Chiều nay, hai bé song sinh dính liền đã được tách rời thành công và chuyển sang giai đoạn chỉnh, tạo hình các cơ quan.
Hai bé Diệu Nhi và Trúc Nhi là con của một sản phụ ở quận 9 (TP.HCM) được chẩn đoán thai đôi dính nhau ngay từ trong bụng mẹ. Hai bé được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh vào tháng 6/2019, sau đó tiếp tục chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố để điều trị, chăm sóc.
Chứng kiến quá trình hai bé từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi được sinh ra với hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan chung, BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết các bác sĩ đã mường tượng được sự dính nhau phức tạp của hai con.
Tuy nhiên, ba mẹ của hai bé vẫn quyết tâm nuôi dưỡng hai con cho đến ngày chào đời.
“Ngày ấy, bé Diệu Nhi yếu ớt, nhưng đã thật mạnh mẽ vượt qua một hành trình đầy sóng gió trong thời kỳ sơ sinh thiếu tháng để bảo toàn sự sống cho cả hai”, BS Định nhớ lại tính mạng của hai bé tưởng chừng không giữ lại được.
Trường hợp song sinh dính liền như Trúc Nhi - Diệu Nhi là vô cùng hiếm gặp. Theo ước tính, trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời cực kì hiếm gặp, tỉ lệ 1/200.000 trẻ sinh sống, trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu của hai bé.
Hai bé trước khi được tách rời |
Cụ thể, hai bé có chung một phần hồi tràng, một khung đại tràng và chỉ có một lỗ hậu môn; có hai bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được hai niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng một bé; có tử cung âm đạo đôi. Ngoài ra, hai bé còn có hở khớp mu, khung chậu hai bé lại xếp thành một vòng tròn.
Hơn một năm theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, hai bé đạt 15 kg, các chỉ số phát triển gần với trẻ bình thường. Cha mẹ và các y bác sĩ mong muốn hai em có một cơ thể hoàn chỉnh, độc lập, được có cơ hội như những trẻ em lành mạnh khác nên quyết định phẫu thuật tách liền và tái tạo phần cơ thể khiếm khuyết cho các em.
BS Định cho biết để đi đến quyết định mổ tách rời cho hai bé vào sáng 15/7, các y bác sĩ đã hội chẩn không đếm nổi trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Có gần 100 y bác sĩ bắt đầu tiến hành ca mổ tách rời cho cặp song sinh. Ca đại phẫu có 9 chuyên gia (gồm 8 bác sĩ, 1 điều dưỡng), ê-kíp ngoại viện gồm 14 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng. Ê-kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Các bác sĩ tiến hành ca tách rời cặp song sinh phức tạp nhất Việt Nam. |
Đúng 9 giờ 51 phút, sau khi 2 bé được tiến hành gây mê, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Trưởng ê kip phẫu thuật rạch da đường đầu tiên bắt đầu cuộc mổ. Sau đó lần lượt các chuyên gia, bác sĩ thực hiện chia đôi ruột, tách quang, niệu quản, tử cung….
Sau đó, TS.BS Trần Văn Dương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng nhóm phẫu thuật tạo hình bắt đầu rạch da, cân cơ và mở bụng hai bé. Nhóm phẫu thuật ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi ruột.
Bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, thành viên ê-kíp mổ, cho biết việc chuẩn bị trước phẫu thuật tốt nên diễn tiến từ gây mê, sắp tư thế đúng dự kiến.
Các bác sĩ đã chia nửa đầu đại tràng cho bé Trúc Nhi, nửa cuối kèm hậu môn thật cho Diệu Nhi. Việc tách cơ quan tiêu hóa của hai bé diễn ra thuận lợi.
Sau khi thực hiện thành công thì phẫu thuật thứ 2, hiện 2 bé được chuyển sang thì phẫu thuật thứ 3, dự kiến kéo dài trong 4 tiếng, là giai đoạn tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan vùng bụng cho 2 bé.
Phẫu thuật viên tiếp tục cố định khớp mu, tạo hậu môn tạm, đóng cân cơ thành bụng, khép da hoàn chỉnh và bó bột cố định. Sau đó bệnh nhi được chuyển tới phòng hồi sức.
Trước khi diễn ra ca phẫu thuật, các bác sĩ nhận định tỷ lệ cứu sống trên y văn cả 2 bé là 74%. Với cuộc đại phẫu vô cùng phức tạp, kéo dài khoảng 12 tiếng đồng hồ, các bác sĩ dự kiến mỗi bé mất khoảng 250-500ml máu. Để có máu cho hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
PV (th)