Các chuyên gia cho rằng đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu của Bộ Tài chính trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý, càng không hợp lý hơn với riêng mặt hàng xăng sinh học E5
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa thừa ủy quyền của Chính phủ ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó có nội dung đề xuất QH đồng ý cho tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu lên kịch khung.
Tăng kịch khung vẫn nói thấp
Theo đề xuất, mức tăng thuế cao nhất là dầu hỏa tăng 1.700 đồng/lít, mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít. Mặt hàng xăng tăng thuế thêm 1.000 đồng/lít. Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên, Chính phủ đề xuất UBTVQH cho đánh thuế BVMT ở mức cao nhất trong khung thuế suất hiện hành đối với tất cả các sản phẩm xăng, dầu. Đáng lưu ý, trong dự thảo đầu tiên, Bộ Tài chính không đề xuất tăng thuế BVMT đối với dầu hỏa nhưng tại dự thảo lần này, bộ đề xuất tăng hết trần cho phép.
Giải trình về lý do tăng thuế, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cho biết giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á. Giá xăng, dầu Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước); thấp hơn Lào 5.556 đồng/lít, Campuchia 3.745 đồng/lít, Trung Quốc 1.468 đồng/lít, Singapore 17.394 đồng/lít, Philippines 3.451 đồng/lít...
"Qua đánh giá thực hiện cho thấy mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này. Cụ thể, xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần thiết điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu nằm trong khung biểu thuế BVMT nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường" - Bộ Tài chính lý giải.
Trong nội dung này, Bộ Tài chính còn viện dẫn thêm một nghiên cứu khoa học do TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cung cấp tại một tọa đàm lấy ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT do UBTVQH tổ chức. Theo đó, nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ thì mức thuế BVMT đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít (!?).
Tăng thu để "cõng" ngân sách
Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm tăng thuế BVMT qua xăng, dầu để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường. Đồng thời việc tăng thuế còn phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Đặc biệt, Bộ Tài chính đưa ra mục đích tăng thuế là nhằm động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT. Theo bộ này, chính vì các mục đích "tốt đẹp" như trên mà bộ còn đề xuất tăng thuế đối với các mặt hàng than đá, dung dịch HCFC, túi ni-lông..., chứ không riêng xăng, dầu.
Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11%-0,15%. Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15.189,2 tỉ đồng/năm, từ đó góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.
Bàn về cơ cấu ngân sách, một chuyên gia tài chính đưa ra số liệu năm 2017, Bộ Tài chính dự toán số thu thuế BVMT đạt 17.420 tỉ đồng nhưng năm 2018 số thu tăng vọt lên 48.804 tỉ đồng. Cùng với khó khăn trong tìm kiếm nguồn thu mới cho NSNN trước sức ép tăng chi tiêu, giải pháp ngắn hạn là vay nợ và tiến tới bắt buộc là tăng thuế gián thu trong thời gian tới như thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt bởi các loại thuế này đang chiếm 50% nguồn thu NSNN. Trong thuế BVMT, xăng dầu chiếm tới 97%.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thuế là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều chỉnh thuế phải hết sức thận trọng. "Nếu chỉ xét ở góc độ thu ngân sách trong quá trình cơ cấu ngân sách thì dễ nhất là tăng thuế nhưng cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế" - ông Long lưu ý.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng lên mức trần 4.000 đồng/lít. Ảnh: TẤN THẠNH
Xăng E5 cũng dính thuế?
Theo giải trình của Bộ Tài chính, một trong các lý do chính của việc tăng thu thuế BVMT là nhằm mục đích khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nghịch lý là việc áp thuế ở mức cao và công thức tính thuế trên xăng E5 chưa thực sự phù hợp lại khiến cho mặt hàng này chưa thu hút được người tiêu dùng.
Theo quy định hiện nay, ưu đãi thuế BVMT đối với xăng E5 chỉ được áp dụng với phần ít ỏi là 5% ethanol có trong công thức xăng E5; còn lại 95% xăng RON 92 vẫn chịu thuế BVMT ở mức cao. Như vậy, với đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT, mặt hàng xăng E5 cũng sẽ gánh mức tăng giá gần như tương đương với xăng khoáng. "Như thế, mục tiêu BVMT là lý do cho việc tăng thuế của Bộ Tài chính đã không đạt được" - một chuyên gia kinh tế nói thẳng.
Theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nên điều chỉnh cách tính thuế BVMT đối với xăng sinh học theo hướng đánh giá tổng thể tác động của mặt hàng này với môi trường. "Nếu chỉ ưu đãi thuế với 5% ethanol, còn 95% xăng RON 92 vẫn chịu thuế cao là cách tính cơ học, không nhìn nhận đúng giá trị của xăng sinh học, không tạo ra được giá thành cạnh tranh" - đại diện Bộ Công Thương nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ xăng sinh học ra khỏi đề xuất tăng thuế BVMT lần này để hoàn thành được mục tiêu đưa xăng sinh học vào thị trường hiệu quả cũng như giảm bớt bức xúc của người dân khi đưa ra câu hỏi: "Tại sao xăng sinh học có tác dụng bảo vệ môi trường mà vẫn phải chịu thuế BVMT cao?".
Mức tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu theo đề xuất: . Xăng: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. . Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. . Dầu ma dút, dầu nhờn: Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg. . Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời hạn tăng thuế sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2018. Không nên tăng thuế với mặt hàng thiết yếu Trước thông tin tăng thuế BVMT với xăng, dầu, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ sự không đồng tình: "Thật sự khó khăn cho vận tải. Xu hướng tăng giá dầu thô đã quá rõ rồi mà còn tăng thuế nữa!". Theo ông Thanh, với mức tăng thuế BVMT thêm 1.000 đồng/lít xăng sẽ gây khó khăn. Nếu tăng đến một mức độ nào đó thì DN buộc phải điều chỉnh giá cước, dù việc tăng giá cước trong bối cảnh hiện nay là không dễ và cần phải có độ trễ. "Nếu giá nhiên liệu thế giới tăng cùng thời điểm tăng thuế xăng, dầu trong nước thì rất căng. Đề nghị cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính hết sức cẩn trọng về thời điểm tăng giá để không gây sốc cho vận tải bởi từ giá vận tải tăng sốc sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của các ngành kinh tế khác sử dụng nhiên liệu" - ông Nguyễn Văn Thanh cảnh báo. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đặt câu hỏi: "Tất nhiên, phải thông cảm cho đề xuất tăng thuế BVMT vì thu ngân sách đang hụt nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì sao?". Theo ông Phú, dựa trên quan sát thị trường, có thể thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay không phải dễ dàng thực hiện. Ông chia sẻ mới đây, ông cùng đoàn công tác khảo sát ở Hải Dương đã ghi nhận tình trạng nông dân "kêu ca" giá thành chạy xăng cho máy nổ, máy bơm nước chi phí rất cao. Còn ngoài thị trường tiêu dùng, một số mặt hàng ăn uống, cắt tóc… đã tăng giá nhẹ hoặc không tăng giá nhưng giảm chất lượng. "Nguyên nhân là bởi xăng, dầu đã đồng loạt tăng giá khá mạnh cách đây khoảng một tuần. Trong khi, đây là mặt hàng thiết yếu, ai cũng phải dùng, tác động đến mọi ngành sản xuất. Cuối cùng là trăm dâu đổ đầu tằm, người nghèo chịu hết. Bản thân tôi nhận lương chục triệu đồng/tháng cũng phải tiết kiệm mới đủ sống, công nhân vài triệu đồng sống thế nào mà còn tăng thuế?" - ông Phú bức xúc. Ông Phú góp ý phải tìm nguồn thu khác, giảm chi phí cho DN, không nên tăng thuế với mặt hàng thiết yếu. |
55.000 tỉ đồng thuế phải được dùng đúng mục đích
Cho dù khi đưa ra để thăm dò dư luận và đã nhận được nhiều ý kiến phản đối, nhưng Bộ Tài chính vẫn quyết ... |
Chính phủ quyết tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu
Mỗi lít xăng sẽ chịu thuế môi trường 4.000 đồng còn dầu là 2.000 đồng, cả hai đều là mức cao nhất theo khung hiện ... |
Tô Hà - Phương Nhung