Sự phát triển của mỗi ngành công nghiệp đều có những mốc son đáng nhớ. Với ngành Dầu khí Việt Nam, đó là ngày 23-7-1959 khi ước mong của Bác Hồ về một ngành Dầu khí Việt Nam vững mạnh được nảy sinh từ một nơi rất xa - Baku, Cộng hòa Azerbaijan. Và, ngày 18-3-1975, tại khoan trường 61 thuộc xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, những “người đi tìm lửa” đã thấy dòng khí phun lên. Đó là một ngày trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam.
Dòng khí đầu tiên phun lên từ khoan trường 61 (còn gọi là “Giếng tổ”) là kết quả của rất nhiều năm tháng kiếm tìm dầu khí, là kết quả của cuộc trường chinh “đi tìm lửa” trong lòng đất. Kết quả này chứng minh tầm nhìn xa trông rộng và ước nguyện của Bác Hồ về ngành Dầu khí Việt Nam từ 16 năm trước khi Người tới thăm khu công nghiệp dầu khí Baku.
Bác Hồ - Người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam
Mùa Đông năm 1975 rất lạnh. Cả miền Bắc chìm trong những cơn gió mùa Đông Bắc và mưa phùn. Trên nền trời xám xịt ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hiện lên sừng sững một giàn khoan có tháp khoan cao 50m. Trong vùng không có một công trình nào cao hơn, đứng phía bên kia con sông Trà Lý vẫn còn nhìn thấy tháp khoan này. Trong trí nhớ của những người dân vùng Tiền Hải, lá cờ đỏ sao vàng no gió kiêu hãnh bay phần phật trên đỉnh tháp khoan là một phần ký ức không quên. Những con người trên khoan trường ấy làm việc miệt mài trong mưa gió rét buốt, trong tin thắng trận của Chiến dịch Hồ Chí Minh bay về dồn dập từ miền Nam.
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khíBác Hồ ở Khu công nghiệp dầu khí Baku (ảnh tư liệu)
Đó là khung cảnh tại xã Đông Cơ những ngày tháng 3-1975 theo trí nhớ của những người tại khoan trường 61. Ngày 18-3-1975, tại khoan trường này, chúng ta tìm thấy dòng khí phun lên. Đó là một ngày trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam. Ở thời điểm hiện nay, chuyện phát hiện dầu khí là rất bình thường. Nhưng thời điểm năm 1975, đó là một sự kiện trọng đại của đất nước, là kết quả của rất nhiều năm tháng kiếm tìm dầu khí, là kết quả của cuộc trường chinh đi tìm lửa trong lòng đất. Kết quả này chứng minh tầm nhìn xa trông rộng và ước mong của Bác Hồ về ngành Dầu khí nước nhà từ 16 năm trước. Giấc mơ dầu khí của Việt Nam bắt đầu từ Bác Hồ, từ Baku, Cộng hòa Azerbaijan, vào năm 1959.
Ngược thời gian, năm 1959, trong chuyến thăm Cộng hòa Azerbaijan, khi đến thăm Khu công nghiệp Dầu khí Baku vào ngày 23-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các lãnh đạo và kỹ sư dầu khí của nước bạn rằng, Việt Nam có biển, chắc chắn sẽ có dầu. Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku. Đó là câu nói thể hiện mong muốn và quyết tâm xây dựng một ngành Dầu khí vững mạnh của Bác Hồ. Có thể nói, Bác Hồ là người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, từ những năm 1956 đến năm 1959, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục gửi một số học sinh đi học về địa chất, dầu khí tại Liên Xô và Rumani. Những người học dầu khí được đào tạo tại Trường Đại học Dầu khí Mátxcơva (Liên Xô) và Trường Đại học Dầu khí và Địa chất Bucharest (Rumani). Những người được học về địa chất và địa vật lý chung được đào tạo tại Trường Đại học Địa chất thăm dò Mátxcơva. Bên cạnh đó có những người học ngành địa chất trong nước. Sau khi tốt nghiệp, họ đã tham gia ngay vào công tác địa chất, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.
Những bước “tìm lửa” đầu tiên
Trước khi các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời phát triển, dầu mỏ là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của đời sống hiện đại. Từ dầu mỏ tạo ra điện, tạo ra năng lượng cho các phương tiện giao thông vận tải, tạo ra chất dẻo và nhiều sản phẩm khác.
