Thách thức trên đường rút lui của binh sĩ Mỹ ở Syria

Rút lui trong vội vã, các binh sĩ Mỹ dễ đối mặt với những rủi ro như xảy ra đụng độ bất ngờ hay bị IS tấn công. 

Quyết định của Tổng thống Donald Trump, được đưa ra trong vòng một tuần, rút 1.000 binh sĩ Mỹ khỏi phía bắc Syria đang khiến Lầu Năm Góc và các lực lượng trên chiến trường trở tay không kịp, chuyên gia nhận định. Để thực hiện "những cuộc chiến tranh bất tận" ở nước ngoài từ năm 2001 đến nay như lời Trump đúc kết, quân đội Mỹ đã hoàn thiện khả năng xây dựng những hệ thống hậu cần phức tạp, có thể đưa mọi thứ, từ xe bọc thép đến Internet vệ tinh hay thiết bị phòng tập thể hình trực tiếp tới các tiền đồn trên khắp Trung Đông.

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria
Đoàn xe thiết giáp Mỹ tại làng al-Hashisha, ngoại ô Tal Abyad, Syria hôm 8/9. Ảnh: AFP.

Giờ đây, các binh sĩ Mỹ đang thực hiện một cuộc rút quân vội vã khỏi Syria dưới áp lực từ những lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay chiến đấu Nga và hàng dài xe bọc thép từ chính quyền Syria. Điều này có nghĩa Lầu Năm Góc phải dỡ bỏ các căn cứ chiến đấu cùng những cơ sở hạ tầng khác vốn được dựng lên để phục vụ một sứ mệnh đáng lẽ sẽ kéo dài, đồng thời bảo vệ tính mạng binh sĩ trong quá trình họ rút lui khỏi một chiến trường đầy hỗn loạn.

Trước khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự hôm 9/10, lính Mỹ, chủ yếu thuộc các lực lượng đặc nhiệm, đóng quân tại hơn 10 căn cứ và tiền đồn trải khắp vùng đông bắc Syria, bên cạnh các đồng minh người Kurd. Họ được phân thành hai trụ sở chính là trụ sở Đông và trụ sở Tây.

Các tiền đồn là một tập hợp gồm những chiếc lều có khả năng chống chịu mọi loại thời tiết, những công trình tương đối thô sơ và các bức tường chống nổ được gọi là hàng rào Hesco. Căn cứ không quân ở thành phố Kobani giống như một thành phố thu nhỏ gồm toàn lều cắm trại và các ngôi nhà container.

Trụ sở phía tây giám sát gần 10 tiền đồn nhỏ hơn, bao phủ các thành phố như Manbij và Raqqa, tập trung khoảng 500 binh sĩ.

Trụ sở phía đông gần biên giới Iraq hơn, điều hành gần 500 binh sĩ tại khu vực xung quanh thung lũng sông Euphrates, cùng vài tiền đồn nhỏ quanh thành phố Deir al-Zour và các thị trấn gần biên giới Syria - Iraq như Bukamal hay Hajin. Số lượng binh sĩ ở phía đông thường xuyên biến động bởi họ liên tục di chuyển qua lại giữa Syria và Iraq.

Khi quân đội Mỹ rút lui, trước tiên, họ sẽ rút vào bên trong bằng cách từ bỏ những tiền đồn gần với mũi tiến công của đối phương, trong trường hợp này là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng dân quân ủy nhiệm do Ankara hậu thuẫn ở Syria, cùng quân đội chính phủ Nga và Syria. Chiến lược trên đã được thể hiện rõ trong video đăng trên mạng hôm 15/10 quay cảnh phóng viên Nga đứng giữa một tiền đồn bỏ hoang của Mỹ ở phía tây Manbij, gần với vị trí của quân đội chính phủ Syria.

Đại tá Myles B. Caggins III, phát ngôn viên liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đóng tại Baghdad, cùng ngày xác nhận trên Twitter: "Chúng tôi đã rời khỏi Manbij".

Các binh sĩ được cho là sẽ tái triển khai lực lượng ở Iraq hoặc Jordan. Một số có thể trở về Mỹ.

