Tầm vóc ngành công nghiệp khí Việt Nam

Kỷ niệm mốc son lịch sử - 65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ, những thành tựu kỳ diệu của ngành Dầu khí Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng, Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes với mong muốn có thể phản ánh được những thành tựu kỳ diệu của ngành Dầu khí Việt Nam, những sự kiện trọng đại của ngành, các doanh nghiệp tiêu biểu… cũng như tinh thần lao động miệt mài, hăng say của người lao động Dầu khí qua các thời kỳ tại các nhà máy, công trường, dự án... Trong những thành tựu nổi bật ấy, xin giới thiệu bài về Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) – lá cờ đầu của ngành công nghiệp khí nước nhà.

Đi từ “không đến có”, biến nhiều điều “không thể thành có thể”, ngành công nghiệp khí Việt Nam luôn phát triển năng động, ngày càng lớn mạnh, chiếm vị thế hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Nguồn năng lượng không thể thiếu của quốc gia

Mỏ dầu Bạch Hổ được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đưa vào khai thác từ ngày 26/06/1986. Cho đến năm 1995, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô tại các giàn khai thác và phải đốt bỏ do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng. Cùng với sự gia tăng sản lượng dầu khai thác, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và tăng ô nhiễm môi trường. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế quốc dân. Với quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã từng bước xây dựng và lần lượt đưa các công trình khí vào hoạt động, hiện thực hóa mục tiêu khai thác, thu gom và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khí để phục vụ nhu cầu năng lượng, phát triển kinh tế đất nước. 

Sự kiện chào mừng dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995 

Từ tháng 5/1995, dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ, mở đầu cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí ở nước ta, đồng thời cũng mở ra một chương mới cho ngành Dầu khí Việt Nam. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi và lao động sáng tạo cũng như tận dụng tốt kinh nghiệm của thế giới thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, Petrovietnam/PV GAS đã từng bước xây dựng ngành công nghiệp khí Việt Nam lớn mạnh, trở thành nguồn năng lượng không thể thiếu của quốc gia, được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực: điện, công nghiệp, giao thông vận tải, dân dụng,…Những thành tựu vượt bậc

Qua gần 34 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp khí trở nên thực sự lớn mạnh, hiện đại. Đến nay chúng ta đã sở hữu hạ tầng công nghiệp khí hoàn chỉnh ở tất cả các khâu: thu gom – xuất, nhập khẩu – vận chuyển – chế biến - tồn trữ - kinh doanh khí và sản phẩm khí. PV GAS hiện sở hữu 5 hệ thống khí với tổng chiều dài trên 1.500km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 15 tỷ m3/năm; hệ thống kho chứa LPG có công suất gần 150 nghìn tấn trên toàn quốc; hệ thống trạm phân phối/chiết nạp khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc,... Hệ thống công trình khí của PV GAS không ngừng được mở rộng/nâng cấp/hoàn thiện. Năm 2023, PV GAS đã đưa vào vận hành kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải, lần đầu tiên đưa sản phẩm LNG nhập khẩu về Việt Nam, bổ sung nguồn cung cấp khí khoảng 1,4 tỷ m3/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực quốc gia, phát triển kinh tế đất nước. PV GAS cũng tham gia tích cực và khẳng định được uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế. 

 Ngành công nghiệp khí mở rộng nguồn năng lượng đến mọi miền Tổ quốc 

Với vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, hiện nay mỗi năm PV GAS vận chuyển và cung cấp 8 – 10 tỷ m3 khí/năm, đảm bảo nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất gần 10% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, 70% thị phần bán buôn LPG toàn quốc và khoảng 11% thị phần bán lẻ LPG cả nước; doanh thu của PV GAS đạt 3,5 -  4 tỷ USD/năm và lợi nhuận trước thuế 500 - 700 triệu USD/năm; nộp NSNN khoảng 300 triệu USD/năm; tổng tài sản khoảng 3,6 tỷ USD;… là lá cờ đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; là doanh nghiệp tiêu biểu được ghi nhận, vinh danh trong nhiều bảng xếp hạng uy tín trong và ngoài nước. 

Cùng với việc phát triển hệ thống, công trình khí, đội ngũ cán bộ, công nhân viên PV GAS không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, làm chủ hầu hết các khâu của lĩnh vực khí, cả các khâu/lĩnh vực trước đây chỉ do chuyên gia, nhân sự nước ngoài đảm nhiệm.

