Tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm

Sau khi thành phố Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái "bình thường mới”.

Nhân viên Ngân hàng SHB hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng phần mềm của SHB.

Ngày càng tiện ích…

Sau hai năm liên tiếp triển khai thành công, năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức sự kiện không dùng tiền mặt với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận, ngân hàng, trung gian thanh toán... thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Ngày 21-7, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp đã kích hoạt sự kiện không dùng tiền mặt lần thứ ba với chủ đề "Chạm tới tương lai".

Tại khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, các ngân hàng lớn như SHB, TP Bank, Techcombank...; các doanh nghiệp bán hàng, trung gian thanh toán, giao hàng như AEON Việt Nam, Shopee, Momo, VNPAY, Giao hàng nhanh... đã cùng nhau giới thiệu, quảng bá về các công nghệ, sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện cho người tiêu dùng làm quen và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt, thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code)... và nhận nhiều ưu đãi, quà tặng khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Ghi nhận thực tế tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng cao. Tính năng thanh toán QR code cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, đơn giản của hình thức này.

Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc được nhiều cửa hàng, đơn vị áp dụng. Tại hệ thống siêu thị AEON, nhiều quầy thu ngân tự thanh toán bằng thẻ ATM hoặc mã QR đã được bố trí để người tiêu dùng có thể tự trả tiền. Nhờ có các quầy thu ngân này, tốc độ xử lý các đơn hàng mua sắm đã được đẩy nhanh, đồng thời, người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm.

Giám đốc hoạch định tài chính AEON Việt Nam Lưu Hồng Phước cho biết, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của AEON Việt Nam đã tăng dần qua các năm, hiện đạt gần 50%. Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của AEON Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại.

Chủ tịch Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng nhận định: “Nhận thức rõ tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, Tập đoàn BRG đang tập trung đầu tư để chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng triển khai nhiều giải pháp thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng làm quen với các hình thức không dùng tiền mặt”.

Trong khi đó, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) Nguyễn Quang Minh, trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu mua trước, trả sau của khách hàng.

Theo ghi nhận từ hệ thống của Napas, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó các hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet, thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Về phía khách hàng, chị Nguyễn Minh Anh (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Nhờ các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc mua sắm trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí”.

Đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: "Thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện không dùng tiền mặt, chúng tôi hy vọng đông đảo người dân sẽ hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, góp phần thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử".

Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu để phấn đấu trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; 65% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 75% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế số. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, chính là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội Hoàng Huyền Trâm cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, dịch vụ công.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ công như tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí…

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/1037539/tao-thoi-quen-tieu-dung-khong-tien-mat-khi-giao-dich-va-mua-sam

THANH HIỀN / HNM.com.vn