Thái Lan công khai phản đối kế hoạch của Lào về việc xây đập trên sông Mekong, động thái hiếm hoi cho thấy làn sóng bất đồng gia tăng ở khu vực.
Thái Lan phản đối việc xây dựng đập Sanakham trị giá 2 tỷ USD từ cuối năm 2020. Bất chấp nghi thức ngoại giao, các quan chức chính phủ ở Bangkok công khai chỉ trích dự án trên truyền thông, theo Nikkei Asia.
Con đập, do công ty Datang của Trung Quốc xây dựng, dự kiến tạo ra 684 megawatt điện khi đi vào hoạt động từ năm 2028. Dự án được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược trở thành "nguồn điện Đông Nam Á" của chính phủ Lào.
Bangkok tiếp tục bày tỏ quan ngại trong tháng này, cho biết họ đã bác báo cáo kỹ thuật mới tại cuộc họp do Ủy hội Sông Mekong, cơ quan liên chính phủ có trụ sở tại Vientiane, thủ đô Lào, chủ trì. Ủy hội được thành lập để quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong, với các thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
"Chúng tôi đang nêu lên những lo ngại của mình thông qua [ủy hội], nơi đã gửi cho chúng tôi dữ liệu không đầy đủ và không cập nhật", Somkiat Prajamwong, Tổng thư ký Văn phòng Thủy lợi Quốc gia Thái Lan, nói với Nikkei Asia, đề cập đến báo cáo của chính phủ Lào và Datang.
Sông Mekong đoạn gần biên giới Thái - Lào. (Ảnh: Reuters) |
Thái Lan chỉ ra nhiều quan ngại xuất phát từ tác động môi trường tiềm tàng của dự án ở ngay phía bên kia biên giới. Con đập dự kiến được xây dựng cách huyện Chiang Kan của Loei, tỉnh miền núi Đông Bắc Thái Lan, khoảng 2 km.
"Đây sẽ là con đập đầu tiên được xây dựng gần Thái Lan như vậy", ông Somkiat cho biết. "Chúng tôi lo lắng về tác động, vì không thể đoán trước được".
Lo ngại của Thái Lan rằng con đập sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong vẫn chưa được loại trừ, vì nó có nguy cơ ảnh hưởng đến một đoạn biên giới phía Đông của nước này.
Thái Lan đe dọa sẽ không ký vào thỏa thuận mua bán điện (PPA) với Lào. Thỏa thuận này thường là thông lệ trước khi một con đập được xây dựng và cho phép nhà phát triển giành được các khoản vay và thu về lợi nhuận.
Thái Lan trước nay vẫn đứng đầu trong các nước mua điện xuất khẩu của Lào. PPA là thỏa thuận được ký kết bởi Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), đơn vị thuộc sở hữu nhà nước.
Việc Bangkok phản đối dự án đã khiến các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Thái Lan phải chú ý.
"Có rất nhiều cái đầu tiên: lần đầu tiên Thái Lan công khai phản đối một con đập của Lào và lần đầu tiên có thông báo về việc không ký PPA", Premrudee Daoroung, điều phối viên của Cơ quan Giám sát Đầu tư Đập ở Lào, cho biết.
"Quan điểm của ông Somkiat về PPA đang đi ngược lại chính sách hiện tại của EGAT và Bộ Năng lượng, là Thái Lan sẽ mua điện từ Lào. Việc này chưa bao giờ xảy ra cho đến nay".
Lào và Trung Quốc đã hợp tác nhiều năm để xây dựng đập trên sông Mekong và các phụ lưu của sông. Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này xây dựng 79 đập trên dòng chính và các nhánh sông, trong tổng số 100 đập dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Các nhà lãnh đạo của Lào đặt hy vọng vào việc xuất khẩu điện không giới hạn, hầu hết sang Thái Lan, trên con đường trở thành "nguồn điện của Đông Nam Á". Mục tiêu là xuất khẩu 20 gigawatt điện vào năm 2030.
Mực nước sông Mekong giảm do Trung Quốc bảo trì lưới điện
Trung Quốc tháng này giảm tốc độ xả nước tại đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam trong 20 ngày, khiến mực nước ở ... |
Dữ liệu chứng minh Trung Quốc thay đổi dòng chảy Mekong
Các nhà nghiên cứu Mỹ dùng dữ liệu vệ tinh thu được trong 28 năm để cho thấy Trung Quốc thay đổi dòng chảy tự ... |
Những đập thủy điện lớn của Trung Quốc trên sông Mekong
Đập Nuozhadu, Xiaowan và Jinghong đều là những dự án thủy điện lớn của Trung Quốc trên thượng lưu sông Mekong. |