Tăng giá điện đúng quy định, quy trình, sao dân bức xúc?

Tăng giá điện không đúng thời điểm cùng với cách tính giá điện bậc thang lũy tiến là những nguyên nhân gây cộng hưởng, khiến người dân bức xúc

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương đã nói như vậy sau khi Bộ Công thương và EVN lên tiếng khẳng định việc tăng giá điện là đúng quy định, quy trình và thời điểm.

tang gia dien dung quy dinh quy trinh sao dan buc xuc
TS Dương Đình Giám. Ảnh: Internet

Đúng quy trình, quy định

PV: Liên quan tới lùm xùm tăng giá điện, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công thương khẳng định, việc điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 vừa qua là đúng quy định, quy trình, cũng như thời điểm. Bộ này giải thích, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng trong tháng 4, báo cáo cho hay có 3 nguyên nhân, gồm: sản lượng tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng; tác động của điều chỉnh giá điện tăng 8,36%; và kỳ ghi chỉ số tháng 4 kéo dài hơn, 31 ngày so với 28 ngày của tháng 3.

Bộ Công thương cho biết, nếu tính đầy đủ chi phí các yếu tố đầu vào thì giá điện bình quân 2019 đáng lẽ phải tăng 9,26% chứ không phải tăng 8,36% như đang thực hiện. Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị xử lý việc đưa thông tin xuyên tạc, không đầy đủ khiến dư luận bức xúc.

Thưa ông, cách giải thích của Bộ Công thương như vậy đã hợp lý chưa? Vậy phải hiểu thế nào về những bức xúc của dư luận?

TS Dương Đình Giám: Xét trên góc độ quản lý, Bộ Công thương đang thực hiện đúng chức năng, vai trò, trách nhiệm của mình. Những giải thích của Bộ Công thương căn cứ trên quy trình, quy định đã được cho phép, cụ thể là các quy định tại Luật Điện lực, Quyết định số 24/2017 QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 34/2017 QĐ TTg về Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân... Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã có báo cáo trình phương án tăng giá điện trước khi thực hiện phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 và đã được đồng ý.

Như vậy, cơ sở để Bộ Công thương thực hiện phương án tăng giá điện hoàn toàn không sai, rất đúng quy định và đúng quy trình.

Việc hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng trong tháng 4 được Bộ Công thương đưa ra 3 nguyên nhân, gồm: sản lượng tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng; tác động của điều chỉnh giá điện tăng 8,36%; và kỳ ghi chỉ số tháng 4 kéo dài hơn (31 ngày so với 28 ngày của tháng 3) là thực tế, không có gì phải bàn cãi. Trời nắng nóng, người dân dùng điện nhiều, số ngày dài hơn, thêm việc giá điện tăng thì chi phí phải trả tăng là đúng, không có gì sai.

Ngay cả việc Bộ Công thương giải thích, nếu dựa trên các thông số đầu vào, giá điện bình quân 2019 đáng lẽ phải tăng 9,26%, chứ không phải tăng 8,36% như đang thực hiện, cũng không có gì sai. Nếu Bộ Công thương nhận thấy, việc tính toán tăng giá bán điện là cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành điện, của nền kinh tế và xã hội thì phải làm.

Người dân và cả xã hội không bức xúc, không phản ứng chỉ vì Bộ Công thương tăng thêm giá điện là 8,36% hay 9,26%. Vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm là tính công khai, minh bạch, tính hợp lý trong cách tính giá điện hiện nay. Khi các thông số đầu vào chưa được công khai, minh bạch thì dù đưa ra mức giá nào cũng bị cho là mang tính chủ quan, tính toán dựa theo chủ ý của ngành Công thương.

Thêm vào đó, việc áp dụng thời điểm tăng giá điện chưa thật hợp lý, là nguyên nhân cộng hưởng, đẩy bức xúc của dân lên cao hơn, phản ứng mạnh mẽ hơn.

Thực tế, việc tăng giá điện không phải năm nay mới thực hiện. Từ năm 2017, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân trước đó. Tuy nhiên, khi đó dư luận không phản ứng nhiều, do thời điểm thực hiện tăng giá điện được bắt đầu từ 01/12/2017.

