Tây Nam Bộ “bình thường mới” như thế nào khi F0 gia tăng?

Những ngày qua, các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ liên tục lập kỷ lục với số ca nhiễm cao nhất, kể từ khi dịch bùng phát đợt 4 đến nay. Nhiều tỉnh, thành phải nâng cấp độ chống dịch lên cấp độ 3.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine

TP Cần Thơ, trung tâm vùng châu thổ Cửu Long. Từ ngày 18/10, TP Cần Thơ ban hành văn bản quy định tạm thời thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh dần hồi phục, trở lại bình thường. Tuy nhiên những ngày qua, TP Cần Thơ liên tiếp ghi nhận các ca F0 tăng nhanh, trung bình từ 300 đến 400 ca/ngày, có ngày vượt trên 500 ca. Trong đó nhiều F0 cộng đồng và số cách ly tại nhà, sàng lọc tại các cơ sở y tế. Trước đây thành phố chỉ ghi nhận từ 20-30 ca nhiễm/ngày, con số này sau đó đã tăng lên gấp 10 lần. Ngày 10/11, TP Cần Thơ ghi nhận 579 ca nhiễm, con số cao kỷ lục từ trước đến nay của đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

Tây Nam Bộ “bình thường mới” như thế nào khi F0 gia tăng? -0

Các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và trả mũi 2 cho người dân.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đã ban hành văn bản quy định các biện pháp hành chính thích ứng tạm thời, linh hoạt và điều chỉnh đánh giá dịch bệnh lên cấp độ 3 trên phạm vi toàn thành phố kể từ 0h ngày 11/11. TP Cần Thơ cũng hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động kinh doanh ở từng địa phương, theo cấp độ dịch tương ứng. Đến ngày 15/11, TP Cần Thơ đã tiếp nhận gần 1,4 triệu liều vaccine và đã tiêm gần 1,3 triệu liều. Người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine đạt gần 96%, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi đạt 37,7%. Số người đã tiêm mũi 1 là 909.172 người và mũi hai là 357.675 liều. UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin hỗ trợ vaccine phòng COVID-19. TP Cần Thơ đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo để sớm được tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero Cell để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến hạn và 225.492 liều vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Tỉnh Vĩnh Long đồng loạt ra quân tiêm vaccine mũi 1 và tiêm mũi 2 cho người dân. Những người già yếu, bệnh tật không thể đến điểm tiêm, lực lượng y tế sẽ đến tận nhà để tiêm. Vĩnh Long tiêm gần 1,2 triệu mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó mũi 1 là 750.801 và tiêm mũi 2 là 429.467. Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ tiêm mũi 1 đã đạt 97% và từ đây đến cuối năm đáp ứng mục tiêu mũi 2. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng là một trong các giải pháp thiết thực khống chế dịch COVID-19, đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn linh hoạt trong thời điểm hiện nay.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang thông tin, từ tháng 10 trở đi, trước nguy cơ số ca nhiễm quá cao, nguy cơ lây lan các ổ dịch lớn nên tỉnh tranh thủ nguồn vaccine tiêm mũi 1. Những nơi nào xảy ra ổ dịch lớn, phức tạp thì tập trung tiêm khu vực đó để dập dịch. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh tiêm vaccine phủ đầy 100% dân số mới kéo giảm được số ca mắc mới. Tổng số người tiêm mũi 1 toàn tỉnh đạt trên 95%, tương đương hơn 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên và phấn đấu đạt 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 11. An Giang đang tranh thủ nguồn vaccine tiêm mũi 2 cho người dân. Từ nay đến cuối năm 2021, An Giang sẽ tiêm mũi 2 đạt trên 87% dân số.

Theo Sở Y tế Hậu Giang, tính đến ngày 15/11, có 579.850 công dân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó, 153.924 người đã tiêm đủ 2 mũi, 425.926 người tiêm 1 mũi, đạt tỷ lệ 95,59% trên tổng dân số tỉnh từ 12 tuổi trở lên (606.586 người) được tiêm ít nhất 1 mũi. Như vậy, toàn tỉnh còn khoảng 180.000 người chưa tiêm mũi 1. Với tỷ lệ trên, Hậu Giang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 khá cao so với khu vực cũng như cả nước. Tỉnh Hậu Giang tổ chức khoảng 88 bàn tiêm với năng lực tiêm khoảng 10.000 mũi/ngày, tối đa 20.000 mũi/ngày.