Vì thế, Bác Hồ và Chính phủ quyết tâm tìm được dầu, quyết tâm xây dựng cho đất nước một ngành Dầu khí vững mạnh. Những tổ chức dầu khí đầu tiên của đất nước được thành lập nhằm hiện thực hóa ước mong đó của Bác Hồ và Chính phủ.
Từ những cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí được đào tạo trong nước và các nước Đông Âu, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất đã thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (được gọi tắt là Đoàn 36 hoặc Đoàn Địa chất 36). Sau đó, ngày 27-11 được lấy là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam. Đây là tổ chức đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam, có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Khi thành lập, Đoàn 36 đặt trụ sở tại Hà Nội, rồi liên tục di chuyển vì chiến tranh. Đến năm 1966, Đoàn 36 sơ tán về thôn Bình Kiều, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời điểm đó, Đoàn 36 có 211 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 123 công nhân, 22 kỹ thuật viên, kỹ sư, 36 người làm nhiệm vụ hành chính và 15 kỹ sư Liên Xô.
Trạm xử lý khí đầu tiên và “Giếng tổ” tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Trong trí nhớ của ông Phan Minh Bích, nguyên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật thuộc Tổng cục Dầu khí, những năm đầu mới thành lập, dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng việc tìm kiếm dầu khí của Đoàn 36 hết sức khó khăn. Năm 1963, ông Bích giữ chức vụ Đoàn phó Đoàn 36. Ông nhớ thời điểm đó, việc tính toán số liệu của cả Đoàn 36 chỉ dựa vào chiếc máy tính Nisa của Liên Xô. Thô sơ như vậy, nên anh em phải làm ngày làm đêm. Vượt qua tất cả, những bước đầu tiên của cuộc trường chinh tìm lửa trong lòng đất được tiến hành.
Trong hồi ký của TS Trương Minh, nguyên Viện phó Viện Dầu khí, có đoạn viết: “Ngày 25-6-1962, Hưng Yên lồng lộng trời xanh, mùa lúa nước dậy thì mơn man hương đồng gió nội. Hai ngọn cờ đỏ đuôi nheo phần phật gió chắn hai đầu đường đồng đầy cỏ may. Hai tốp bảo vệ đeo băng đỏ vừa nghiêm trang vừa tươi cười hướng dẫn bà con đi vòng lối khác. Một việc làm, hai tác dụng: Bảo vệ an toàn tính mạng và tránh gây nhiễu, ảnh hưởng độ chính xác của thí nghiệm.
Đúng giờ khai hỏa, 2,5kg thuốc nổ phát hỏa trên mặt đất. Một cột khói bốc cao. Đồng ruộng, nhà cửa rung lên như động đất, nước sóng sánh tràn bờ, tràn lên mặt đường. Trạm máy địa chấn SS-24P của Liên Xô và các máy thu sóng SP-1 đã ghi được các tín hiệu sóng phản xạ đầu tiên, 24 đường ghi trên giấy ảnh hiện lên các sóng địa chấn rõ nét tuyệt vời...”.
Đây là phát nổ địa chấn đầu tiên tại Đồng bằng sông Hồng nhằm phục vụ việc thăm dò dầu khí. Thời điểm đó và cả những năm sau này, tiếng nổ địa chấn là tiếng nổ báo hiệu những niềm vui, những hy vọng về một ngành công nghiệp dầu khí lớn mạnh. Khác hẳn với tiếng nổ từ bom Mỹ vẫn dội xuống miền Bắc trong thời kỳ này.
Trong hồi ức của những “người đi tìm lửa” từ những ngày đầu tiên, anh em Đoàn 36 mặc lửa bom của máy bay Mỹ dội xuống đầu, vẫn chân trần vác ống chống, thi công các khoan trường ở khắp miền Bắc để thăm dò địa chất, đặt nền móng cho công cuộc tìm kiếm dầu khí. Những dấu chân trần của anh em Đoàn 36 in khắp ruộng đồng, bãi bồi... ở Đồng bằng sông Hồng. Đó là những bước chân đầu tiên của cuộc trường chinh đi tìm lửa, đi tìm nguồn “vàng đen” trong lòng đất để hiện thực hóa ước mong của Bác Hồ, ước mong về một ngành Dầu khí vững mạnh của đất nước.
Từ những cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí được đào tạo trong nước và các nước Đông Âu, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất đã thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (được gọi tắt là Đoàn 36 hoặc Đoàn Địa chất 36). Sau đó, ngày 27-11 được lấy là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Trước yêu cầu mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động, Liên đoàn Địa chất số 36 được thành lập trên cơ sở Đoàn 36. 9 năm sau, Công ty Dầu khí I ra đời, tiếp tục sự nghiệp “tìm lửa” của 2 tổ chức tiền thân là Đoàn 36 và Liên đoàn Địa chất số 36.
