Tại sao ngày Thất tịch thường mưa?

Ngày 7/7 Âm lịch thường có mưa, dân gian nói đó là nước mắt mừng tủi của Ngưu lang Chức nữ khi gặp lại, bạn có biết vì sao ngày Thất tịch lại mưa?

Ngày Thất tịch diễn ra vào mùng 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm, được gọi là ngày lễ tình yêu của nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Một hiện tượng thiên nhiên thú vị được ghi nhận vào dịp này, đó là mưa ngâu. 

Tại sao ngày Thất tịch lại mưa?

Nói về mưa trong ngày Thất tịch, đầu tiên chúng ta phải ôn lại câu chuyện tình yêu bi thương của Ngưu lang (chàng chăn bò) và Chức nữ (cô gái  dệt vải), cặp đôi tạo nên biểu tượng của ngày này. Do một người là phàm nhân, một người là tiên nữ, cuộc hôn nhân của họ bị coi là trái luật trời nên bị trời chia cắt. Ngày ngày, họ chỉ có thể đau đáu hướng về nhau từ hai bên bờ sông Ngân, chỉ được phép gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất tịch. Những con quạ sẽ lấy thân mình tạo nên một cây cầu giúp họ đoàn tụ.

Trong văn hóa dân gian, những giọt mưa rơi vào ngày Thất tịch được xem là những giọt lệ vui mừng của Ngưu lang và Chức nữ lúc gặp lại nhau sau một năm trời xa cách, cũng là giọt nước mắt buồn tủi vì sẽ phải chia tay vào cuối ngày, tiếp tục xa nhau 12 tháng đằng đẵng. Cơn mưa được tạo nên từ nước mắt yêu thương, hạnh phúc và đau khổ ấy của vợ chồng Ngưu lang được gọi là mưa ngâu (cách đọc chệch của từ "ngưu").

Tại sao ngày Thất tịch thường mưa? (Ảnh: Pinterest)

Tại sao ngày Thất tịch thường mưa? (Ảnh: Pinterest)

Trên thực tế, ngày 7/7 Âm lịch thường hay mưa. Vậy hiện tượng này có thể lý giải ra sao về mặt khoa học?

Ngày Thất tịch đến vào thời điểm nhiều khu vực châu Á đang ở trong mùa hè hoặc giai đoạn chuyển mùa hè - thu, thường đi kèm với những cơn mưa giông bất chợt. 

Mùa hè, nước bốc hơi mạnh, tạo thành những đám mây lớn; độ ẩm trong không khí đạt tới mức bão hòa sẽ gây ra mưa. Những ngày nằm ở ranh giới các mùa dễ xảy ra mưa lớn hơn do va chạm giữa khối không khí nóng và lạnh.

Đúc kết kinh nghiệm về thời tiết mùa ngâu, dân gian có câu tục ngữ "Vào mùng 3, ra mùng 7", nghĩa là sẽ có mưa từ ngày mùng 3 đến mùng 7, từ ngày 13 đến 17 và/hoặc từ ngày 23 đến 27 Âm lịch. Thi hào Nguyễn Du cũng có câu thơ: "Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt". Đặc điểm của mưa ngâu là rải rác, rả rích từng cơn, có ngày ít, có ngày nhiều chứ không liên tục.

Tuy nhiên, hiện tượng mưa ngâu vào ngày Thất tịch không phải năm nào cũng có. Mưa ngâu có thể đến muộn hơn hoặc không có mưa vào ngày 7/7 Âm lịch.

Vào những ngày Thất tịch không mưa, người ta có thể ngắm sao Ngưu lang và sao Chức nữ tỏa sáng trên trời. Các đôi lứa có thể chỉ sao mà thề hẹn rằng dù có trải qua bao nhiêu trở ngại cũng sẽ cố gắng vượt qua để được ở bên nhau. Nhiều người tin rằng, các cặp đôi yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu lang Chức nữ trong đêm mùng 7/7 Âm lịch thì sẽ tình duyên viên mãn. 

Các hoạt động trong ngày Thất tịch

Đối với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là "dân FA", ngày Thất tịch giống như ngày lễ tình yêu, và dưới đây là những hoạt động phổ biến trong dịp này:

Lễ Thất tịch năm 2024 sẽ rơi vào thứ Bảy ngày 10/8 Dương lịch.  (Ảnh: Vecteezy)
Lễ Thất tịch năm 2024 sẽ rơi vào thứ Bảy ngày 10/8 Dương lịch.  (Ảnh: Vecteezy)

- Ăn chè đậu đỏ cầu nhân duyên: Theo truyền thuyết, đậu đỏ được coi là thực phẩm may mắn trong ngày Thất tịch. Đậu đỏ có ý nghĩa cầu mong đường nhân duyên thuận lợi, người độc thân "thoát ế", người đã có đôi thì bên nhau trọn kiếp. Nhiều món ăn từ đậu đỏ như chè đậu đỏ, xôi đậu đỏ hay bánh đậu đỏ rất phổ biến trong ngày này.

- Đi chùa cầu duyên: Trong ngày Thất tịch, nhiều người tới chùa để thắp hương, cầu duyên, cầu uyên ương bên nhau trọn đời. Đây là một cơ hội để tâm hồn thanh tịnh, gửi gắm những ước nguyện chân thành và cầu mong cho một mối quan hệ bền vững, đầy yêu thương.

- Tặng quà cho người thương: Hoạt động này thể hiện tấm lòng thành của bạn, thể hiện mong ước gắn bó lâu dài với người yêu, bạn đời. 

Vào ngày Thất tịch, hiếm gia đình nào tổ chức dạm hỏi, làm đám cưới. Cuộc hôn nhân đầy nước mắt dù yêu thương thắm thiết của Ngưu lang Chức nữ khiến dân gian lo lắng cuộc hôn nhân sẽ không suôn sẻ nếu cưới hỏi vào ngày cặp đôi này ôm nhau khóc. Không ai muốn vợ chồng mình bị chia cắt quanh năm, để phải "rửa mặt bằng nước mắt" như ông Ngâu bà Ngâu.

Cũng ít người khởi công xây, sửa nhà dịp này. Với những người có gia đình, nhà nghĩa là tổ ấm. Nhiều người lo rằng việc khởi công xây nhà, sửa nhà trong ngày sẽ đem lại kết cục không hay cho mối tình hay cuộc hôn nhân. Về phương diện thực tế, xây sửa nhà trong thời gian này đúng là không tốt, vì thời tiết mưa ngâu rả rích cực kỳ bất lợi cho việc xây dựng.

https://vtcnews.vn/tai-sao-ngay-that-tich-thuong-mua-ar888206.html

Nhật Thủy / VTC News