cổ phần hóa một số DN nhà nước cho thấy "việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, "lợi ích nhóm", có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật". Hàng loạt sai phạm cụ thể trong quá trình cổ phần hóa. Như vụ cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 (Thủ tướng phê duyệt trước đó). Trong chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành khoảng 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT hủy bỏ 2 văn bản và kiến nghị thu hồi 75% cổ phần đã bán cho Công ty Hợp Thành.
"Đây là sự vi phạm từ phía cơ quan quản lý là chính. Nếu loại trừ yếu tố cấu kết của DN với cơ quan quản lý, lợi ích nhóm sẽ thấy ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa" - ĐB Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhìn nhận với hành vi cố ý gây thất thoát và tham nhũng hàng chục tỉ đồng, nếu có chịu bản án cao nhất là tử hình thì vẫn chưa công bằng. "Thu hồi tài sản bị thất thoát có tính răn đe cao trong công tác phòng chống tham nhũng, chống được tư tưởng "hy sinh đời bố", ở tù chỉ vài chục năm nhưng gia đình, vợ con được sống sung túc cả đời" - ông Hận nói.
Sớm công bố kết quả thanh tra giá điện
Các ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)... đã lên tiếng về vấn đề tăng giá điện.
ĐB Nguyễn Thị Phúc băn khoăn tình trạng "té nước theo mưa" để tăng giá các mặt hàng khác. "Chính phủ cần theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các DN để kịp thời có biện pháp" - ĐB Phúc kiến nghị. Còn ĐB Nguyễn Quốc Hận thì đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán giá điện.
Giải đáp lo lắng của ĐB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ sau khi tính toán các yếu tố ở trong nước và tình hình giá cả thế giới trong dài hạn đã lựa chọn mục tiêu điều hành lạm phát năm nay từ 3,3%-3,9%. Chính phủ sẽ công khai, minh bạch các chi phí đầu vào của hàng hóa do nhà nước quản lý để tạo được niềm tin cho người dân, DN và xử lý nghiêm các sai phạm.
Về biểu giá điện và cách tính giá điện, Phó Thủ tướng cho biết về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4-2019, theo các đoàn kiểm tra liên ngành sơ bộ đánh giá, do việc điều chỉnh giá điện tăng, số ngày ghi công-tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là 3 ngày, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường làm tổng điện năng thương phẩm trong tháng 4 tăng 10,26% so cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3 năm 2019.
"Qua kiểm tra sơ bộ của đoàn liên ngành trên thì cách tính và thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa phát hiện sai phạm" - Phó Thủ tướng thông tin.
Chính phủ đã giao EVN sớm trình Chính phủ sửa biểu giá điện hợp lý hơn. Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của EVN và các cơ quan liên quan. "Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính và kiểm toán chuyên đề giá điện của EVN trong năm 2019" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bảo Trân
Gian lận thi ở Sơn La: Bị can khai nhận cả tỷ đồng để nâng điểm, phụ huynh chối bỏ
Trong khi các bị can khai nhận việc thỏa thuận và nhận hàng trăm triệu đồng để nâng điểm cho thí sinh, thì những người ... |
Vị vua đầu tiên đưa Toán học vào thi cử ở nước ta là ai?
Lý Nhân Tông, Hồ Quý Ly, Quang Trung - Nguyễn Huệ là 3 trong số những vị vua có nhiều cải cách đối với nền ... |