Suy ngẫm từ một hội thảo độc đáo

Mới đây, tại Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã diễn ra một buổi hội thảo về văn hóa doanh nghiệp rất độc đáo, không tiến hành theo khuôn mẫu, không ai dùng điện thoại di động, ai cũng phải thực sự động não...

Suy ngẫm từ một hội thảo độc đáo
Ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PVTrans

Trong suốt hội thảo, hơn 200 người tham dự không ai sử dụng điện thoại di động, dù Ban tổ chức không hề có một “lệnh cấm” hoặc có sự nhắc nhở nào trước khi hội thảo diễn ra.

Sở dĩ mọi người không dùng điện thoại di động là bởi 2 lý do:

Thứ nhất, mọi người thấy trên bàn của hai người điều hành hội thảo là ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PVTrans và ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng Giám đốc PVTrans không đặt điện thoại.

Thứ hai, buổi hội thảo không tiến hành theo khuôn mẫu là các bản tham luận đã được các cấp duyệt rồi in trong tập tài liệu, diễn giả chỉ đọc lại những điều đã được “duyệt”.

Hội thảo được tiến hành theo hình thức chia ra từng nhóm và các nhóm phải trả lời những câu hỏi mà Ban tổ chức đưa ra. Sau khi mỗi nhóm trình bày những hiểu biết của mình về văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và PVTrans, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi phản biện hoặc yêu cầu trình bày rõ thêm những vấn đề khác. Có khi Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc PVTrans “truy bài” trực tiếp từng người. Chính vì thế, trong suốt buổi hội thảo kéo dài 3 tiếng rưỡi, mọi người phải tập trung cao độ vào việc trả lời các câu hỏi, đồng thời trình bày những quan điểm của mình, đề ra những biện pháp thực hiện văn hóa doanh nghiệp tốt hơn.

Ban tổ chức đã đặt ra những câu hỏi như: “Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ mang lại lợi ích gì cho tổ chức và cá nhân bạn?”; “Bạn hiểu thế nào về vai trò của lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trong việc xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp?”; “Để thực thi và lan tỏa, vun đắp văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm của từng người như thế nào?”; “Cơ hội và thách thức đối với văn hóa doanh nghiệp của PVTrans và các giải pháp?”...

Để giải đáp một cách thỏa đáng, thuyết phục những câu hỏi đó đòi hỏi tất cả những người tham gia phải động não suy nghĩ, đồng thời cần có những hiểu biết nhất định về văn hóa doanh nghiệp thông qua Sổ tay văn hóa của Petrovietnam và PVTrans.

Suy ngẫm từ một hội thảo độc đáo

Trong hội thảo, mọi người đều thống nhất: Muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt thì vai trò của người đứng đầu là yếu tố tiên quyết. Một doanh nghiệp không thể có văn hóa nếu như người đứng đầu không phải là “người có văn hóa” và gương mẫu. Nhiều người phát biểu, bày tỏ sự mong muốn lãnh đạo là hình mẫu cho nhân viên học tập, đồng thời tạo cơ hội cho nhân viên phát triển.

Mọi người cũng thống nhất quan điểm: Văn hóa doanh nghiệp là nền móng để doanh nghiệp phát triển bền vững, là sự tồn vong của doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng để gắn kết người lao động...

Theo Chủ tịch HĐQT PVTrans, văn hóa không có đúng cũng không có sai, mà chỉ là phù hợp hay không phù hợp đối với từng cá nhân, từng tập thể, tổ chức. Bấy lâu nay, sự điều hành của PVTrans theo nguyên tắc rất khoa học và bám sát thực tiễn, theo hệ thống chuẩn mực nhưng cũng rất linh hoạt.

