Tài sản từ đại án tham nhũng: Không để tẩu tán

Điều tra sai phạm trong dự án TCty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Cty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) cho thấy, nhiều quan chức đã nhận số tiền hối lộ lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên hiện nay công tác khắc phục hậu quả đối với những người nhận hối lộ còn khá ít ỏi. Về việc này, nhiều người nhận định rằng, việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có phải được thực hiện một cách triệt để, nghiêm minh, tránh thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước.

Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng nhận 3 triệu USD khắc phục chỉ mới 500 triệu đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an - vừa có kết luận điều tra vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Tổng Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG). Cơ quan CSĐT chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đề nghị truy tố hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220, BLHS 2015) và Nhận hối lộ (Điều 354, BLHS 2015).

Theo kết luận điều tra, trong quá trình MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG, ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG), nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc mong muốn ông Son chỉ đạo bán được sớm cổ phần. Ông Son biết nhiệm kỳ bộ trưởng đến tháng 4.2016 là hết nên muốn có dấu ấn tạo ra cho MobiFone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Mặt khác, ông Son nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Sau khi hoàn thành dự án, MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Son (tại Hà Nội) đưa cho ông Son 3 triệu USD. Theo cơ quan chức năng, ông Son nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG. Ông Son nhận thức số tiền nhận từ ông Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Quá trình điều tra cũng làm rõ bị can Lê Nam Trà, cựu chủ tịch HĐTV Mobifone, khai quá trình thực hiện dự án, ông Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ số tiền 2,5 triệu USD. Do nhận thức được việc nhận tiền từ ông Vũ là sai, vi phạm pháp luật nên ông Lê Nam Trà đã đề nghị xin được khắc phục toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, ông Trà còn khai dịp Tết âm lịch 2016 đã biếu ông Nguyễn Bắc Son số tiền 700.000USD, trong đó có 500.000USD nhận từ ông Vũ. Tuy nhiên, ông Trà xác định đây là việc dân sự cá nhân giữa ông với ông Son nên không yêu cầu đề nghị xem xét trong vụ án.

Bị can Cao Duy Hải, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Mobifone cũng, khai vào tháng 4.2016, ông Phạm Nhật Vũ đến phòng làm việc của ông Hải tại cơ quan tòa nhà Mobifone và đưa 500.000USD. Ông Hải cũng có đơn xin nộp lại toàn bộ số tiền trên để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Thu hồi triệt để, không để tẩu thoát tài sản tham nhũng

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, hiện nay việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng là rất ít. Theo ông Hòa, khi một ai đó tham nhũng thì họ đã tẩu tán tài sản như chuyển cho người này người nọ trong gia đình... Còn tài sản của người tham nhũng thì rất ít. Việc này không phải là tình trạng mới có mà diễn ra từ lâu. Đây là hành vi tẩu tán tài sản lấy tiền nhà nước, rất nguy hiểm. “Tôi nghĩ cơ quan điều tra, đặc biệt là cơ quan phòng chống tham nhũng cần căn cứ vào Luật Phòng chống tham nhũng phải phối hợp với nhau thu hồi triệt để tài sản người tham nhũng, không để thất thoát” - ông Hòa nói và cho biết, người tham nhũng rất ít khi tự nguyện khắc phục phần đã tham nhũng nên vấn đề này là một trong những khó khăn trong việc thu hồi.

tai san tu dai an tham nhung khong de tau tan
Cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà được xác định nhận hối lộ 2,5 triệu USD trong thương vụ MobiFone mua AVG. Ảnh: P.V

Ngoài ra, theo ông Hòa cần phải truy nguồn gốc tham nhũng đó từ đâu, rõ ràng anh A hay anh B tham nhũng thì phải thu hồi tài sản của người đó chứ không thể thu của người khác. Việc thu hồi lại tài sản tham nhũng là một cách khắc phục hành vi nhân văn, cần phải làm sao để người đó trả lại, hoàn lại. Cũng theo ông Hòa, trong các vụ tham nhũng, khi cá nhân đó tự nguyện nộp tài sản đã tham nhũng thì mới nên xem xét việc giảm án. “Ít ra cũng phải khắc phục được 80 đến 90% số tiền tham nhũng. Còn tài sản thất thoát không thu hồi được, không trả được hay chỉ khắc phục được 5% thì cơ quan tư pháp, đặc biệt là VKS, Công an không nên cho giảm án”. ông Hòa cho rằng, cơ quan tư pháp phải suy nghĩ kỹ, căn cứ vào luật tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng và các luật có liên để thực thi nghiêm minh, cốt lõi là thu hồi được tài sản tham nhũng cho nhà nước đó mới căn cơ, cốt lõi.

Trong thương vụ MobiFone mua AVG, cơ quan điều tra xác định trong tổng số 6,2 triệu USD đưa và nhận hối lộ bị phát hiện, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận 200.000USD, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD.

Thương vụ MobiFone mua AVG: Thiệt hại hơn 7.000 tỉ đồng

Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố các bị can Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc MobiFone), Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang cùng các phó tổng giám đốc MobiFone gồm Nguyễn Đăng Nguyên, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng, tội danh quy định tại Điều 220, BLHS 2015. Ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG) tội Đưa hối lộ, theo Điều 364, BLHS 2015. Ngoài tội danh quy định tại Điều 220, ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn bị đề nghị truy tố theo Điều 354, BLHS 2015 cùng với ông Son, Tuấn. Theo kết luận điều tra việc mua AVG với giá cao đã gây nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước tại MobiFone hơn 7.000 tỉ đồng.

tai san tu dai an tham nhung khong de tau tan Thủ đoạn của tội phạm tham nhũng, kinh tế ngày càng tinh vi
tai san tu dai an tham nhung khong de tau tan Giáo dục – Dù muốn bênh nhưng đành phải nói cho ra nhẽ
tai san tu dai an tham nhung khong de tau tan Nhiều vướng mắc trong giám định tư pháp vụ án tham nhũng
 

/ laodong.vn