Đó là thời điểm mà thời tiết giữa thời điểm trước và sau khi tăng giá điện không có sự chênh lệch, nên không có sự tăng đột biến về lượng điện tiêu dùng của mỗi hộ gia đình và do vậy chi phí tiền điện của mỗi hộ gia đình có tăng lên mấy phần trăm (%) cũng là không đáng kể. Nhưng lần này thì khác, thời điểm tăng giá diễn ra đúng vào đầu mùa nắng nóng (lại là nắng nóng bất thường), khiến sản lượng điện tiêu dùng của mỗi hộ gia đình bị tăng lên đột biến, nên người dân mới phản ứng mạnh mẽ như vậy.

Như vậy, dù nói đã làm đúng quy định, quy trình, nhưng rõ ràng, việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện của ngành Công thương là chưa thật sự hợp lý, khiến người dân bức xúc lại càng bức xúc hơn.

PV: Dù khẳng định việc tăng giá điện là đúng quy định, quy trình và thời điểm, nhưng cũng trong báo cáo trên, Bộ Công thương đã đặt vấn đề sửa lại biểu giá điện. Thưa ông, liệu có mâu thuẫn không khi một mặt Bộ khẳng định mọi vấn đề đều đúng, mặt khác lại đồng ý sửa biểu giá điện bậc thang? Như vậy, khẳng định nói trên của Bộ Công thương đã đủ tính thuyết phục hay chưa và ông có bất ngờ về cách phản ứng nói trên hay không?

TS Dương Đình Giám: Việc áp dụng cách tính biểu giá điện sinh hoạt theo 6 bậc lũy tiến, thực tế đã được áp dụng từ nhiều năm nay (từ năm 1994 tới nay). Tại thời điểm xây dựng và áp dụng, biểu giá điện lũy tiến 6 bậc này được cho là phù hợp nhằm một số mục tiêu, như: Bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất, cung ứng điện;

Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm (thông qua biểu giá điện lũy tiến để ứng xử với loại hàng hóa đặc biệt, đáp ứng đòi hỏi của quy luật khan hiếm nguồn lực nhằm điều tiết sử dụng điện một cách hợp lý); Có chính sách an sinh xã hội đối với những hộ nghèo, thu nhập thấp (thông qua việc tính mức giá điện cho hộ được xác định là hộ có thu nhập thấp tiêu dùng điện từ 0-50 kWh (bậc 1) bằng 92% so với mức giá điện bình quân, tiêu dùng điện từ 51-100 kWh (bậc 2) bằng 95% so với mức giá điện bình quân, và tính mức giá cho các hộ có thu nhập trung bình tiêu thụ điện từ 101-200 kWh/tháng (bậc 3) bằng 110% so với giá bán bình quân…). Những mục tiêu trên là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh hiện nay, biểu giá điện này đang bộc lộ nhiều nhược điểm và không còn phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay nữa. Nếu năm 2014, tỷ lệ hộ tiêu dùng điện dưới 50 kWh/tháng so với tổng số hộ dùng điện là 21,79% thì năm 2017 giảm xuống còn 17% và năm 2018 chỉ còn 15,52%; số hộ sử dụng điện trên 400 kWh là 4,7%, tương đương 1 triệu hộ thì đến năm 2018 đã lên con số 1,51 triệu hộ. Năm 2017, có 78% số hộ dùng dưới 200 kWh/tháng, tức khoảng 22,2 triệu hộ thì đến năm 2018 giảm xuống còn 19,8 triệu hộ. Trong khi đó số lượng dùng trên 200 kWh/tháng đã là 8,1 triệu hộ; số hộ tiêu dùng điện ở mức 300 kwh/tháng trở lên năm 2014 là 8,63% thì năm 2018 đã là 10,69%...

Khu vực sử dụng điện ở hai mức 2 và 3 rất lớn, chiếm tới trên 50% số hộ dùng điện của cả nước. Nếu tính cả số hộ dùng ở bậc 1, tức là dưới 100 kWh đến 300 kWh thì tỉ lệ này lên tới 85% số hộ sử dụng điện trong cả nước. Như vậy có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng điện của người dân đã tăng theo sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và thiết kế bậc thang như trước đây đã không còn phù hợp.

Thứ hai, nhiều bậc gắn với nhiều mức giá, nhưng khoảng chênh lệch giá giữa một số bậc thang quá ít, trong khi mức giá có khoảng chênh lệch cao lại rơi vào số đông hộ có mức tiêu dùng điện trung bình, phổ biến của xã hội.

Cụ thể, theo biểu giá điện luỹ tiến hiện nay, người dùng ở 2 bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình từ 101-200 kWh và 201-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh – được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất.

Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau có 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó có 93 đồng một kWh.

