Mùa hè là mùa nóng nực oi bức nhất trong năm, ngay cả các vị hoàng đế xưa cũng không tránh khỏi tiết trời oi bức đó.
Các vị hoàng đế thời chưa có điều hòa, họ đã làm thế nào để thoát khỏi sự oi bức khắc nghiệt của mùa hè? Chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu hai trường hợp trái ngược về vấn đề này qua hai vị hoàng đế dưới đây. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy sự tiến bộ về y thuật của người xưa qua từng thời kỳ, đồng thời học hỏi được những kinh nghiệm từ họ.
Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế chết vì nắng nóng?
Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chính, còn có tên khác là Triệu Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần từ năm 246 TCN đến 221 TCN. Ông là vị vua sáng lập ra nhà Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất vào năm 221 TCN sau khi tiêu diệt các nước chư hầu. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 TCN ở tuổi 49.
Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Youtube.
Tự gọi mình là Thủy Hoàng Đế sau khi Trung Nguyên thống nhất, Tần Thủy Hoàng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử, mở ra gần hai thiên niên kỷ của hoàng gia cai trị trên đất nước Trung Hoa. Sau khi thống nhất, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt các cải cách lớn về kinh tế và chính trị. Ông đã tiến hành nhiều dự án khổng lồ, bao gồm việc hợp nhất các bộ phận của Vạn Lý Trường Thành, tạo ra hệ thống đường quốc gia rộng lớn, xây dựng khu lăng mộ nguy nga với kích thước đồ sộ, được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước như người thật, v.v.
Nhân vật lịch sử này luôn được hậu thế chú ý. Từ yếu tố con người, đời tư, công-tội, cho đến cả cái chết với nhiều bí ẩn chưa được giải đáp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ.
Bàn về cái chết của Tần Thuỷ Hoàng, có người cho rằng ông chết vì trọng bệnh, lại có người cho rằng chết vì bị hành thích, cũng có người nói ông vì uống “thuốc trường sinh” mà qua đời. Trong dân gian cũng lưu truyền câu chuyện kể về thiên thạch mang theo dự ngôn về cái chết của vua Tần. Ba phần thực bảy phần hư, phần lớn các giả thuyết này đều là do người đời sau thêu dệt. Mỗi sự ra đời hay tạ thế của các bậc quân vương đều được coi là Thiên ý, và cái chết của Tần Thuỷ Hoàng cũng không quá bí hiểm như người đời vẫn thường đồn đại.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tần Thủy Hoàng?
Ảnh dẫn theo youtube.com.
Trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng có thể được coi là một trong những vị hoàng đế nức tiếng một thời, góp phần đặt định nền văn hóa truyền thống cho dân tộc Trung Hoa. Ông tung hoành ngang dọc, quét sạch 6 nước chư hầu, chinh phạt Bách Việt, thu phục Hung Nô oai hùng trấn át tứ hải, cuối cùng thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên vị “Thiên cổ nhất đế” tài trí mưu lược kiệt xuất này, dẫu tránh được chủy thủ của Kinh Kha, thiết trùy của Trương Lương, thoát khỏi đòn đàn trúc của Cao Tiệm Ly, nhưng lại không thể qua khỏi cái nắng nóng của Trung Nguyên đổ lửa.
Theo Sử Ký, Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã mắc bệnh, thể chất yếu đuối, lớn lên lại ương ngạnh bảo thủ, việc lớn hay nhỏ đều tự mình quyết định, mỗi ngày phê duyệt văn thư lên tới trên 60 cân, làm việc cực kỳ mệt nhọc.
Lúc đó khi quận Đông Nam Gia xảy ra hỗn hoạn, quân Hung Nô quấy rầy ở phương Bắc, loạn trong giặc ngoài đan xen lẫn lộn, Tần Thuỷ Hoàng đã không màng đến bệnh tình yếu nhược của bản thân mà quyết định xuất cung ra ngoài tuần tra. Mỗi lần tuần tra kéo dài tới hơn nửa năm, hành trình kéo dài từ Nam tới Bắc khắp một vòng toàn quốc.
Khi loan giá tới Lang Nha là vào chính giữa mùa hè nóng nực. Người dân địa phương nơi đó có câu: “Ngũ hoàng lục nguyệt nhiệt tử cẩu”, tạm hiểu là: Nắng tháng năm tháng sáu nóng đến mức có thể làm chết cả chó. Câu nói này đã miêu tả phần nào thời tiết khắc nghiệt nóng bức của khí hậu nơi đây, cũng là thời điểm khi vị hoàng đế đi tuần ngang qua.
Khi vừa đi tuần tới đây, Tần Thủy Hoàng đã ngã bệnh, ban đầu xuất hiện các triệu chứng say nắng như phát sốt, buồn nôn, miệng khát, đau đầu… Lúc này nếu có thể kịp thời nghỉ ngơi và dùng các biện pháp thanh nhiệt để điều chỉnh thân nhiệt và hạ sốt, thì có lẽ Tần Thuỷ Hoàng đã qua khỏi nguy kịch. Tuy nhiên, ông lại cố chấp khăng khăng muốn tiến tiếp về phía trước. Khi tới Sa Khâu mà ngày nay là Quảng Tông, Hà Bắc, bệnh tình của Tần Thuỷ Hoàng lại càng trở nên nghiêm trọng. Ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh đột quỵ nhiệt, như tinh thần không tỉnh táo, toàn thân phát sốt ở nhiệt độ cao, bứt rứt khó chịu, khát nước, tiều tụy, môi miệng khô ráp. Không những vậy, cơ bắp toàn thân co rút, sọ não sau lại va vào đồ đựng đá, khiến cho bệnh tình càng thêm nghiêm trọng, cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.
