Ngày 14-5, khoảng 52 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện đi bầu cử sẽ lựa chọn các ứng cử viên từ 70 đảng phái cho 500 ghế tại Hạ viện để phục vụ nhiệm kỳ 4 năm tới. Cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 8h và kéo dài đến 17h tại 95.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước.
Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha tại một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan sáng 14-5 |
Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha tại một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan sáng 14-5Để đảm bảo trật tự tại gần 95.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc trong cuộc tổng tuyển cử, Cảnh sát trưởng quốc gia, Đại tướng Damrongsak Kittiprapas cho biết Thái Lan đã triển khai hơn 147.500 cảnh sát. Tại điểm bỏ phiếu, mỗi cử tri đủ điều kiện sẽ được cấp hai lá phiếu - một lá phiếu màu hồng để chọn một thành viên Hạ viện và một lá phiếu màu xanh lá cây để chọn đảng mà họ yêu thích. Mặc dù có tới gần 70 đảng tham gia tranh cử song cuộc bầu cử dự kiến sẽ là cuộc đua chủ yếu giữa ba đảng: Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, Pheu Thai với ứng viên Paetongtarn Shinawatra và đảng Tiến bước của ông Pita Limjaroenrat.
Với ông Prayut, thế mạnh là kinh nghiệm hơn 8 năm lãnh đạo Thái Lan cùng sự hậu thuẫn của lực lượng quân sự rất có ảnh hưởng. Khả năng chèo lái đất nước trong đại dịch Covid-19, thu hút thêm nhiều đầu tư cũng là điểm cộng với ông. Là con út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà Paetongtarn Shinawatra tìm kiếm sự ủng hộ ở các vùng nông thôn rộng lớn, nơi người dân được hưởng lợi nhờ chính sách lúa gạo từ thời ông Thaksin và bà Paetongtarn kế thừa. Trong khi đó, với chương trình nghị sự được coi là tham vọng nhất, đảng Tiến bước của ông Pita tìm cách thu hút lớp trẻ đang mong muốn thay đổi bằng lời hứa cải cách hiến pháp, chấm dứt nghĩa vụ quân sự, sửa đổi luật khi quân. Đảng nào giành ít nhất 251/500 ghế tại hạ viện và ứng cử viên của đảng đó phải nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ ở cả hạ viện và thượng viện thì mới có cơ hội trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, 250 ghế của thượng viện là do chính quyền quân sự chỉ định nên kết quả cuối cùng rất khó đoán định.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan vẫn mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” với tăng trưởng kinh tế không đạt 5% kể từ năm 2012, cùng các vấn đề khác như dân số già, tiết kiệm và đầu tư thấp, nợ hộ gia đình cao và tụt hậu so với các nước láng giềng đông dân hơn và đang phát triển nhanh.