Nếu nói rằng Bộ Công thương có mâu thuẫn trong cách giải thích là không hoàn toàn chính xác, nhưng rõ ràng, việc áp dụng thời điểm tăng giá cùng với cách tính giá điện bậc thang lũy tiến theo sản lượng điện như hiện nay là không còn phù hợp và đó chính là những nguyên nhân gây cộng hưởng, khiến hóa đơn tiền điện của người dân đã cao lại càng bị đội lên cao hơn.

Tăng giá điện với khu vực thu nhập cao

PV: Vẫn phải ghi nhận, vấn đề sửa biểu giá điện đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Vậy chúng ta nên sửa theo hướng nào? Trong bối cảnh giá bình quân cơ sở vẫn là một ẩn số thì việc sửa biểu giá điện bậc thang có dễ dàng thực hiện không? Nguy cơ sửa từ một sự bất hợp lý này sang một sự bất hợp lý khác cần được nhận diện như thế nào?

TS Dương Đình Giám: Hiện có nhiều quan điểm cho rằng cách tính bậc thang lũy tiến dùng càng nhiều, càng phải trả nhiều tiền được cho là phi thị trường, nhưng thực ra nó lại phù hợp với mục tiêu tiết kiệm điện.

Hiện nay, nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo ở nước ta mới phát triển nhưng gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng, yêu cầu sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là cần thiết, người dân cũng cần đồng thuận với chủ trương này.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang lũy tiến thật sự đang bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay. Cách xây dựng bảng giá lũy tiến 6 bậc, ở hai bậc đầu của biểu giá điện có mức giá bán thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân, nhưng bước nhảy số quá ít (chỉ từ 0-50 và 51-100kWh) là không phù hợp nữa. Vì hiện tại, đa số người dân đều đã sử dụng trên mức này. Mà khi vượt bậc so với quy định thì lập tức người dân phải chịu một mức giá cao hơn. Với quy định này, có khoảng hơn 10 triệu hộ gia đình đang có mức tiêu thụ trong khoảng từ 101 -200 kWh/tháng (chiếm khoảng gần 39% số hộ dùng điện cả nước) đang phải chịu ảnh hưởng. Nếu tính cả số hộ dùng dưới 100kWh/tháng thì tổng số hộ lên tới gần 20 nghìn hộ, chiếm hơn 76% số dùng điện trong cả nước. Vì thế, phản ứng của đa số người dân và xã hội là dễ hiểu. Do vậy, yêu cầu phải xem xét, sửa lại cách tính giá điện là cần thiết.

Việc sửa lại biểu giá lũy tiến có thể có nhiều cách, ngành Điện có thể nghiên cứu để giảm bớt số bậc thang, nới rộng số khoảng cách giữa các bậc; nhưng cũng có thể giữ nguyên số bậc thang và nới rộng 3 bậc thang đầu… nhằm đáp ứng số đông hộ có mức tiêu dùng điện trung bình, phổ biến của xã hội. Đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên, hỗ trợ nhiều hơn so với nhóm đối tượng có điều kiện, thu nhập cao trong xã hội. Với nhóm đối tượng có điều kiện, sử dụng nhiều điện có thể điều chỉnh mức giá tăng cao hơn nữa.

Tóm lại, việc điều chỉnh lại cách tính biểu giá điện là cần thiết, nhưng sửa như thế nào, dựa trên cơ sở nào, thì ngành Công thương phải tính toán rất kỹ. Mặc dù khó kỳ vọng sẽ có một phương án giá điện hoàn hảo nhất, nhưng yêu cầu sửa lại cách tính giá điện cũng mở ra một kỳ vọng giúp cái chưa hợp lý cũ sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn.

Tiến tới hạn chế công nghệ lạc hậu

PV:  Bên cạnh đó, cách tính giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất cũng được cho là khiến người dân chịu thiệt. Cụ thể là giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc lũy tiến tăng dần, càng dùng nhiều càng phải trả nhiều. Trong khi giá bán lẻ điện sản xuất lại được chia theo giờ (thấp điểm và giờ cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.

Đáng chú ý, trong khi giá bán lẻ điện sản xuất thấp nhất có thể ở mức 970 đồng/kWh thì giá điện sinh hoạt ở bậc thang thấp nhất lên tới 1.678 đồng/kWh. Việc này được cho là thiếu công bằng và cần tiến tới xóa bỏ cơ chế bù chéo, ông có đồng tình với nhận định trên không? Nếu vậy, trong lần sửa giá điện này, cần tính toán lại về cơ cấu giữa hai loại giá bán điện như thế nào nhằm đạt được các mục tiêu công bằng cho người dân và không khuyến khích những ngành sản xuất thâm dụng năng lượng và không khuyến khích công nghệ cũ, lạc hậu tràn vào Việt Nam?