Có thể nói, việc tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí thay cho các nguyên liệu truyền thống để sản xuất điện, cũng như trong các ngành công nghiệp, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ USD mỗi năm so với sử dụng các nguồn năng lượng khác và góp phần rất lớn vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do là một ngành công nghiệp năng lượng, nên công nghiệp khí có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, không riêng gì điện, đạm mà rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội cần đến năng lượng cho sự phát triển, cần đến nguồn khí. Vì vậy, các dự án khí được xem là các dự án có tính đột phá, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng kinh tế.

Tiên phong trong chặng đường mới

Nhìn xa hơn, trong giai đoạn sắp tới, ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung và PV GAS nói riêng dự kiến sẽ chịu tác động bởi xu thế chuyển dịch năng lượng, sự gia tăng nguồn năng lượng tái tạo; bên cạnh đó việc triển khai các dự án khí - điện vẫn còn nhiều tồn tại chưa thể giải quyết do liên quan nhiều bên/nhiều yếu tố trong cả chuỗi khí – điện từ thượng nguồn đến hạ nguồn; các dự án LNG gặp nhiều thách thức liên quan đến nguồn cung, thị trường cũng như các cơ chế chính sách đặc thù,.... Ngành công nghiệp khí Việt Nam mà PV GAS là đơn vị dẫn đắt, cũng vì thế dần bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển. Trong giai đoạn định hình của ngành năng lượng, cũng như thị trường năng lượng Việt Nam, mở ra cho PV GAS những cơ hội, lẫn thách thức đan xen.

Trước những đòi hỏi của giai đoạn mới, cùng với định hướng phát triển: “Xây dựng, phát triển PV GAS thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp khí, giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường khí của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, PV GAS đã có một quá trình chuẩn bị tương đối dài để duy trì và tiếp nối chuỗi phát triển của mình. Trong đó, PV GAS đã, đang và sẽ tập trung triển khai các giải pháp gia tăng hiệu quả khai thác của hệ thống các công trình khí hiện hữu, bên cạnh chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của PV GAS; đẩy mạnh phát triển thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hộ tiêu thụ. Thị trường của PV GAS được định hướng phải được mở rộng và phát triển trên cơ sở củng cố thị trường truyền thống/khách hàng truyền thống. Thị trường truyền thống sẽ là nền tảng vững chắc, là xung lực để xây dựng và phát triển thị trường mới/sản phẩm mới/khách hàng mới bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng mới có tính chất đón đầu xu thế có giá trị gia tăng cao, đem lại hiệu quả bền vững và dài hạn cho PV GAS. Theo đó, sản phẩm mới mang tính chủ lực trong tương lai của PV GAS sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), các sản phẩm chế biến và chế biến sâu từ khí cũng như các sản phẩm năng lượng xanh hydrogen và amonia.

 Tích cực, chủ động quản lý nguồn năng lượng phục vụ đất nước 

Bên cạnh đó, PV GAS sẽ đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng trên nguyên tắc “Đầu tư đột phá nhưng phải có trọng tâm trọng điểm đáp ứng mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và chiếm lĩnh thị trường”; Chủ động/phối hợp xây dựng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khí/LNG; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tận dụng cơ hội triển khai các công việc/dự án ngay khi các cơ chế chính sách có hiệu lực; Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quản trị/điều hành, áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm quản lý nội bộ (các quy chế, quy trình,...); Đẩy mạnh triển khai ERP và chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp PV GAS theo chiều sâu; Tăng cường hợp tác thông qua các liên kết chuỗi trong và ngoài ngành, trong nước và nước ngoài; tham gia một cách chủ động vào xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu; phát triển đa dạng các hoạt động dịch vụ...

Nêu cao phương châm: “Đoàn kết -  Trách Nhiệm – Hành động – Sáng tạo – Phát triển”, với tiềm lực về cơ sở vật chất, tài sản, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm và uy tín tích lũy được qua gần 34 năm hoạt động; cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi các nhiệm vụ, tập thể Ban lãnh đạo và người lao động, PV GAS đã khẳng định được vị thế của đơn vị dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam và tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước; ghi thêm những mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Có thể nói, ngành công nghiệp khí nước ta trong những năm qua đã có những bước tiến vững vàng, đầy thuyết phục và tương lai vẫn đang hứa hẹn đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài, đồng hành trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, bước tiếp hành trình vươn ra biển lớn – “Hành trình năng lượng xanh”. 

 https://www.pvgas.com.vn/bai-viet/tam-voc-nganh-cong-nghiep-khi-viet-nam

 
PV / Cổng thông tin điện tử PV GAS