Những ngày đầu tiên gian khó
Trong quá trình từ năm 1961 đến năm 1969, Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (Đoàn 36) đã tiến hành thăm dò và khoan ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ. Cú mìn nổ thăm dò địa chất đầu tiên được tiến hành ở Hưng Yên ngày 25-6-1962. Sau đó, Đoàn 36 đã thành lập nhiều đội khoan rồi lớn dần thành các đoàn khoan. Đến năm 1969, Liên đoàn Địa chất số 36 (Liên đoàn 36) được thành lập với Quyết định số 203/CP của Hội đồng Chính phủ.
Ông Phạm Xuân Bái, người “viết sử” của Công ty Dầu khí I
Lãnh đạo Liên đoàn 36 thời điểm đó gồm ông Vũ Bột, Liên đoàn trưởng; ông Bùi Đức Thiệu và Phan Minh Bích là hai Liên đoàn phó. Khi thành lập, Liên đoàn 36 có 2.300 cán bộ, công nhân, kỹ sư, trong đó có khoảng 500 kỹ sư, công nhân lành nghề. Cơ cấu tổ chức của Liên đoàn 36 gồm nhiều đoàn chuyên môn như: Đoàn Địa chấn 36F, Đoàn Trọng lực 36T, Đoàn Điện 36Đ, Đoàn Địa chất 36C An Châu và các đoàn khoan: Khoan cấu tạo 36K và Khoan sâu 36S...
Liên đoàn 36 có nhiệm vụ thực hiện các phương pháp thăm dò địa vật lý, khoan cấu tạo, khoan thông số - tìm kiếm, thăm dò kèm theo các công tác khác như xây lắp, thử vỉa, thí nghiệm mẫu khoan, cơ khí vận tải... Từ những công tác chuyên môn ấy, những giếng khoan huyền thoại như giếng 100, giếng 61, giếng 63 được ra đời...
Đến ngày 28-8-1978, Tổng cục Dầu khí đã ra quyết định số 1014 đổi tên Liên đoàn Địa chất số 36 thành Công ty Dầu khí I. Lúc đó, công ty có 2.141 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp, đại học, trên đại học là 369 người và trên 1.000 công nhân khoan, cơ khí, xây lắp lành nghề.
Nói về sự kiện này, ông Phạm Xuân Bái, nguyên Phó giám đốc phụ trách hành chính của Công ty Dầu khí I, nhận định: “Công ty Dầu khí I ra đời là sự kế tục sự nghiệp của các đơn vị tiền thân là Đoàn Địa chất 36 và Liên đoàn Địa chất 36”.
Cuốn sổ ghi chép lịch sử Công ty Dầu khí I của ông Phạm Xuân Bái
Ông Phạm Xuân Bái được ví như “người viết sử” của Công ty Dầu khí I, tất cả mọi sự kiện lớn, nhỏ của công ty và trước đó là Liên đoàn 36 đều được ông ghi chép tỉ mỉ trong một cuốn sổ bìa da, giấy ố vàng. Ông Bái kể, cuốn sổ này ông ghi chép các sự kiện tại Liên đoàn 36 và Công ty Dầu khí I từ năm 1973 đến năm 1986. Ông có chuyên môn là địa chất nhưng thường xuyên thu thập tài liệu và sau này làm việc như Chánh Văn phòng phụ trách lưu trữ cho công ty.
80 tuổi, nhưng trí nhớ của ông Bái vẫn rất tốt. Nói về quá trình hoạt động của Công ty Dầu khí I, ông phân tích: Hoạt động của công ty có thể chia làm 2 thời kỳ, thời kỳ từ năm 1978 đến năm 1986 và thời kỳ từ năm 1987 đến năm 1994. Trong 16 năm hoạt động và phát triển, công ty đã có những cống hiến đáng kể cho công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc. Công ty đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động vào năm 1978 và năm 1982. Đồng thời, công ty cũng là “cái nôi” của nhiều cán bộ sau này trở thành những lãnh đạo chủ chốt của ngành Dầu khí như các ông Trương Thiên, Trần Ngọc Cảnh, Nguyễn Ngọc Cư, Đỗ Văn Đạo, Phùng Đình Thực, Nguyễn Văn Minh...
