Năm 2019, 2020 mỗi năm sẽ điều chỉnh tăng lương cơ bản 7%. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, quan trọng cải cách lương là phải tinh giản biên chế.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách tiền lương hôm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh 2 vấn đề cốt lõi để cải cách tiền lương là xây dựng vị trí việc làm và xác định chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu cuộc họp này là rà soát, đôn đốc triển khai công tác chuẩn bị thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết TƯ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Đây là nghị quyết đầu tiên của TƯ về cải cách tiền lương. Từ nay tới năm 2020 mỗi năm điều chỉnh tăng lương cơ bản 7% theo nghị quyết của QH.
Từ 2021 trở đi, cải cách căn bản chính sách tiền lương trong khu vực hành chính nhà nước sẽ trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Vì vậy, trong 2 năm 2019, 2020 phải chuẩn bị thể chế, quan trọng nhất là xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm; chức danh, chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang.
2 vấn đề cốt tử
Nói về đề án vị trí việc làm, Phó Thủ tướng băn khoăn, tại sao sau khi xây dựng vị trí việc làm, các bộ ngành đều tăng thêm biên chế.
“Như vậy là không giảm được biên chế. Như vậy gốc của vấn đề có vấn đề. Phải rà soát nguyên lý để làm”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương cũng yêu cầu, xây dựng vị trí việc làm phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công viên chức và tinh giản biên chế; là căn cứ để tuyển dụng, đánh giá sử dụng để trả lương.
“Ai đang ở trên mà xuống làm việc ở dưới thì hưởng lương dưới; ngược lại ai đang ở dưới mà lên được bậc trên thì hưởng lương trên, chứ không có kiểu sống lâu lên lão làng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhắc lại việc xây dựng vị trí việc làm tuyệt đối không được đẻ biên chế và mỗi năm phải giảm 2,5% biên chế. Việc phân công phân cấp trong việc xây dựng vị trí việc làm phải gắn với quản lý chứ không phải ‘thả gà ra đuổi’...
“Nếu không kiểm soát chặt chẽ, sẽ không cải cách được tiền lương”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ông nhắc ngành giáo dục và y tế không bao giờ để con em mình thất học, người bệnh không có nơi để khám chữa bệnh nhưng phải theo nguyên tắc “giảm người hưởng lương ngân sách, tăng số người lao động xã hội”.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những biện pháp quan trọng để cải cách tiền lương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Thường trực Ban bí thư đã giao Ban Tổ chức TƯ chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm của cán bộ, công chức từ TƯ đến cấp xã để trình Bộ Chính trị.
Theo đó có các nhóm chức vụ, chức danh lãnh đạo; chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành; chuyên môn nghiệp vụ dùng chung như tài chính kế toán cơ quan nào cũng có; nhóm hỗ trợ.
Ban Tổ chức TƯ đã ban hành quyết định tạm thời một số vị trí việc làm áp dụng cho cả hệ thống đảng, đoàn thể từ TƯ đến địa phương; còn lại giao, phân cấp cho tỉnh ủy, thành ủy quy định cụ thể.
Về xác định chức danh chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ động chứ không ngồi chờ.
Bởi, xây dựng vị trí việc làm và xác định chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị là vấn đề cốt tử trong cải cách tiền lương.
Đề nghị bỏ tiền bồi dưỡng họp, hội thảo
Nói về nguồn lực để cải cách lương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách nằm ở các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng nguồn đó như thế nào.
“Nghị quyết nêu rõ phải dành nguồn lực để cải cách tiền lương, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương, không được dùng vào việc khác. Dùng vào việc khác phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép”, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị 1 cuộc họp chuyên đề về việc này. Nếu không có nguồn tích luỹ để cải cách lương thì rất khó.
Bộ Tài chính đề nghị bỏ các khoản phụ cấp ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như tiền bồi dưỡng họp, hội thảo…
Vì vậy, các bộ, cơ quan TƯ phải nhanh chóng rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi việc này.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng bày tỏ lo lắng từ nay đến 2020 phải làm xong vị trí việc làm và xác định chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị để năm 2021 áp dụng bảng lương mới.
Tuy nhiên, đến nay nhiều bộ ngành lại đề nghị lùi một số nhiệm vụ kéo dài hàng năm, hàng quý. Nếu vậy thì rất khó hoàn thành đúng tiến độ.
“Muốn xây dựng vị trí việc làm thì từng bộ ngành phải rà soát, Ban Bí thư giao Ban Tổ chức làm để quý 4 năm nay trình Bộ Chính trị. Nếu chờ thì mọi việc sẽ chậm”, Bộ trưởng lo lắng.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành có văn bản chính thức báo cáo công việc triển khai, kết quả thực hiện đến 25/3 để báo cáo ban chỉ đạo, Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Tăng lương cho cán bộ, công chức nên hay không?
- Kết quả công việc giảm mà lương tăng, là điều phi lý. |
Tính toán để công chức được tăng lương: Chưa tinh giản thì...
"Nếu tiếp tục sử dụng ngân sách để tăng lương, \'bội chi ngân sách nhà nước có thể sẽ tiếp tục tăng, thậm chí không ... |
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019
Từ ngày 1/1/2019, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp ... |
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019
Mức lương tối thiểu vùng mới từ 2,92 triệu đến 4,18 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ ... |