“Sau khi công bố nghiên cứu gen của người Việt, có rất nhiều ý kiến từ ngạc nhiên đến trái chiều, tiêu cực, tôi phải khóa bình luận Facebook”.
Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu về bộ gen của Người Việt" thuộc Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) vừa được công bố trên Tạp chí Di truyền quốc tế Human Mutation (IF 4,5).
Nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia và cả độc giả khi đưa ra công bố: "Nguồn gốc của người Việt gần gũi với người Thái và khác xa so với bộ gen của người Hán (Trung Quốc).
Tranh cãi nảy lửa về nguồn gốc người Việt
Theo GS Liêm, kết quả "Nghiên cứu về bộ gen của người Việt" cho thấy, quần thể người Việt chỉ có hơn 70.000 đột biến gen. Trong đó, đáng chú ý, gen của người Việt khá gần gũi với gen của người Thái và khác rất xa so với bộ gen của người Hán ở phía Bắc.
Nghiên cứu được cho sẽ là cơ sở tham chiếu rất đầy đủ từ trước đến nay về gen người Việt, qua đó giúp tìm ra căn nguyên của một số bệnh để tìm ra hướng phòng, chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi được công bố, nghiên cứu vấp phải không ít những ý kiến khác nhau. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên về nguồn gốc của người Việt có xuất phát từ người Thái, nhưng cũng có không ít những ý kiến trái chiều, thậm chí tiêu cực khi cho rằng, người Việt “phải” có nguồn gốc từ người Hán (Trung Quốc).
Thậm chí, có những quan điểm tỏ ra khá gay gắt khiến GS.TS Nguyễn Thanh Liêm phải khóa tính năng bình luận trên facebook cá nhân để tránh gây tranh cãi.
GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu về bộ gen của Người Việt" thuộc Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) |
“Nhiều người hiện nay luôn mặc định nguồn gốc của người Việt ta là xuất phát từ người Hán nên có sự tranh luận trên mạng xã hội. Sau khi tìm hiểu tôi thấy những người phản đối kết quả nghiên cứu trên khá cực đoan, họ còn dùng những lời lẽ rất khiếm nhã, không tích cực khi bình luận về nguồn gốc của người Việt. Vì vậy mà tôi phải khóa bình luận trên facebook của mình”, GS Liêm nói.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, hệ gen của người Việt tuy “nằm cạnh” với hệ gen của người Hán, cũng có sự giao thoa nhưng chống “xâm lấn” và khác rất nhiều. Điều này khiến ông khá ngạc nhiên. Bởi như vậy, mặc dù sau thời gian hàng nghìn năm bị đô hộ, nhưng người Việt vẫn giữ được ngôn ngữ, bản sắc, thậm chí cả bộ gen vẫn còn nguyên.
“Với những người nghiên cứu như chúng tôi thì kết quả này khá kỳ lạ. Nó thể hiện được bản sắc của người Việt vẫn giữ nguyên theo thời gian mà còn chứng minh được sức sống mãnh liệt của chúng ta khi vẫn giữ được ngôn ngữ và cả bộ gen riêng biệt, khác với gen của người Hán”, GS Liêm nói.
Hướng đi mới trong phòng, chữa bệnh
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, mục đích của nghiên cứu lần này không phải để mang ra so sánh gen của người Việt với gen người Hán hay người Thái… mà mong muốn ban đầu của nhóm nghiên cứu là tìm ra căn nguyên của căn bệnh tự kỷ.
“Chúng tôi có rất nhiều dự định như “Làm bộ gen cho 1.000 người Việt Nam” hay “Nghiên cứu phổ đột biến gen của trẻ Việt Nam bị tự kỷ” cùng với mục đích muốn tìm ra tỷ lệ đột biến gen của trẻ tự kỷ. Xác định được gen gây tự kỷ sẽ đề xuất được biện pháp để chẩn đoán trẻ bị tự kỷ từ sớm, thậm chí ngay cả trước khi sinh để từ đó hướng tới sản xuất được thuốc để điều trị bệnh này”, GS Liêm chia sẻ.
GS Liêm cũng cho biết, nhóm các tác giả “Nghiên cứu về bộ gen của người Việt” sẽ dựa vào cơ sở dữ liệu trên để tiếp tục đào sâu, nghiên cứu để có sơ sở tham chiếu đầy đủ nhất về gen của người Việt từ trước tới nay trong lĩnh vực y sinh. Góp phần làm sáng tỏ hơn cơ chế hay nguyên nhân của bệnh tự kỷ, nhằm đi sâu hơn nữa để tìm ra gen nào đặc hiệu nhất cho trẻ mắc bệnh này.
Cũng theo GS Liêm, công bố lần này được kỳ vọng mang lại hướng điều trị mới cho không chỉ các bệnh nhân bị tự kỷ mà thậm chí nhóm nghiên cứu cũng đang hướng tới 4 nhóm bệnh khác bao gồm: bệnh tim mạch, thần kinh, di truyền hay ung thư. Qua đó kỳ vọng giúp ích rất nhiều trong việc phòng và chữa bệnh cho người dân.
"Nghiên cứu về bộ gen của Người Việt" rất có ý nghĩa trong việc dự phòng, tiên lượng bệnh. |
Mỗi bệnh nhân một “phác đồ”
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, mỗi một chủng tộc đều có một hệ gen khác nhau, nên cùng một loại bệnh nhưng điều trị và đáp ứng thuốc cũng khác nhau. Do vậy mà nghiên cứu lần này và những lần sau nữa sẽ có cơ sở tham chiếu, giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện và chữa bệnh.
“Chúng tôi đang kết hợp với viện Big Data, tiếp tục nghiên cứu, giải trình tự hệ gen cho hơn 1.000 người Việt. Nghiên cứu này được hy vọng sẽ phát hiện sớm và ngăn ngừa được nhiều bệnh tật cho người Việt Nam”, GS Liêm nói.
GS Liêm cũng nhấn mạnh, nếu so với trước đây với một căn bệnh thì nhiều bệnh nhân sẽ có phác đồ chung. Nhưng dựa vào nghiên cứu này, thì mỗi người sẽ có một bộ gen riêng nên kết quả sẽ tốt hơn.
Nghĩa là việc tìm ra nguồn gốc bộ gen của người Việt hy vọng sẽ xác định được nguy cơ mắc bệnh của từng người để mỗi người đều có thể phòng bệnh từ sớm. Qua đó giúp đưa ra được quá trình điều trị hay thuốc nào có tác dụng nhất cho từng người, vào từng thời điểm.