Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khó cao như kỳ vọng

Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ không cao như kỳ vọng.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khó cao như kỳ vọng
Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khó đạt được như kỳ vọng. (Ảnh: Int)

Tăng trưởng kinh tế được cải thiện

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng đầu năm 2023 vẫn đang trong xu hướng dần cả thiện.

Theo đó, tăng trưởng quý III đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm. Trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; Công nghiệp xây dựng tăng 5,19% (Riêng Công nghiệp tăng 4,57%) và Dịch vụ tăng 6,24%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%; trong đó, khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; Công nghiệp xây dựng tăng 2,41% (riêng công nghiệp tăng 1,65%) và dịch vụ tăng 6,32%.

Nhìn vào số liệu trên, Tổng cục Thống kê (TCTK) đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý III đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực. Cụ thể:

Cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm.

Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế; Khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm âm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng. Khu vực dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá.

Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.

Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại…

Nền kinh tế vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Theo đó, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng…

Đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.

“Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng”, TCTK nhận định.

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Để thúc đẩy tăng trưởng, từ nay tới cuối năm, theo TCTK, vấn đề ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho nhà đầu tư là tiên quyết.

Nhưng đồng thời cần phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn,….

Sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng của người dân. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới.

Tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

Định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản; tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo các quy định và các biện pháp WTO cũng như thông lệ quốc tế cho phép để kiểm soát chất lượng hàng hoá đầu vào, loại bỏ những mặt hàng có chất lượng kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam.

Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng.

Điều quan trong nữa là đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khó đạt như kỳ vọng (markettimes.vn)