Mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số của Việt Nam giai đoạn 2026 -2030 là một khát vọng lớn, mang tính định hình bước ngoặt phát triển. Tuy nhiên, để chuyển hóa khát vọng thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là phải củng cố động lực nội sinh.
Các động lực nội sinh chưa đủ mạnh
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là động lực nội sinh của nền kinh tế còn yếu và phân tán. Khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là “một động lực quan trọng nhất”, nhưng cần thêm thời gian để thực sự trở thành lực đẩy trung tâm của tăng trưởng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ và thị trường. Trong khi đó, khu vực kinh tế công, dù chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hiệu quả đầu tư và đóng góp vào năng suất còn hạn chế.
Theo nhận định của TS. Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS), năng suất lao động tuy đã cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Từ mức
6,05%/năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động giảm còn 4,67%/năm trong giai đoạn 2021-2024. Đáng chú ý, khoảng cách năng suất giữa Việt Nam với các nước ASEAN vẫn còn khá lớn, cho thấy mức nền thấp và khả năng bứt phá còn bị giới hạn nếu không có các cải cách sâu rộng. Thêm vào đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua hệ số ICOR, mặc dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, phản ánh sự kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực vẫn tồn tại.
Một điểm nghẽn khác được các chuyên gia chỉ ra là năng lực hấp thụ và chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp nội địa còn hạn chế. Dù quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đã khởi sắc ở một số doanh nghiệp lớn, phần đông doanh nghiệp còn lại vẫn chưa sẵn sàng. Tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở khu vực tư nhân còn thấp; trong khi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI để tiếp nhận công nghệ vẫn còn lỏng lẻo.
Cùng với đó, đầu tư công - được coi là đòn bẩy kích thích tăng trưởng quan trọng trong những năm gần đây, cũng chưa phát huy hết tiềm năng. Các vướng mắc về thủ tục, giải ngân chậm… vẫn luôn là những yếu tố “thường trực” đang làm giảm hiệu quả lan tỏa. Trong khi đó, hệ thống chính sách hiện hành vẫn chưa tạo được các cụm động lực kinh tế vùng, nhiều ngành mũi nhọn như chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics... vì thế cũng chưa thể phát triển tương xứng.
Khát vọng tăng trưởng cao và phát triển bền vững không thể thành hiện thực nếu không có cải cách thể chế toàn diện. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhiều chuyển biến đáng ghi nhận đã diễn ra trong năm 2025, đặc biệt là việc tinh gọn bộ máy, xác lập và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập các đơn vị hành chính, hay ban hành các nghị quyết trọng yếu như Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết 66 về cải cách pháp luật, Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân… Những cải cách này bước đầu tạo tiền đề cho tăng trưởng, song vẫn cần các bước đi tiếp theo trong cụ thể hóa để tháo gỡ tận gốc những điểm nghẽn lâu nay. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng, thành công của cải cách phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, khả năng quản trị rủi ro, và sự tham gia thực chất của người dân, doanh nghiệp, trong khuôn khổ một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
Khát vọng lớn cần những đột phá thật sự
Một trong những cải cách nền tảng, theo đề xuất của TS. Võ Trí Thành, là nâng cao hiệu quả khu vực công. Điều này đòi hỏi một bộ máy quản lý chuyên nghiệp, có khả năng giải trình, vận hành linh hoạt và minh bạch. Hệ thống quản trị quốc gia cần chuyển từ cách tiếp cận tuyến tính truyền thống sang mô hình thích ứng nhanh – lắng nghe, điều chỉnh kịp thời và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, nhất là khu vực tư nhân và xã hội dân sự.
Song hành với đó là cải cách khung khổ pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như sở hữu trí tuệ, dữ liệu số, di chuyển lao động kỹ năng cao và đổi mới sáng tạo. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng đây là điều kiện cần để phát triển một hệ sinh thái sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.
Cùng với thể chế, chính sách công nghiệp cũng cần được tái cấu trúc theo hướng thân thiện với thị trường và hội nhập sâu với chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành được xác định là động lực như công nghiệp chế biến chế tạo, bán dẫn, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, logistics... cần được hỗ trợ thông minh, không bằng cách ưu ái hành chính mà thông qua tiếp cận thị trường, phát triển công nghệ lõi và lan tỏa tri thức. Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích cụm ngành, phát triển các "sếu đầu đàn" trong khu vực tư nhân cũng đóng vai trò dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.
Một trong những trụ cột của tăng trưởng bền vững là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo khuyến nghị của TS. Đặng Đức Anh, lợi thế dân số vàng đang dần thu hẹp, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng lao động và đổi mới sáng tạo. Thách thức hiện nay là tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển, trong khi doanh nghiệp lại thiếu hụt lao động lành nghề, kỹ năng số và tư duy đổi mới. Để giải quyết bài toán này, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy đào tạo gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành chiến lược. Khái niệm "học tập suốt đời", "bình dân học số" cần được cụ thể hóa bằng các chương trình đào tạo linh hoạt, công nghệ hóa và phù hợp với chuyển đổi số. Song song, cần chính sách thu hút, giữ chân và trọng dụng nhân tài.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ vào các ngành có năng suất cao và giá trị gia tăng lớn. Theo các chuyên gia, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính – ngân hàng, thương mại số, kinh tế xanh... phải được coi là trọng tâm của chính sách hỗ trợ. Việc hình thành các chuỗi giá trị khép kín do doanh nghiệp Việt làm chủ – từ công nghiệp ô tô, điện tử đến nông sản chế biến – là tiền đề để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, đầu tư công cần được điều chỉnh theo hướng tập trung, hiệu quả, ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, chuyển đổi số và đô thị thông minh có tính lan tỏa vùng. Tăng cường hợp tác công – tư, thúc đẩy hình thức PPP và cải thiện môi trường đầu tư sẽ giúp khơi thông dòng vốn tư nhân, đặc biệt vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, theo TS. Võ Trí Thành, là một nền kinh tế rất mở, Việt Nam phải thích ứng và ứng phó với tất cả các xu hướng lớn để có thể tận dụng tất cả những lợi thế, cơ hội đồng thời giảm thiểu tất cả các loại hình rủi ro có thể xảy ra. “Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, dù là điểm tựa quan trọng, nhưng chưa đủ đảm bảo thành công cho quá trình cải cách và phát triển tiếp theo”, chuyên gia này cảnh báo. Đồng thời, ông cũng tin tưởng rằng, với cách thức thực hiện cải cách có nguyên tắc nhưng đủ linh hoạt, quyết đoán khi cần thiết và biết kết hợp với cả cách tiếp cận “từ dưới lên” và “từ trên xuống” cùng hợp tác quốc tế sâu rộng, chân thành, “cùng thắng”, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy nhanh cải cách để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng.
https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-hai-chu-so-vai-tro-cua-cac-dong-luc-noi-sinh-167294.html