Ngày 25/1/2019, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty.
Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cùng lãnh đạo của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban.
Những thành công bước đầu
Tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2018.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo đó, về công tác xây dựng, ban hành khung khổ pháp lý cho tổ chức, hoạt động và kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, năm 2018, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban.
Đến nay, đã ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc, Quy chế làm việc của Ủy ban; hoàn thành dự thảo các quy chế quản lý nội bộ khác.
Về công tác tiếp nhận quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước và hồ sơ quản lý doanh nghiệp đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Uỷ ban đã hoàn tất ký Biên bản chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông. Về cơ bản, công tác chuyển giao và tiếp nhận hồ sơ thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm và bảo đảm đúng quy định.
Về công tác thực hiện công tác chuyên môn, ngay sau khi tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các đơn vị chức năng của Ủy ban đã làm việc trực tiếp với từng tập đoàn, tổng công ty về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện kế hoạch năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban bước đầu rà soát để phát hiện những điểm chưa thống nhất, chưa rõ ràng trong các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); đặc biệt là trong các Luật và văn bản hướng dẫn Luật.
Năm 2018, Ủy ban đã tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ (VPCP) về báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 01/CP năm 2018 và dự thảo Nghị quyết 01/CP năm 2019 và các vấn đề khác liên quan đến 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban khi VPCP hỏi ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; tham gia ý kiến với các Bộ, cơ quan về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty.
Cùng với đó, Ủy ban đã giải quyết những công việc cụ thể thuộc trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Ngoài ra, Ủy ban đã xử lý các khó khăn, vướng mắc và thực hiện việc quyết toán vốn cổ phần hóa đối với: Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3. Chỉ đạo triển khai thực hiện các bước cổ phần hóa đối với: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Phát điện 2.
Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp
Đến nay, ở các mức độ khác nhau, các tập đoàn, tổng công ty đang thực hiện tái cơ cấu theo các nội dung của Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại DNNN, trong tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020. Qua tái cơ cấu, về cơ bản cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đã tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và có liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; hầu hết đã tiến hành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.
Năm 2018, SCIC đã thoái vốn nhà nước tại 9 doanh nghiệp, thu về 7.693 tỷ đồng, chênh lệch với giá vốn là 5.076 tỷ đồng; trong đó một số doanh nghiệp đạt kết quả cao như: Vinaconex chênh lệch 4.818 tỷ đồng, Công ty CP Du lịch và Xúc tiến thương mại chênh lệch 227 tỷ đồng. So với kế hoạch được duyệt, SCIC chỉ đạt 8% về số lượng doanh nghiệp nhưng đạt 187% kế hoạch về doanh thu bán vốn.
Những nhiệm vụ năm 2019
Năm 2019, Ủy ban tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan tới kiện toàn tổ chức, chiến lược phát triển và công tác quản trị của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019
Theo đó, Ủy ban tiếp tục kiện toàn tổ chức để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm những công việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty đã tiếp nhận từ các Bộ.
Ủy ban sẽ phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư, phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban đến năm 2025, tầm nhìn 2035 (Chiến lược của Ủy ban).
Ủy ban sẽ chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước xây dựng chiến lược phát triển đến 2025, tầm nhìn đến 2035. Bên cạnh đó là công tác rà soát, phát hiện để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những điểm bất hợp lý, chồng chéo, chưa thống nhất và chưa rõ ràng trong các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.
Kim Anh
“Tết ấm yêu thương 2019” – PVN gửi nghĩa tình lên miền biên giới
Thực hiện Chương trình “Tết ấm yêu thương 2019” do Tạp chí Cộng sản khởi xướng, Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc ... |
PVN và nhiều doanh nghiệp dầu khí được vinh danh Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018
Ngày 16/1 tại TP HCM, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietNamNet tổ chức Lễ ... |
Lãnh đạo PVN chúc Tết ở mỏ Chim Sáo
Như đã thành lệ, hàng năm cứ vào dịp sắp Tết, lãnh đạo tập đoàn dầu khí và các đơn vị thăm dò khai thác ... |
Mong Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho PVN
“Kính mong Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ, ban ngành Trung ... |