Tài phiệt Trung Quốc gây nghi kỵ ở Australia

Hoàng Hướng Mặc giao thiệp với những chính trị gia hàng đầu Australia, nhưng ông còn liên quan đến những tổ chức thân cận với Bắc Kinh. 

Doanh nhân Hoàng Hướng Mặc đang sống tại một khu thượng lưu ở Hong Kong, lẩn tránh khoản nợ thuế 100 triệu USD với chính phủ Australia.

Tuy nhiên, nợ thuế không phải là lý do duy nhất khiến nhà tài phiệt Trung Quốc có lối sống xa hoa và mạnh tay chi tiền trong chính trường này trở thành tâm điểm chú ý tại Australia. Cuộc điều tra ông này được coi là động thái tìm hiểu sâu mạng lưới những người thân Bắc Kinh và nỗ lực gây ảnh hưởng của họ ở Australia, nước đang cố gắng cân bằng giữa một bên là sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, một bên là mối quan hệ quân sự và chia sẻ thông tin lâu đời với Mỹ.

Tài phiệt Hoàng Hướng Mặc. Ảnh: Australian.

Các nước phương Tây đang chào đón các nhà đầu tư nước ngoài giàu có từ Trung Quốc, nhưng dần dà họ nhận ra nhiều người muốn giúp Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự. Trong hai năm qua, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh là đề tài được bàn luận nhiều ở Australia. Những chính trị gia được cho là liên quan đến lợi ích của Trung Quốc đã đối mặt với ánh mắt nghi ngờ của công chúng.

Hoàng Hướng Mặc sinh ra ở Triều Châu. Sau khi thành công trong lĩnh vực phát triển bất động sản ở Triều Sán, nam Trung Quốc, Hoàng chuyển đến Australia năm 2013, đầu tư vào trung tâm mua sắm, chung cư và văn phòng.

Ông mua một ngôi nhà đẹp tại một trong những vùng ngoại ô giàu có nhất Sydney, làm mạnh thường quân của các tổ chức giáo dục và từ thiện nổi tiếng, trở thành lãnh đạo của một số nhóm thân cận với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Alex Joske, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết.

Độ giàu có và những khoản đóng góp chính trị hào phóng của Hoàng đã khiến ông trở thành khách mời thường xuyên tại các buổi gây quỹ có sự xuất hiện của các chính trị gia cao cấp, bao gồm Malcolm Turnbull, thủ tướng Australia năm 2015 - 2018, Julie Bishop, ngoại trưởng năm 2013 - 2018, và Bill Shorten, cựu lãnh đạo Công đảng. Shorten còn tham dự đám cưới con gái Hoàng tại Sydney ba năm trước.

Mạng lưới quan hệ rộng của Hoàng với những người quyền lực cũng thu hút sự quan tâm của các cơ quan tình báo. Năm 2016, chính trị gia Công đảng Sam Dastyari cảnh báo Hoàng rằng điện thoại của ông có thể bị các cơ quan chính phủ theo dõi. Hành động này đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Dastyari khi nó bị tờ Sydney Morning Herald tiết lộ một năm sau đó.

Việc Hoàng tham gia các tổ chức thân Bắc Kinh và mối liên hệ của ông với các chính trị gia cao cấp khiến nhiều người suy đoán ông thúc đẩy các chính sách được chính phủ Trung Quốc ủng hộ. Ông Turnbull, khi còn là thủ tướng Australia, cho rằng các khoản quyên góp của Hoàng đã khiến Dastyari đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Hoàng không đưa ra bình luận. Luật sư, vợ và con trai ông cũng không phản hồi email yêu cầu bình luận.

Năm 2015, Hoàng đã đích thân mang túi tiền chứa 100.000 AUD (70.000 USD) đến trụ sở Công đảng ở bang New South Wales. Luật của bang cấm các nhà phát triển bất động sản quyên tiền cho đảng phái chính trị. Khi một cuộc điều tra pháp lý tại Sydney hồi tháng trước phanh phui khoản quyên góp, quan chức hành chính hàng đầu của đảng buộc phải từ chức.

Hoàng từ chối đưa ra bằng chứng trong cuộc điều tra, hồ sơ công khai các khoản quyên góp cho thấy số tiền này đến từ 10 nhân viên tại một nhà hàng Trung Quốc ở Sydney, nơi Hoàng đã ăn tối với Shorten và các chính trị gia Công đảng khác. Khi các nhà điều tra yêu cầu thẩm vấn một trong những cấp dưới của Hoàng là Leo Liao về số tiền này, Leo đã tự tử.

Các quan chức Australia đang thu thập thông tin về mạng lưới của Hoàng ở Australia. Ross Babbage, cựu giám đốc phân tích chiến lược tại cơ quan tình báo Văn phòng Đánh giá Quốc gia, nói rằng giới quan chức Australia có thể quan tâm đến việc sử dụng vụ điều tra này để "làm sáng tỏ một số thực tế" về tầm với của Trung Quốc ở Australia.

Các quan chức thuế gửi báo cáo lên tòa án nói rằng Hoàng đã tuyên bố có chưa đến 35.000 USD tài sản bên ngoài Australia và thu nhập khoảng một triệu USD năm 2012 - 2015. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng ông thực tế thu được 120 triệu USD trong khoảng thời gian đó.

Australia hủy thị thực của Hoàng một ngày sau khi ông về Trung Quốc vào tháng 12/2018. Vợ của Hoàng rời Australia vào hôm 11/9, ngày hai vợ chồng nhận được yêu cầu đóng khoản thuế còn thiếu. 5 ngày sau, một tòa án liên bang đóng băng tài sản của Hoàng ở Australia với giá trị lên tới 100 triệu USD. Hoàng được cho là đang sống ở Hong Kong, nơi ông sở hữu căn hộ 66 triệu USD.

"Số tiền nợ thuế khá lớn và có rủi ro là nếu chúng tôi không ra lệnh đóng băng, tài sản sẽ bị đưa ra khỏi Australia hoặc tẩu tán theo cách khác", thẩm phán Anna Katzmann viết.

Hoàng đã cắt đứt quan hệ với doanh nghiệp Australia của mình, Yuhu Group, công ty được điều hành bởi con trai ông, Jimmy. Yuhu không đáp ứng yêu cầu bình luận.

Phương Vũ (Theo Washington Post)

 

Bi kịch làm dâu gia tộc tài phiệt Hàn Quốc: Sống như ở tù, chi tiêu dè xẻn
Hai tài phiệt Trung Quốc mất 8 tỷ USD vì đòn trừng phạt của Mỹ
Cuộc sống làm dâu không phải toàn màu hồng của sao nữ châu Á lấy nhà tài phiệt lừng danh
Tài phiệt Trung Quốc có thể bị xét xử sớm vì thao túng cổ phiếu
Những tài phiệt bí ẩn trong giới tiền ảo
Tài phiệt Trung Quốc chết vì ngã khi đi nghỉ ở Pháp
/ vnexpress.net