Tây Nam Bộ “bình thường mới” như thế nào khi F0 gia tăng? -0

Các tỉnh, thành Tây Nam Bộ linh hoạt biện pháp chống dịch, tầm soát nhanh và khoanh vùng trong phạm vi hẹp, kiểm soát chặt.

Ông Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho hay: “Công tác tiêm vaccine mũi 2 cho người dân đến thời hạn đang được thực hiện. Ngành y tế cố gắng hết sức, có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để tiêm cho người dân ngay khi nhận vaccine”.

Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh đã tiêm 914.410 mũi cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong đó mũi 1 là 553.767 liều và mũi 2 là 360.643 liều. Địa phương này đã triển khai tiêm 41.928 mũi vaccine cho trẻ là học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.

Còn tỉnh Đồng Tháp đã tiêm hơn 1,8 triệu liều vaccine, trong đó mũi 1 là hơn 1,1 triệu liều (đạt 81% dân số) và mũi 2 là 712.699 liều (đạt 52,51% dân số). Địa phương này đã phân bổ 58.500 liều vaccine Pfizer cho các huyện, thành phố, tổ chức tiêm mũi 1 cho đối tượng là học sinh, học viên đang học tại các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Đến ngày 16/11, tỉnh Bạc Liêu đã tiêm hơn 900.000 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó mũi 1 là 5551.074 người (đạt 82,12%) và 354.265 mũi 2 (đạt 52,79%).

F0, F1 cách ly tại nhà, thích nghi với dịch

Tỉnh Tiền Giang đã áp dụng việc cách ly điều tra F0 tại nhà. TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Cà Mau đã có hướng dẫn, phê duyệt phương án cách ly, theo dõi sức khỏe F0 không triệu chứng tại nhà.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang triển khai một số biện pháp mới trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể thí điểm tại một số ấp, xã đảm bảo đủ điều kiện, an toàn việc chăm sóc F0 tại nhà. Các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng kích hoạt ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp. Từ 0h ngày 16/11, UBND tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng mức độ dịch ở cấp độ 3. Tỉnh đã có sự điều chỉnh quy định cách ly các đối tượng F1, F2 theo hướng giảm thời gian cách ly hoặc cách ly tại nhà. Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Cụ thể triển khai phương án cách ly y tế đối với F1 ít nguy cơ và ca nhiễm phát hiện tại cộng đồng (chỉ số CT # 30 hai lần liên tiếp) tại nhà khi có đủ điều kiện. Với F0 không có triệu chứng cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp, cách nhau tối thiểu 24 giờ và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (chỉ số CT # 30).

Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, tình hình dịch COVID-19 mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào nếu không có những biện pháp phòng, chống căn cơ, kịp thời. Công an tỉnh chủ công, phối hợp cùng các ngành, các cấp tiếp tục duy trì phát huy tính hiệu quả của lực lượng truy vết 4 cấp từ tỉnh đến khóm ấp. Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại cơ quan, trụ sở làm việc cho cán bộ chiến sĩ. Chủ động nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với các quy định mới ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình mới. Công tác tiếp dân giải quyết các thủ tục hành chính, đăng ký xe, làm CCCD, thủ tục xuất, nhập cảnh… đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Song song đó tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Văn Vĩnh – Trần Lĩnh

Hà Nội giảm thời gian cách ly tập trung còn 14 ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà Hà Nội giảm thời gian cách ly tập trung còn 14 ngày, thí điểm cách ly F1 tại nhà
Bí thư Hà Nội: Thí điểm ngay cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 thể nhẹ tại cơ sở Bí thư Hà Nội: Thí điểm ngay cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 thể nhẹ tại cơ sở
Hà Nội sẽ thí điểm cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà? Hà Nội sẽ thí điểm cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà?

/ cand.com.vn