Vào giai đoạn khó khăn nhất (2010-2012), PVTrans nằm trong vòng xoáy của khủng hoảng ngành vận tải biển toàn cầu, bị thua lỗ và ngấp nghé nguy cơ phá sản. Dự án đầu tư bị đình trệ, đội tàu không có việc, dòng tiền bị đứt gãy, ngân hàng xiết nợ, hệ thống quản lý lỏng lẻo, đội ngũ cán bộ vốn đã yếu và mỏng, lại bị tác động tâm lý tiêu cực, chán nản, buông xuôi... Đứng trước thực trạng đó cùng với mục tiêu lớn lao là phải vượt qua cơn sóng dữ, phải xốc lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, nhân viên, phải lấy lại niềm tin với Petrovietnam, với các đối tác, ban lãnh đạo PVTrans lúc đó xác định: Văn hóa “Kỷ cương và Trách nhiệm” là giá trị nền tảng để vực dậy PVTrans.

Với phong cách xử lý công việc quyết đoán, đi thẳng vào bản chất, cùng với tầm nhìn, khả năng tư duy khoa học, sáng tạo, có tính thực tiễn cao, lãnh đạo PVTrans đã đưa ra những quyết sách táo bạo, các giải pháp không có tiền lệ nhưng kịp thời, hiệu quả để PVTrans và từng đơn vị thành viên hồi sinh một cách thần kỳ, dần khởi sắc và tăng trưởng khả quan.

Suy ngẫm từ một hội thảo độc đáo

Phong cách làm việc “khoa học nhưng thực tiễn”, “hệ thống nhưng linh hoạt” đã trở thành nét đặc trưng trong quản lý, điều hành của PVTrans, đã lan tỏa một cách tự nhiên đến nhiều cán bộ chủ chốt trong toàn PVTrans, từ đó tác động đến hiệu quả công việc.

Sự hồi sinh thần kỳ và vươn lên của PVTrans suốt hơn 10 năm qua, từ bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam, tăng trưởng liên tục, là một câu câu chuyện đáng suy nghĩ, đáng tự hào.

Với người PVTrans, những ai đã may mắn được làm việc, được dấn thân và trải nghiệm qua những năm tháng đó, đều có thể “thấm” được chất văn hóa đặc trưng của PVTrans, đó là “Khát vọng - Kỷ cương - Trách nhiệm - Nghĩa tình”.

Quá trình tạo dựng văn hóa doanh nghiệp của PVTrans rất đáng tự hào. Nhưng có một câu hỏi đặt ra: Liệu văn hóa PVTrans đã thực sự bền vững?

Quy mô phát triển của PVTrans ngày càng lớn, phạm vi hoạt động đa dạng, phức tạp; số lượng lao động tăng lên, lực lượng lao động mới ngày một nhiều; các tác động tiêu cực về tâm lý, tư tưởng từ ngoài xã hội... là những khó khăn khách quan với văn hóa PVTrans.

Về chủ quan, bên cạnh những cán bộ chủ chốt đã gương mẫu, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, ở đâu đó trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của một số ít người còn đi ngược với các giá trị của văn hóa doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT PVTrans khẳng định: Một doanh nghiệp không thể gọi là có văn hóa nếu “trên bảo dưới không nghe” và văn hóa doanh nghiệp cũng không phải chỉ ở những kỳ hội diễn, hội thao hay các hoạt động tập thể mang tính vui vẻ... Đó chỉ là một hình thức rất nhỏ của văn hóa doanh nghiệp. Xét cho cùng, văn hóa doanh nghiệp chính là “Kỷ cương - Chuyên nghiệp - Hiệu quả - Nghĩa tình”.

Sẽ không thể có một PVTrans phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo môi trường phát triển sự nghiệp cho từng cá nhân, nếu không tiếp tục tạo dựng nền tảng “Văn hóa PVTrans”.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của tất cả mọi người. Từ đội ngũ lãnh đạo đến nhân viên phải cùng nhau nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cùng tìm giải pháp vượt qua các thách thức và quyết tâm bảo vệ, duy trì, phát triển văn hóa doanh nghiệp để PVTrans ngày càng vững mạnh.

Sự hồi sinh thần kỳ và vươn lên của PVTrans suốt 12 năm qua, từ bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam, tăng trưởng liên tục, là một câu câu chuyện đáng suy nghĩ, đáng tự hào.

 Suy ngẫm từ một hội thảo độc đáo (petrotimes.vn)

Nguyễn Như Phong / Petrotimes