Theo các chuyên gia, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp cho quỹ BHXH lợi nhiều, trong khi người lao động lợi không đáng kể.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều cho rằng, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Việc này khiến quỹ BHXH lợi nhiều, trong khi người lao động hưởng lợi không đáng kể.
Theo TS Dương Xuân Triệu, nguyên Viện trưởng Viện khoa học BHXH, theo quy định trước đây, người lao động tham gia BHXH lấy lương bình quân 5 năm cuối để làm căn cứ tính hưởng lương hưu. Tuy nhiên, theo quy định mới, người ta lấy lương bình quân 10 năm cuối, tiến tới là 15 năm cuối để làm căn cứ tính hưởng lương hưu. Căn cứ tính lương hưu cho người lao động trong doanh nghiệp là bình quân cả quá trình đóng.
"Thường thì lương bình quân 5 năm cuối bao giờ cũng cao hơn hẳn so 10 năm, 15 năm trước đó. Vì thế, nếu theo quy định cũ thì người lao động được lợi hơn do mức lương bình quân cao hơn.
Tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì quỹ BHXH rất lợi, trong khi mức hưởng BHXH của người lao động cũng có tăng thêm nhưng không đáng kể, còn cụ thể bao nhiêu thì phải tính toán.
Cứ hình dung nếu người lao động nghỉ trước 1 năm thì quỹ BHXH phải trả 2 năm, còn nếu tuổi nghỉ hưu tăng thêm 1 năm thì quỹ BHXH được lợi hơn 1 năm", TS Dương Xuân Triệu nhận xét.
Cũng bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, cho hay, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB-XH dựa trên nhu cầu làm việc cũng như muốn tận dụng sức lao động của xã hội.
"Người lao động nghỉ hưu rồi vẫn có thể làm việc này, việc khác nhưng họ không phỉa đóng bảo hiểm nữa. Vì thế, đơn vị soạn thảo muốn tăng tuổi nghỉ hưu, đưa vào luật để người lao động khi làm việc thì có đóng bảo hiểm, đảm bảo nguồn thu cho quỹ BHXH", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.
Chia sẻ quan điểm với TS Dương Xuân Triệu, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cũng cho rằng, việc lấy bình quân các mức tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu làm căn cứ tính lương hưu theo quy định cũ có lợi hơn cho người lao động. Tuy nhiên, đây chính là điểm gây khó khăn cho cho quỹ BHXH, chưa kể tiền lương của các ngành có phần khác nhau càng tác động đến quỹ BHXH.
"Quy định mới sẽ tính lương hưu bằng bình quân cả quá trình đóng BHXH, từ khi bắt đầu cho đến khi nghỉ hưu. Tính như vậy quỹ BHXH sẽ lợi hơn, còn người lao động đương nhiên lợi ít.
Bảo hiểm người ta vẫn gọi là kinh doanh bảo hiểm. Tiền bảo hiểm chẳng qua là tiền trích của người lao động hàng tháng để cơ quan bảo hiểm giữ hộ, sử dụng vào quỹ tập trung, sau này khi người ta nghỉ hưu thì trả lại. Thậm chí có người vừa nghỉ thì đã qua đời rồi nên họ chả được hưởng bảo hiểm gì cả.
Nếu đứng về mặt xã hội thì có thể xem đây là một sự bù trừ cho nhau. Quỹ tập trung này bên bảo hiểm sử dụng để cho vay, đầu tư…", vị chuyên gia giải thích.
Trước câu hỏi có nên tăng mức hưởng BHXH của người lao động nếu tăng tuổi nghỉ hưu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính thừa nhận điều này rất khó vì nó có liên quan đến năng suất lao động cũng như tổng thể xã hội.
"Nhà nước sẽ sử dụng các hình thức khác mang tính phúc lợi nhiều hơn như y tế, giáo dục... Còn mức lương hưu lại tùy thuộc vào vấn đề cải cách tiền lương.
Tiền lương là một chính sách và thông thường cứ 5 năm chính sách ấy lại được điều chỉnh một lần theo hướng tăng dần mức lương lên", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết.
Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Nếu thực hiện từ 2021 thì những phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025, thời điểm Việt ... |
'Đề xuất tăng tuổi hưu không phải vì lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội'
Đại diện Bộ Lao động cho hay, tại Việt Nam có 40% người về hưu vẫn làm việc bình quân cho tới 65 tuổi. |