Tình hình trên Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải kiểm soát tốt các bất đồng để tránh bùng nổ xung đột. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện nếu các bên liên quan cùng quan tâm đến việc xây dựng lòng tin.
Việc Trung Quốc tôn tạo trái phép như tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã làm xói mòn lòng tin trong khu vực
Biển Đông nóng lên bởi hành động phi pháp của Trung Quốc
Trong Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc mới đây, sau khi nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng, Việt Nam và Trung Quốc cần kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Đúng là Biển Đông đang ngày một nóng lên trước những hành động phi pháp của Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực thông qua việc tăng cường xây dựng và bồi lấp các đảo nhân tạo. Một loạt các rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông dần được tôn tạo thành đảo, rồi biến thành các cơ sở quân sự với sân bay, bến cảng, trạm radar, cơ sở hậu cần...
Giờ đây, tại những “căn cứ nổi” nhân tạo này ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lúc nào cũng có sự hiện diện của các tàu hải cảnh cùng hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc. Bất cứ lúc nào, đội tàu nói trên cũng sẵn sàng cơ động khắp Biển Đông để quấy rối tàu thuyền của các nước khác, hoặc đi lại trong những khu vực nhạy cảm về mặt chính trị.
Theo ông Greg Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ), Trung Quốc sẽ “không dừng các hoạt động này” trong tương lai. Ông Greg Poling nhận xét: “Những đảo này được trang bị radar và khả năng giám sát, giúp Trung Quốc quan sát mọi thứ diễn ra ở Biển Đông. Trước đây Trung Quốc có thể không biết quốc gia khác khai thác tài nguyên ở đâu. Nhưng giờ thì họ biết rõ điều đó”.
Hệ quả thì ai cũng thấy rõ, căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông với tốc độ đáng báo động. Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường cản trở các nước trong khu vực thăm dò nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước này, nơi mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp theo yêu sách “đường lưỡi bò” và khái niệm “Tứ Sa”.
Hồi tháng 6-2020, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 4 của Trung Quốc được phát hiện hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc với sự hộ tống của các tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân binh thì tìm cách cản trở hoạt động của tàu khoan West Capella của Công ty dầu khí Malaysia Petronas đang vận hành trên Biển Đông.
Cùng với đó, các tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng đột nhiên tăng cường hoạt động kiểm soát tại các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực, xua đuổi ngư dân đánh cá ở vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của họ trong nhiều thế kỷ. Thậm chí tàu hải cảnh Trung Quốc còn tấn công các tàu thuyền đánh cá, bắt giữ các ngư dân, mà đáng chú ý nhất là vụ đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam hồi tháng 4-2020.
Xây dựng lòng tin chiến lược trở thành vấn đề cấp thiết
Thực tiễn đã chứng minh, nếu căng thẳng không được kiểm soát có thể dẫn đến xung đột vũ trang, dù ở cường độ thấp cũng làm cho khu vực rơi vào vòng xoáy mất ổn định. Chính vì thế, yêu cầu xây dựng lòng tin và lòng tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực đang trở thành vấn đề cấp thiết để ngăn chặn tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và học giả, khó khăn hiện nay là các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đang thực sự lo ngại, thiếu lòng tin vào các cam kết của Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc thường “nói một đằng, làm một nẻo”, luôn nhấn mạnh và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, nhưng lại liên tục gia tăng các hoạt động gây căng thẳng như thực tế diễn ra thời gian gần đây.
Chính vì thế, điều trước tiên cần làm là thúc đẩy các bên liên quan cần có trách nhiệm và tự giác thực hiện các cam kết quốc tế mà mình đã ký kết. Trên thực tế, các nước hiện có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều tham gia vào một hoặc nhiều cam kết quốc tế trên cả phương diện song phương và đa phương, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cùng các cam kết, thỏa thuận song phương và đa phương giữa các nước.
Đề cao vai trò của luật pháp cùng tích cực thúc đẩy việc tôn trọng và thực thi luật pháp sẽ tạo sự đồng thuận trong dư luận, đồng thời giúp ngăn chặn các hành động đơn phương.
Lòng tin không thể có nếu như những hành động phi pháp như tôn tạo trái phép ở Biển Đông vẫn tiếp tục tiếp diễn. Vì thế, giữ nguyên hiện trạng, không gia tăng các hoạt động gây phức tạp tại khu vực tranh chấp hoặc bị coi là tranh chấp, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận khu vực này là điều cần thiết.
Đây là biện pháp, đồng thời là nguyên tắc trong xây dựng lòng tin. Vì thế, những hoạt động tôn tạo trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa trong các năm gần đây đương nhiên làm xói mòn lòng tin nên cần phải bị lên án mạnh mẽ, nhất là trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Một trong những giải pháp nữa có thể giúp tăng cường lòng tin là đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Văn bản này cần mang tính ràng buộc pháp lý đi kèm với một cơ chế giám sát thực thi hiệu quả, hiệu lực.
COC cần chuẩn hóa cách ứng xử cho mọi tình huống, xác định nhận thức chung về tình hình, đưa ra tiêu chuẩn trong quá trình triển khai, giúp phân biệt các hành vi vô ý và các hành vi có chủ đích, đồng thời giúp giảm thiểu tối đa các mối nguy cơ xuất phát từ việc không có sự chia sẻ về nhận thức, quan điểm và hiểu nhau cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin và lợi ích chung.
Hiện thực hóa DOC, xây dựng, ký kết COC không những góp phần tích cực vào quản lý xung đột, hạn chế va chạm, giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông mà còn tạo dựng, củng cố lòng tin giữa các bên.
Đánh giá nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ - Trung Quốc ở Biển Đông
So với Đài Loan, vùng Biển Đông có khả năng kích động hành động quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cao hơn. |
Brunei bất ngờ lên tiếng về Biển Đông
Trong một thông điệp hiếm hoi, Brunei nhấn mạnh đàm phán giữa các nước cần dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ... |
Không để tham vọng độc chiếm Biển Đông đe dọa tự do thông thương trên biển
Những hành động ngang ngược, mang tính khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đang gặp phải sự ... |