TS Dương Đình Giám: Tôi không hoàn toàn đồng tình với quan điểm điều chỉnh giá điện, xóa bù chéo giữa khu vực sản xuất với khu vực sinh hoạt để bảo đảm tính công bằng. Về nguyên tắc, cách xây dựng biểu giá điện theo thứ tự ưu tiên cho khu vực sản xuất trước, sau đó mới tới khu vực tiêu dùng, rồi cuối cùng mới là khu vực kinh doanh, dịch vụ hiện nay là cách làm hợp lý. 

Lý do phải tính giá điện ưu tiên cho khu vực sản xuất trước tiên vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Chính vì thế, nhiều nước công nghiệp phát triển đều có chính sách trợ giá, hay bù chéo từ giá điện sinh hoạt sang giá điện sản xuất. Người dân trong nước, những người dùng điện sinh hoạt có thể bị thiệt một chút nhưng nền kinh tế lại được bù đắp bằng giá trị gia tăng từ phía doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, cơ chế bù chéo, hỗ trợ giá điện cho khu vực doanh nghiệp sản xuất cũng lại thể hiện tính hai mặt. Việc được sử dụng điện giá rẻ sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, tiết kiệm điện năng.

Hiện nay, các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép… là những ngành ngốn rất nhiều điện năng (ước tính ngành công nghiệp nặng tiêu tốn 55% tổng lượng điện), nhưng do được hưởng cơ chế bù chéo, lại được trả tiền điện với giá thấp nhất, tính ra là 6,8 cent/kWh nên đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này.

Do đó vấn đề sửa lại cách tính giá điện cần phải đặt ra, nhưng mục đích chính không phải là bảo đảm tính công bằng, xóa bỏ bù chéo giữa khu vực sản xuất với khu vực sinh hoạt, mà để hạn chế công nghệ lạc hậu, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, tiết kiệm điện năng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, yêu cầu đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại là cần thiết.

Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thì chi phí sử dụng điện năng cũng sẽ tiết kiệm, giảm được chi phí đầu vào, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay.

PV: Ở một diễn biến khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đang xây dựng đề án thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và sẽ trình Bộ phê duyệt trong tháng 7 tới. Ông đánh giá thế nào về thông tin trên? Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ngành điện vận hành theo cơ chế thị trường có khả thi không và nếu làm được như vậy thì diện mạo thị trường điện Việt Nam sẽ thế nào?

TS Dương Đình Giám: Việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từng được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng vì nhiều lý do nên đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được.

Nếu có thể đưa ngành điện vận hành theo cơ chế thị trường thì quá tốt, tuy nhiên để làm được như vậy thì nguồn cung điện phải dồi dào, đủ để tạo ra được thị trường cạnh tranh. Khi đó, người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Hiện nay, nước ta còn đang thiếu điện. Tuy nhiên, trong một năm có tháng thừa, tháng thiếu; thậm chí trong một ngày, có thời điểm thiếu nhưng cũng có thời điểm thừa điện. Điện lại là một mặt hàng đặc thù, không giống như các mặt hàng tiêu dùng thông thường khác, có thể cất trữ khi không dùng hết để mang ra sử dụng lúc cần. Do vậy, xây dựng một thị trường bán điện cạnh tranh không phải chuyện đơn giản.

Trong bối cảnh nguồn cung còn đang thiếu như hiện nay, nếu không thiết lập được cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì thì nguy cơ bắt tay để làm giá cao giữa các nhà máy phát điện hoặc giữa các nhà phân phối, bán lẻ là khó tránh khỏi. Và khi đó, giá điện có khi còn tăng cao hơn. Do vậy vai trò của quản lý nhà nước trong việc này là rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!

tang gia dien dung quy dinh quy trinh sao dan buc xuc Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc điều chỉnh giá điện

Chiều nay (24/5), Thanh tra Chính phủ sẽ công bố quyết định kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và ...

tang gia dien dung quy dinh quy trinh sao dan buc xuc Bộ Công Thương: 'Đề nghị không đưa tin trái chiều về giá điện' là lỗi diễn đạt

Bộ Công Thương thừa nhận diễn đạt gây hiểu lầm khi "đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều" về ...

 

 

 

/ Đất Việt