Những năm gần đây, Việt Nam phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai với cường độ lớn, phạm vi rộng hơn, hậu quả nặng nề hơn.
Ông Trần Quang Hoài (Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo TƯ về PCTổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai) |
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp... Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỉ đồng, tương đương trên 2,65 tỉ USD.
Lao Động xin giới thiệu bài viết của ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai.
Thẳng thắn nhìn vào những “điểm khuyết”
Từ các thảm họa do bão lũ, lũ ống, lũ quét, thiệt hại về người và tài sản hàng năm vẫn còn lớn, nhất là thiệt hại về tài sản ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến đời sống, môi trường sản xuất kinh doanh, mục tiêu xoá đói giảm nghèo và chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế. Dù đã có rất nhiều nỗ lực từ các cấp, các ngành, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm vẫn còn lớn cả về người và tài sản, cụ thể: Năm 2017 đã có 386 người chết và mất tích, tăng 122 người so với 2016 (264 người) và 86 người so với trung bình 10 năm gần đây. Đặc biệt, thiệt hại trên biển do bão số 12 là rất lớn.
Về tài sản: Tổng thiệt hại năm 2017 là 60.000 tỉ đồng, tăng 30% so với 2016, và gấp 2,5 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Công tác đảm bảo an toàn cho tàu hàng, tàu vận tải biển bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, gây thiệt hai lớn về người và tài sản (1 tàu chìm, 9 thủy thủ bị chết, mất tích trong bão số 10; 10 tàu chìm và 13 thủy thủ bị chết và mất tích trong bão số 12).
Công tác phòng chống thiên tai ở một số địa phương còn bị động, chưa kịp thời và thiếu quyết liệt, nhận thức về rủi ro thiên tai ở một số bộ phận cán bộ, người dân hạn chế; còn tư tưởng chủ quan trong phòng chống thiên tai dẫn đến hậu quả và thiệt hại còn lớn.
Nguyên nhân bởi một phần do tình hình thiên tai ngày càng lớn cả về cường độ, số lần xuất hiện và trái quy luật; khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu. Mặt khác, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập như Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các nghị định hướng dẫn thi hành sau thời gian thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại cần sửa đổi, bổ sung.
Cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa ban hành kịp thời, nhất là cơ chế chính sách về tài chính; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai (PCTT) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia của cộng đồng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch PCTT còn nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa xây dựng được cơ chế quản lý theo hướng tổng hợp như: Quản lý lũ tổng hợp, quản lý tổng hợp lưu vực sông...; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến PCTT chưa được điều chỉnh kịp thời trong điều kiện mới, đặc biệt là do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); chưa có tiêu chuẩn đảm bảo các hoạt động của xã hội an toàn trước thiên tai...
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế và bất cập: Chưa có cơ quan chuyên trách với các phòng tham mưu chuyên sâu tại các tỉnh, bộ phận, cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã dẫn đến không đủ khả năng triển khai toàn diện Luật Phòng, chống thiên tai. Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ ngành và địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho công tác dẫn đến một số tình huống xử lý chưa kịp thời, chưa triển khai được đầy đủ các nhiệm vụ; cán bộ cấp huyện, xã còn hạn chế về năng lực.
Năng lực của cơ quan làm công tác PCTT các cấp còn rất hạn chế từ con người cho tới trang thiết bị, công cụ hỗ trợ... nên chưa đủ năng lực cũng như chuyên tâm theo dõi, giám sát, cảnh báo và tham mưu kịp thời.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự thiếu hiểu biết của lực lượng chuyên môn về nhận dạng thiên tai và giải pháp xử lý là trở ngại lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống. Trong đó, thiếu hiểu biết, kỹ năng PCTT của nhiều bộ phận dân cư, doanh nghiệp nên tự gây rủi ro thiên tai cho bản thân, gia đình và cơ sở sản xuất: Làm nhà tại khu vực trong lòng, sát bờ sông suối, chân, sườn núi; khi xuất hiện thiên tai nhưng không phòng, tránh kịp thời; sản xuất không đúng thời vụ...
Đa phần người dân chưa ý thức việc cần phải đầu tư, đóng góp cho công tác PCTT để bảo vệ chính cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thiếu nguồn lực và hạn chế của cơ sở hạ tầng, việc phát triển các thiết chế hạ tầng mới như đường giao thông, các hạ tầng lớn khác chưa tính đến yếu tố rủi ro thiên tai dẫn đến mất an toàn cho bản thân công trình, dự án và gây gia tăng rủi ro cho khu vực lân cận. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai còn hạn chế.
Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán. Thiếu nguồn lực để thực hiện công tác di dân vùng thiên tai; thực hiện chương trình di dân theo Quyết định 1776/QĐ-TTg.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế. Ở nước ta hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp đến thực địa để chỉ đạo điều hành do thiếu thông tin trực tuyến và đường truyền, thông tin liên lạc thường bị gián đoạn khi có thiên tai nên khi chỉ đạo ứng phó thiên tai xảy ra trên diện rộng, nhất là điều hành liên hồ chứa có độ chính xác không cao và thường để lại hậu quả rất lớn.
Những giải pháp trong tương lai
Theo dự báo của các cơ quan quốc tế và trong nước, tác động của BĐKH, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái so với quy luật trước đây.
Tiếp cận quản lý theo hướng giảm thiểu rủi ro thiên tai: Năm 2017, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai là “Home safe home: Reducing exposal, reducing displacement” đã làm tiền đề cho một số giải pháp trong tương lai trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Theo đó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến từng hộ gia đình: Giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm thiểu nguy cơ di cư và mất nơi ở chính là một trong những mục tiêu hàng đầu, phù hợp với mục tiêu số 7 của Khung hành động Sendai được đại hội đồng Liên Hợp Quốc ban hành năm 2015.
Vấn đề đặt ra là xây dựng kế hoạch PCTT tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều: Mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải đảm bảo giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phải hiểu rõ cơ chế hình thành, xu thế, xây dựng kịch bản với rủi ro thiên tai. Luật Phòng, chống thiên tai quy định trách nhiệm xây dựng và nội dung chính của Kế hoạch PCTT tại các cấp. Theo đó, Kế hoạch PCTT phải được xây dựng tại các cấp địa phương, cấp bộ và cấp quốc gia theo chu kỳ kế hoạch 5 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được điều chỉnh hằng năm.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nhiều hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng phải đảm bảo hoạt động phát triển kinh tế xã hội không được gây ra những rủi ro mới. Cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai đối với các hoạt động phát triển, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng hoặc hoạt động có tiềm tàng nguy cơ phát sinh rủi ro, đồng thời nâng cao nhận thức chung thông qua những bài học kinh nghiệm đã tổng hợp qua nhiều giai đoạn của Việt Nam và thế giới. Thúc đẩy khoa học công nghệ, các hoạt động khoa học công nghệ của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần làm rõ, nhấn mạnh nguy cơ rủi ro thiên tai để tăng hiểu biết về rủi ro thiên tai, áp dụng các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái, quản lý tổng hợp rủi ro thiên tai ở cả cấp Quốc gia và địa phương.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần đặt ra là, kinh phí Ngân sách Nhà nước cho khắc phụ hậu quả thiên tai và tái thiết sau thiên tai mặc dù Chính phủ đã rất quan tâm song còn ở mức thấp so với yêu cầu, nguồn kinh phí chủ yếu đang dựa vào Ngân sách Nhà nước, chưa thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế còn nhiều bất cập, đang là những khó khắn lớn của quá trình khắc phục, tái thiết sau thiên tai.
Một báo cáo gần đây cho thấy, Việt Nam có thể bị thiệt hại trên 4% GDP trong trường hợp xảy ra một thảm họa thiên tai lớn. Trong 50 năm tới, Việt Nam có 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên tai gây ra thiệt hại kinh tế trên mức 141 nghìn tỉ đồng, tương đương 6,7 tỉ USD. Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thuỷ văn.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác PCTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu. Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về PCTT cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương. Kh.V
Ngày 3.7.2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Phòng, Chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tham mưu cho Bộ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT nhằm tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình phòng chống thiên tai. Ngoài ra, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch; nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống công trình PCTT; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai các cấp. Đồng thời phải nâng cao hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ... các doanh nghiệp, cộng đồng. L.V
“Phải xác định rừng là số một, khôi phục ngay rừng đầu nguồn bằng việc sắp xếp lại đời sống dân cư. Chuyện bảo vệ rừng liên quan rất nhiều đến sinh kế người dân. Chắc chắn phải sơ tán, di dời người dân ra khỏi hầu hết các khu vực rừng mà hiện nay dân đang khai thác. Đây là việc rất lớn, nhưng tôi nghĩ phải làm điểm, gắn việc giao dân giữ rừng với lo sinh kế cho người dân. Hiện nay ta chặt phá rừng làm nương rẫy quá nhiều rồi. Như ở Sơn La, rừng có chỗ bị cạo trọc để làm nương ngô lên đến tận đỉnh núi. Không thể hy sinh rừng như thế mãi” - Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT.
Khi mẹ thiên nhiên giương cao \'chiếc roi tử thần\' Năm 2017, thiên tai xác lập những kỷ lục buồn trên cả nước khi làm 325 người chết, 61 người mất tích, thiệt hại về ... |
8 con số khốc liệt về thiên tai năm 2017 Năm 2017, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường gây ra thiệt hại đau lòng trải rộng trên cả 3 miền Bắc, Trung, ... |