Trong nhiều năm, ông Olaf Scholz - tân Thủ tướng Đức được biết đến với biệt danh “Scholzomat” (nghĩa là “Người máy Scholz”). Khi tranh cử chức vụ trong đảng, Scholz thường có kết quả tồi tệ. Tuy nhiên, ông đã cố gắng làm việc một cách âm thầm và hiệu quả trên con đường chính trị của mình.
Ông Olaf Scholz tiếp nối phong cách điều hành của bà Merkel nhưng được kỳ vọng sẽ có điểm đột phá |
Ngày 8-12 đánh dấu thời điểm nước Đức sang trang mới khi bà Angela Merkel chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền, chuyển giao cương vị Thủ tướng Đức cho ông Olaf Scholz. Olaf Scholz là một chính trị gia 63 tuổi, thành viên của Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD). Trong nhiều thập kỷ, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: thành viên Quốc hội, Thị trưởng thành phố cảng Hamburg (nơi ông sinh ra), Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng trong các chính phủ liên minh dưới thời bà Merkel.
Tuần báo Die Zeit đặt cho ông biệt danh “Người máy Scholz” vào năm 2003 bởi vì Scholz, lúc đó là Tổng thư ký SPD, có thói quen bảo vệ cải cách thị trường lao động trong các công thức phát biểu kỹ trị lặp đi lặp lại. Với tư tưởng ôn hòa, ông Scholz dường như ngoại lệ trong nhóm lãnh đạo SPD nên ban đầu không được ủng hộ. Nhưng chính trị gia này gần đây được đánh giá cao khi ông giám sát các chương trình hỗ trợ hào phóng dành cho các doanh nghiệp, nhân viên và những người bị mất thu nhập vì phải cách ly trong đại dịch Covid-19. Ngay khi đại dịch này tràn đến nước Đức, ông Scholz trên cương vị Bộ trưởng Tài chính đã hứa sẽ làm những gì cần thiết nhất. Khi đại dịch bùng phát, phương châm của ông Scholz là nước Đức có thể đương đầu với khủng hoảng về mặt tài chính. Đến năm 2022, Đức sẽ gánh khoản nợ mới 400 tỷ euro. Ông Scholz đã hứa trong chiến dịch tranh cử rằng, nước Đức sẽ có thể thoát khỏi nợ nần. “Không ai cần phải sợ điều này. Chúng ta đã xoay xở 1 lần, đó là cuộc khủng hoảng gần đây năm 2008-2009. Và nước Đức sẽ vượt qua lần nữa chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm” - ông nói. Ông cũng đã áp dụng cách tiếp cận tương tự để bảo vệ khí hậu. “Thực dụng nhưng hướng tới tương lai” là cách ông Scholz tóm tắt chương trình nghị sự của mình.
Ông cũng biết cách sử dụng các điểm mạnh đó để đưa mình trở thành tâm điểm. Quả thực, ông Scholz đã mất thời gian dài để biết rằng, chính trị cũng chính là việc đưa bản thân và thông điệp của mình trở thành tâm điểm chú ý để có thể thể hiện tốt cả 2 thứ. Trong chiến dịch tranh cử, ông tỏ ra dễ gần, thân thiện, thậm chí còn thay đổi cả cử chỉ, nét mặt để gần gũi hơn với mọi người. Một trong những lý do khiến ông Olaf Scholz và đảng của mình thắng thế trong cuộc bầu cử liên bang là ở ông, người Đức nhận thấy sự tiếp nối của phong cách điều hành của bà Merkel: Một người điềm tĩnh, vững vàng trong khủng hoảng và là một nhà lãnh đạo thực dụng luôn nỗ lực thỏa hiệp. Người đàn ông này được đánh giá là cánh tay phải của bà Merkel trong 4 năm qua, đồng thời cũng có được quyền lực lớn trong Chính phủ Đức và châu Âu khi đại diện cho Đức nói đến các chính sách của khối. Nhưng ông Scholz cũng có một vài điểm khác biệt mang dấu ấn cá nhân.
Ông Marcel Fratzscher - Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho biết: “Angela Merkel lớn lên ở Đông Đức. Bà ấy có cách nhìn khác, đặc biệt là về chính sách đối ngoại và chính sách của châu Âu”. Ông Fratzscher cho rằng, dưới sự dẫn dắt của Olaf Scholz, người sinh ra ở Tây Đức, nên nước Đức sắp tới sẽ liên kết hơn với Hoa Kỳ và tìm kiếm một Liên minh châu Âu thống nhất, quyết đoán hơn.
(Theo CNN/DW)
Từ Bộ trưởng Tài chính tới Thủ tướng Đức
Đức vừa công bố thỏa thuận thành lập liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) ... |