Khi tài xế dùng tiền lẻ và tiền xu để mua vé qua trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), nhân viên của trạm đã từ chối bán với lý do tiền xu bị cấm lưu hành.
Khoảng 20h30 ngày 31/12, tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (trú Vĩnh Long) điều kiển ôtô đi trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đến trạm BOT Cầu Rác (xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng để mua vé giá 35.000 đồng.
Sau khi kiểm đếm, nữ nhân viên bán vé thông báo tài xế mới đưa 34.600 đồng, còn thiếu 400 đồng. Anh Nghĩa đưa thêm một đồng tiền xu mệnh giá 500 đồng song bị từ chối giao dịch với lý do tiền này đã bị cấm lưu hành. Cô này trả lại tiền cho tài xế rồi đóng cửa buồng thu phí.
Trạm thu phí Cầu Rác. Ảnh: Đức Hùng |
Không thể mua vé, xe của tài xế Nghĩa bị rào chắn ngăn không cho di chuyển qua trạm. Một số người ngồi trên xe đã sử dụng điện thoại quay lại tình huống này và đưa lên mạng xã hội, đồng thời gọi điện nhờ Công an huyện Cẩm Xuyên tới giải quyết.
"Nhân viên không nhận tiền xu và đóng cửa giao dịch là quá vô lý, buộc chúng tôi phải thông báo với cơ quan chức năng", tài xế Nghĩa nói.
22h cùng ngày, nhà chức trách đến hiện trường, mời chủ phương tiện cùng nhân viên trong ca trực bán vé tới trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên làm việc.
Nhân viên trạm BOT Cầu Rác đếm tiền lẻ của tài xế. Ảnh: Đ.H |
Trung tá Dương Xuân Quang, Phó trưởng công an huyện Cẩm Xuyên, cho biết tài xế Nghĩa và nhóm bạn giải thích "không có động cơ gì", việc trả tiền lẻ để qua trạm là giao dịch bình thường.
"Chúng tôi xác định sự việc này có lỗi từ hai phía, tất cả đều xử sự không tốt. Nhà chức trách đang điều tra sự việc, sắp tới sẽ mời những người liên quan tới công bố kết quả", trung tá Quang nói.
Trưa 1/1, tài xế Nghĩa cùng bạn tiếp tục hành trình vào Nam, khi qua trạm BOT Cầu Rác, một người trong nhóm đưa xấp tiền lẻ cùng tiền xu 500 đồng để mua vé. Lần này, sau khi kiểm đếm được số tiền 35.100 đồng, nhân viên đã chuẩn bị tiền để đưa lại 100 đồng. Nhóm người trên ôtô tươi cười nhận, chúc nhân viên đón năm mới vui vẻ.
Nhân viên trạm thu phí trả lại 100 đồng còn thiếu cho tài xế vào trưa 1/1. Ảnh: Đ.H |
Đại diện Công ty TNHH hạ tầng Sông Đà, đơn vị vận hành trạm BOT Cầu Rác, cho biết đang chờ báo cáo của cấp dưới để xử lý sự việc. "Những đồng tiền đang lưu hành trên thị trường, do Ngân hàng Nhà nước phát hành, chúng tôi đều cho áp dụng, không cấm giao dịch", vị đại diện nói.
Trạm thu phí Cầu Rác được xây dựng để hoàn vốn cho quốc lộ 1A. Năm 2009 tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh dài 16 km từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) được xây theo hình thức BOT đi vào hoạt động và trạm Cầu Rác được giữ nguyên để hoàn vốn cho công trình này. Tháng 4/2016, nhiều người dân huyện Cẩm Xuyên xuống đường, điều khiển xe tải ben loại dưới 8 tấn và ôtô 4 chỗ tập trung đầu trạm thu phí Cầu Rác, treo băng rôn có dòng chữ "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao lại phải trả phí". Nhiều người còn dùng tiền lẻ thấm nước trả tiền mua vé rồi cho xe đi chậm qua trạm để phản đối. Ngày 27/4/2016, Tổng công ty Sông Đà thống nhất giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí Cầu Rác (đặt tại xã Cẩm Trung), cho phương tiện của người có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp trụ sở chính ở huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). |
Giảm phí qua trạm BOT Nam Bình Định
Ngày mai, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định bắt đầu thực hiện giảm giá vé qua trạm thu phí ở thị xã An ... |
Trạm BOT ở Nghệ An giảm nửa phí cho dân địa phương
Từ 1/1/2018, trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An) sẽ giảm phí một nửa cho phương tiện của người dân địa phương, chưa giảm phí ... |