Bài viết “Trụ trì chùa Tây Thiên “tố” bị cô lập, mất kiểm soát tiền công đức” đăng trên báo Lao Động số ra ngày 14.3 đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Sư thầy Thích Đàm Phú - trụ trì chùa Tây Thiên. Ảnh: PV
Ngõ hầu làm sáng tỏ về những phản ánh của sư thầy Thích Đàm Phú - trụ trì chùa Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), phóng viên Báo Lao Động đã đi, gặp, cố gắng lắng nghe, quan sát, tìm hiểu thật rõ ngọn ngành…
Lùm xùm quanh việc “sư thầy bị cô lập”
Đầu tiên, cần hiểu rõ, khu di tích danh thắng Tây Thiên (Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên) là 1 quần thể gồm 5 cơ sở thờ tự với hơn 120 ni sư, lần lượt gồm: Chùa Thượng, chùa Phù Nghì, chùa Bảng, chùa Bảo Tháp, chùa Thiên Ân. Trong đó, chùa Thượng (còn được gọi là chùa Tây Thiên, hoặc Tây Thiên Thiền Tự) là ngôi chùa nổi tiếng nhất, thu hút được lượng du khách đông đảo nhất. Hiện, sư thầy Thích Đàm Phú là trụ trì của chùa Thượng đồng thời cũng là đại diện cho Sơn môn Tịnh thất trong công tác đối ngoại.
Sơn môn Tịnh thất từ nhiều năm trước đã có Ban Tài chính để quản lý tiền công đức. Và vào tháng 1.2018, trước những kiện tụng lùm xùm, thì đã lập thêm Ban quản trị.
Nói về việc sư thầy Thích Đàm Phú bị cô lập, 1 nguồn tin khả tín cho PV Báo Lao Động biết, trước đây, khi còn “cơm lành, canh ngọt”, mỗi lần sư thầy Thích Đàm Phú đi chấp tác đều có các sư đi theo hộ pháp để cùng lo công việc và giúp đỡ. Tuy nhiên, khoảng mấy năm nay thì các thầy trụ trì bắt đầu tách biệt sư thầy Thích Đàm Phú, không cho người đi hộ pháp nữa.
“Từ khi thầy bị cô lập, những người thân tín muốn đi hộ pháp thầy Phú đều bị “xử”. Khi thầy Phú ốm, những ai muốn đi thăm thì đều phải đi giấu, không cho các thầy khác biết. Nếu để các thầy biết chuyện thì sẽ bị đuổi, không cho vào chùa nữa” - người này tâm sự.
Nguồn tin này cũng cho hay, hiện cuộc sống của thầy Phú rất khó khăn. Những chi tiêu, ăn uống hàng ngày của thầy là do phật tử lo, đã có những người tự bỏ tiền túi hoặc đi vay mượn để giúp đỡ thầy. Tiền do du khách phát tâm công đức, thầy Phú cũng không được giữ, các khoản thu, chi không được công bố và báo cáo lại.
“Mong muốn của thầy Phú là các trụ trì ở chùa nào thì tự quản lý chùa đấy. Tuy nhiên, các thầy khác không đồng ý vì cho rằng, mỗi năm số tiền công đức của chùa Thượng là rất lớn. Các thầy muốn gộp chung 5 chùa lại thành 1 Sơn Môn thôi”.
Nói về việc thầy Phú bị cô lập, ni sư Thích Bảo Tâm - Phó ban Trị sự Phật giáo huyện Tam Đảo, Trưởng ban quản trị Sơn Môn Tịnh Thất Tây Thiên - khẳng định, không ai trong chùa có thể cô lập được thầy Phú, đây là do thầy muốn tự do nên đã tự tách mình ra khỏi giới luật, khuôn khổ và nội quy của chùa để được sống theo sở thích của thầy.
“Theo quy định của nhà chùa, các sư không được phép ngủ riêng một mình, nhưng thầy Phú tự lập chòi trong rừng và rủ những người tại gia lên ngủ cùng, tự ăn uống phục vụ mà không ăn chung với các sư khác. Do điều này không đúng với quy định của chùa nên các trụ trì đã không cho những người tại gia này ở nữa và họ lại đi nói xấu các sư, gây rối cho nhà chùa” - ni sư Thích Bảo Tâm kể lại.
Còn sư thầy Thích Thanh Tịnh - Chánh Thư ký Hội Phật giáo huyện Tam Đảo, Phó ban Thường trực ban quản trị chùa Sơn Môn Tịnh Thất Tây Thiên - thì không tin sư Phú khó khăn đến mức không có tiền để ăn uống hay mua thuốc. “Do thầy Phú là người đứng đầu trong chùa nên những người gửi tiền về cúng Tam Bảo thì không là ít. Số tiền này đi đâu? Không bao giờ thấy thầy gửi về cho quỹ cả. Khi mọi người khuyên thầy vào Thất thì thầy lại đi nói với mọi người là nhốt, bị bỏ đói, bị đánh và cô lập thầy lại, dẫn đến sự việc bị hiểu sai…” - sư Tịnh nói.