Trụ sở phía đông và phía tây dự kiến sẽ rút quân độc lập với nhau. Tại phía tây, quân đội Mỹ có khả năng sẽ rời đi bằng sân bay Kobani, nơi được gọi là Vùng Hạ cánh Kobani. Căn cứ này có thể tiếp nhận máy bay vận tải C-17 và một đội ngũ nhân viên bảo trì lớn. Ở phía đông, các binh sĩ dự kiến rút lui bằng đường bộ, đi vào Iraq trên những đoàn xe dài, số khác di chuyển bằng trực thăng.

Theo giới chuyên gia, trong quá trình rút lui, nguy cơ binh sĩ Mỹ đụng độ với các lực lượng trên mặt đất khác chắc chắn sẽ cao hơn so với vài tuần trước.

Việc các đoàn xe di chuyển qua những lãnh thổ đang tranh chấp và máy bay cất hạ cánh nhiều lần đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu tình cờ hay thậm chí quân đội Mỹ cũng có thể bị tấn công bất ngờ, đặc biệt từ những chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) còn sót lại, thế lực đang tìm cách trỗi dậy trở lại ở Syria.

Một trong những rủi ro lớn nhất mà các binh sĩ Mỹ còn lại ở Syria đối mặt trong lúc rút lui dần dần là họ bị tấn công bởi Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. FSA đã dẫn đầu nhiều cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới.

Giới chức Mỹ cho hay những lực lượng dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn này thường không có tính kỷ luật cao như binh sĩ chính thống Thổ Nhĩ Kỳ và đã vô tình hoặc cố tình bắn vào quân đội Mỹ khi họ đang rút lui.

Bản chất vội vã, mạo hiểm của cuộc rút quân có thể đòi hỏi Mỹ phải tăng số lượng lính Mỹ ở Syria lên, ít nhất là tạm thời. Bộ tư lệnh Trung ương Mỹ đang chuẩn bị phái thêm hàng trăm binh sĩ tới giúp bảo vệ các căn cứ nơi đặc nhiệm Mỹ đóng quân cùng các đối tác dân quân người Kurd ở Syria và hỗ trợ quá trình sơ tán trong những tuần sắp tới.

"Chúng tôi đang tái triển khai các lực lượng bổ sung trong khu vực nhằm hỗ trợ bảo vệ lực lượng khi cần thiết", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper tuần trước phát biểu tại Lầu Năm Góc.

Hiện chưa rõ những trang thiết bị chiến đấu của Mỹ ở Syria sẽ được xử lý như thế nào. Một số căn cứ có các cấu trúc cố định, lều trại, thiết bị thể hình hay máy móc xây dựng lớn có thể bị bỏ lại. Thứ mà quân đội Mỹ chắc chắn mang đi là những vật dụng, thiết bị nhạy cảm như radio, vũ khí, xe thiết giáp và các tài liệu quan trọng.

Giới chức quân đội Mỹ cho biết "việc rút quân càng vội vàng bao nhiêu thì số thiết bị họ phải bỏ lại hoặc phá hủy càng nhiều bấy nhiêu", phần lớn phụ thuộc vào điều kiện an ninh trên mặt đất.

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria
Vùng đệm an toàn Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập ở biên giới với Syria. Đồ họa: HAL.

Vũ Hoàng (Theo New York Times)

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ chiến dịch quân sự tại Syria

Ankara đồng ý ngừng bắn trong 5 ngày, hứa kết thúc chiến dịch quân sự nếu lực lượng người Kurd rút khỏi vùng đệm ở ...

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria Rút quân khỏi Syria không làm thay đổi chính sách của Mỹ với Iran

Đặc phái viên về Iran Brian Hook nói rằng, các lực lượng của Mỹ ở miền Bắc Syria chưa bao giờ có nhiệm vụ liên ...

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria Mỹ ném bom hủy kho đạn bỏ lại ở Syria

Hai tiêm kích F-15E phá hủy kho vũ khí tại nhà máy Lafarge, nơi lính Mỹ từng đặt sở chỉ huy nhưng bỏ lại khi ...

thach thuc tren duong rut lui cua binh si my o syria Cuộc rút lui như tháo chạy của lính Mỹ ở Syria

1.000 đặc nhiệm Mỹ hối hả rời bỏ các vị trí tại đông bắc Syria, khi lực lượng quân sự nhiều bên nhanh chóng áp ...

/ vnexpress.net