Nhiều thành quả đáng ghi nhận
Chuyện trò với chúng tôi, nhấp ngụm trà đậm, ông Phạm Xuân Bái - “người viết sử” của Công ty Dầu khí I kể: Ngày 16-3-1975, chúng ta phát hiện dòng khí ở giếng khoan số 61 và sau đó khai thác khí ở giếng này. Những năm tiếp theo, từ năm 1978 đến năm 1980, đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật Công ty Dầu khí I đã nghiên cứu và tận dụng thiết bị, vật tư trong quá trình tìm kiếm, thăm dò để thiết kế và xây dựng thành công trạm xử lý khí, thu gom khí. Đây là công trình mới mẻ lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Công trình này đã được triển lãm kinh tế - kỹ thuật năm 1982 trao Huy chương Vàng.
Từ năm 1981 đến năm 1986, Công ty Dầu khí I đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế nói chung và nền công nghiệp của tỉnh Thái Bình nói riêng. Cùng với việc khai thác khí, Công ty Dầu khí I đã đẩy mạnh việc khoan thăm dò bổ sung để đánh giá trữ lượng mỏ khí Tiền Hải C. Trong thời gian này, toàn công ty đã thi công gần 39.000m khoan. Kết quả của các giếng khoan đó đã giúp các nhà địa chất - địa vật lý hoàn thành báo cáo trữ lượng mỏ khí Tiền Hải C.
Trong giai đoạn này, ngoài việc thăm dò ở khu vực Tiền Hải, Thái Bình thì công ty còn tìm kiếm ở các vùng phụ cận như: Tỉnh Hưng Yên, Quỳnh Phụ - Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) hay Giao Thủy (tỉnh Nam Định) để khảo sát khả năng dầu khí ở các tỉnh này.
“Đến cuối năm 1985, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở vùng trũng sông Hồng bước vào giai đoạn kết thúc và Công ty Dầu khí I chỉ còn nhiệm vụ khai thác khí mỏ là chủ yếu, sau đó là nhiệm vụ thu gom, bảo dưỡng thiết bị máy móc đã qua sử dụng”, ông Phạm Xuân Bái nói.
Tổng kết lại, trong suốt quá trình 8 năm hoạt động đầu tiên của công ty, các kỹ sư, công nhân của Công ty Dầu khí I đã thi công trên 70 giếng khoan với tổng số chiều sâu 77.000m.
Bước sang năm 1986, chế độ bao cấp được xóa bỏ, Công ty Dầu khí I bước sang một giai đoạn mới với nhiệm vụ tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như bảo đảm đời sống cho người lao động. Đến năm 1987, ngoài việc khai thác mỏ khí Tiền Hải, công ty đã triển khai nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác như tận dụng nguồn khí dư để mở cơ sở sản xuất sứ, thủy tinh, nung vôi, đốt gạch, tận dụng nguồn condensate để sản xuất chất dung môi và các loại hóa phẩm... Ngoài ra, công ty còn mở cơ sở sản xuất gia công cơ khí, mô tơ điện, săm lốp xe đạp; sử dụng nguồn nước khoáng để sản xuất nước giải khát.
“Tháng 5-1994, Công ty Dầu khí I được sáp nhập vào Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và cũng từ ngày đó, Công ty Dầu khí I đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình sau 16 năm tồn tại. Đó là một quá trình đầy tự hào, nhưng cũng nhiều chông gai và thử thách”, ông Phạm Xuân Bái đúc kết lại quá trình hoạt động của Công ty Dầu khí I.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày 28-8-1978, Tổng cục Dầu khí quyết định đổi tên Liên đoàn Địa chất số 36 thành Công ty Dầu khí I. Lúc đó, công ty có 2.141 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 369 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp, đại học, trên đại học và trên 1.000 công nhân khoan, cơ khí, xây lắp lành nghề. Trong 8 năm hoạt động đầu tiên, công ty đã thi công trên 70 giếng khoang với tổng số chiều sâu 77.000m.
Thanh Hiếu - Quang Hưng
Ngành Dầu khí Việt Nam vào thời điểm lịch sử 30/4/1975
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên ... |
Doanh thu từ dầu khí của Vietsovpetro 4 tháng đầu năm đạt 616,8 triệu USD
Bốn tháng đầu năm, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã khai thác được 1.214,5 nghìn tấn dầu/condensate tại Lô 09-1, vượt 8,1% kế hoạch; ... |
PVEP hoàn thành 118% kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí tháng 4/2019
Bước vào năm 2019, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tiếp tục phải đối ... |
Việt Nam - UAE tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Vừa qua, tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 4 ... |