Có “sư lạ” hay không?
Tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn trong khu di tích là do mâu thuẫn trực tiếp của các sư trụ trì trong Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên. Sự việc này đã diễn ra từ đầu năm 2017.
“Khi phát hiện ra tình trạng bất ổn này, chúng tôi đã làm việc với ông Thích Thanh Phương - Trưởng Ban trị sự hội Phật giáo huyện Tam Đảo. Tuy nhiên, ông Thích Thanh Phương có đề nghị vì đây là mâu thuẫn nội bộ trong chùa, của các nhà sư nên mong muốn chính quyền để các sư tự giải quyết. Tiếp nhận ý kiến, chúng tôi hết sức lắng nghe và tôn trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự việc không được giải quyết” - ông Hiệp nói.
Theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, hậu quả như hiện tại cũng có một phần lỗi từ sư Phú. Khi sư Phú ốm đi viện, không thực hiện được vai trò quản lý của mình, các ni sư của sư Phú cũng không cáng đáng được công việc trong chùa Thượng thì các sư tại 4 ngôi chùa còn lại đã bố trí người lên giúp đỡ. Cũng chính từ đây, những mâu thuẫn ngày càng lớn vì sư Phú cho rằng các trụ trì khác “cài cắm” người của mình vào để thâu tóm chùa Thượng.
Về vấn đề xuất hiện những sư lạ mặt trong chùa, ông Hiệp cũng cho biết, đơn vị đã cho cán bộ đi kiểm tra và xác định, không có chuyện có sư lạ mặt vào chùa vơ vét tiền công đức như nội dung thầy Phú nêu trong đơn. Các sư hoạt động ở đây đều thuộc người của quần thể Sơn Môn Tịnh Thất Tây Thiên, chỉ là ở các chùa khác. Chính quyền đã cảnh cáo 2 bên về việc viết đơn và tuyên truyền những điều không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của chùa.
“Nguyên nhân chính yếu chính là các nguồn tiền công đức...”
Liên quan đến những lùm xùm không đáng có, ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc - cũng cho rằng, nguyên nhân chính yếu chính là các nguồn tiền công đức. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đã trực tiếp chỉ đạo, có văn bản trao đổi với Ban trị sự Phật giáo của tỉnh và huyện để giải quyết mâu thuẫn kể trên.
“Theo quy định, tại các chùa thì các sư sẽ được cấp một khoản chi phí để chi tiêu, tuy nhiên, những khoản chi này phải được công khai dân chủ, minh bạch. Hiện nay, tín nhiệm của các sư trong chùa đối với thầy Phú là rất thấp dẫn đến việc mất kiểm soát tiền công đức trong chùa, nguyên nhân của sự việc này một phần là do thầy Phú chưa làm tốt trách nhiệm của mình, buông lỏng quản lý, gây mất trật tự trong chùa” - ông Quang cho hay.
Về việc mất kiểm soát tiền công đức, theo vị lãnh đạo sở, Giáo hội Phật giáo đã phối hợp với Sở Văn hóa thể thao & du lịch và chính quyền địa phương giải quyết, yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý và sử dụng nguồn công đức. Người phụ trách trụ trì phải có phương thức thu, nhận và quản lý nguồn công đức có hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Việc sử dụng phải công khai minh bạch, có sổ sách, chứng từ rõ ràng.
“Khi thầy Phú phân công cho ai thì người đó phải có trách nhiệm kiểm soát và công khai tiền công đức. Nếu bị kẻ gian tự ý mở hòm lấy tiền thì thầy Phú phải có trách nhiệm báo cáo lại sự việc. Tuy nhiên, việc thầy Phú bị các sư khác o ép, bài trừ thì thì việc kiểm soát tiền công đức sẽ rất khó khăn” - ông Quang nói.
Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo: “Trước mắt, UBND huyện sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra những xô xát không đáng có trong chùa. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường công tác giám sát, yêu cầu nhà chùa thực hiện nghiêm quy định về việc thu tiền công đức, hòm thu phải được dán niêm phong cẩn thận, khi mở hòm phải có tập thể, đảm bảo tính dân chủ. Các khoản chi tiêu phải được bàn bạc theo đúng quy định, tránh tình trạng tự thu, tự chi”.
Tiền công đức tại chùa Tây Thiên: Sự thật đằng sau tin đồn
Thời gian qua có nhiều thông tin liên quan đến việc quản lý tiền công đức tại chùa Tây Thiên khiến Tăng ni, Phật tử ... |
Trụ trì chùa Tây Thiên “tố” bị cô lập, mất kiểm soát tiền công đức
Đằng sau sự yên bình, thanh tịnh của ngôi cổ tự danh tiếng Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), có thể đang là những đợt ... |