Thả cá chép ngày ông Công ông Táo: Nguy cơ lây bệnh cho các loài thủy sinh?

Tục lệ thả cá chép trong ngày cúng ông Công ông Táo đã từng là phong tục mang nhiều nét đẹp. Tuy nhiên, xung quanh việc thả cá chép này còn nhiều vấn đề cần nói rõ.

Người dân đựng cá trong chậu để đi thả, thay cho đựng trong túi nilông.

 

Chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày cúng ông Công ông Táo , tại các vựa cá chép tại Đông Anh, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất…, một lượng lớn cá chép đã sẵn sàng phục vụ cho tục lệ thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp.

Bên cạnh những nét đẹp truyền thống, tục lệ thả cá chép trong ngày ông Táo về trời còn nhiều câu hỏi cần được làm rõ. 

Ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường khi người thả cá chép vứt túi nilông bừa bãi, không giữ vệ sinh môi trường, câu hỏi đặt ra là liệu việc thả cá chép có gây mất cân đối các loài thủy sinh? Cá chép là giống ăn tạp, có tranh thức ăn với các loài cá khác dẫn đến mất cân đối giữa các loài?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, cho biết Cá chép là loài bản địa của Việt Nam, về cơ bản đây là giống cá “lành”, thức ăn chủ yếu là động vật, bùn bã hữu cơ…

“Cá chép không tranh ăn với các loài cá khác nên không sợ khi thả ra môi trường cá chép khiến các loài khác bị tiêu diệt. Hơn nữa, lượng cá thả ngày cúng ông Công ông Táo không đáng kể vì người này thả đầu nguồn thì đã có người dưới nguồn cầm vợt chờ sẵn vớt mất. Như vậy, suy cho cùng việc thả cá chép như thế này chẳng có ý nghĩa gì” – ông Trần Đình Luân nói.

Về câu hỏi một lượng lớn cá chép gom từ các nơi về, sau đó được thả ra môi trường trong ngày ông Công ông Táo có mang mầm bệnh lây cho các loài các khác không?, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ Khai thác thủy sản – Tổng cục Thủy sản khẳng định khi ra môi trường, cá cũng như các loài thủy sinh sẽ tự điều chỉnh, thích nghi và chống chọi, nên không đáng ngại việc lây lan bệnh tật. “Những con cá yếu sẽ tự bị thải khỏi cộng đồng, còn các con khác sẽ tự đề kháng và vượt qua”- ông  Nguyễn Văn Trung nói.

L.V

 

/ laodong.vn