Đột quỵ nhiệt là một trong những triệu chứng nghiêm trọng nhất của bệnh say nắng, những triệu chứng khác bao gồm co giật và suy kiệt nặng. Với điều kiện khó khăn khắc nghiệt khi đó, cho dù có thể kịp thời áp dụng những biện pháp hạ nhiệt, và các liệu pháp hỗ trợ thì tỉ lệ sống sót vẫn vô cùng bé nhỏ. Nguyên nhân là bởi khi đó lưu lượng máu lưu thông tới toàn cơ thể bị giảm sút nghiêm trọng, chức năng hạ nhiệt của cơ thể từ đó cũng bị ảnh hưởng. Từ tình hình thực tế có thể nhận định Tần Thủy Hoàng vì nắng nóng dẫn tới đột quỵ nhiệt mà qua đời.
Nắng nóng không chỉ là một “tử quan” đối với Tần Thuỷ Hoàng, mà còn là nỗi lo của rất nhiều bậc vua chúa và quân vương trong lịch sử. Bởi vậy, trong hoàng cung luôn có những quy định khắt khe để hạn chế nóng bức vào mùa hè và lạnh giá trong mùa đông.
Dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vị hoàng đế nổi tiếng thứ hai trong lịch sử Trung Hoa là hoàng đế Càn Long đã làm thế nào để vượt qua được sự nóng bức giữa mùa hè.
Hoàng đế Càn Long có thể qua được cái nóng của mùa hè bằng cách nào?
Từ thời nhà Thanh, quần áo y phục được phân theo cấp bậc và có sự phân biệt về thân phận vô cùng khắt khe, không thể dễ dàng thay đổi. Long bào mùa đông của hoàng đế được làm bằng da cừu và lông chồn đen, mùa xuân dùng áo bào bằng sợi bông mỏng, mùa hè lại dùng loại vải tơ lụa có thể thấm hút khí rất tốt.
Trang phục của Hoàng Đế được thiết kế làm mát trong mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Ảnh dẫn theo vozforums.com.
Vậy vào mùa hè để thoát khỏi cơn nóng bức, chế độ ăn uống của hoàng đế có gì đặc biệt? Trong các tài liệu lịch sử có ghi chép: “Vào mùa hè hoàng đế chỉ ăn 2 bữa, chỉ ăn cháo loãng”. Chủ yếu ăn cháo đậu xanh, cháo ý dĩ và uống trà Long Tỉnh – loại trà có chức năng thanh nhiệt giải độc. Ngoài việc chú trọng vào các loại món ăn, môi trường ăn uống và việc sử dụng các loại đồ dùng cũng có quy định rõ ràng. Mùa hè ăn cơm phải ngồi ở những nơi râm mát gần hồ nước, gần rừng tre trúc và có bóng râm hoặc ngồi trên ghế đá. Đồ dùng trong bốn mùa khác nhau cũng khác nhau, đồ dùng vào mùa hè phải là màu trắng để giúp con người có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái vui vẻ. Về một khía cạnh nào đó, đây cũng là điều thuộc về dưỡng sinh quan.
Ngoài ra vào thời Càn Long, bên cạnh những quy định hà khắc trong việc phòng tránh nắng nóng, người ta còn áp dụng triệt để những ưu thế về các loại dược liệu của trung y trong giải nhiệt. Hoàng đế Càn Long còn ra quy định: Vào mùa hè, mỗi ngày 2 lần sáng tối phải đun nước cây hương nhu để ở trong cung và các lối ra vào để mọi người cùng ngửi thấy mùi hương. Vào thời nhà Thanh, loại “tủ lạnh” làm bằng gỗ để tích trữ băng đá từ thiên nhiên cũng được sử dụng rộng rãi. Khi đó loại dụng cụ này được gọi là “thùng băng”, nó thường được làm bằng các loại gỗ quý như gỗ lim, gỗ tử đàn, gỗ bách… Thùng có miệng rộng, đáy nhỏ, vẻ bề ngoài như hình cái phễu, mặt trên có một tấm gỗ dày làm nắp đậy, phần giữa có dây quấn bằng đồng, dưới có bốn chân để tránh bị ngấm nước. Trong lịch sử ghi chép vua Càn Long thọ 89 tuổi, điều này không thể không có liên quan tới việc chú ý dưỡng sinh vào bốn mùa của ông.
Người Việt duy nhất được Tần Thuỷ Hoàng đúc tượng, gả công chúa là ai?
Tần Thủy Hoàng binh chinh thiên hạ, thống nhất Trung Hoa, là bậc quân vương oai phong lừng lẫy, nhưng lại yêu mến và trọng ... |
Tại sao không được phá tường giữa các chiến binh trong lăng Tần Thủy Hoàng?
Trong lăng Tần Thủy Hoàng, giữa các hàng tượng đất nung luôn có những bức tường đất cao theo thứ tự. Vậy lý do gì ... |