Sự thật ở Tâm Việt: "Nếu không có lòng kiên nhẫn xin đừng làm người thầy"

Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ không đủ dũng cảm để xem hết video do PV VietNamNet ghi lại tại trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt.

 

Độc giả bật khóc khi xem video

Sau khi VietNamNet đang tải loạt bài về hoạt động nhập nhèm của trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt, rất nhiều độc giả đã gửi phản hồi bày tỏ quan điểm về vụ việc này.

Nhiều phụ huynh đã thừa nhận, họ bật khóc hoặc không thể xem hết video vì quá đau lòng trước những hình ảnh giáo viên, nhân viên Tâm Việt đánh đập, hăm dọa trẻ tự kỷ.

Độc giả Vũ Thị M. chia sẻ trên báo VietNamNet: ‘Các cháu đã không được may mắn. Bố mẹ các cháu đã phải gồng mình để mong con mình khá hơn... nếu trung tâm này thực sự như vậy, thì họ quá vô nhân tính".

Giáo viên Tâm Việt hăm dọa học sinh

Độc giả có tên Hoàng Quang V. cũng đồng tình: "Tôi đã từng cho con theo học Tâm Việt ­­của ông Phan Quốc V. Những điều nêu trong bài này hoàn toàn đúng. Tôi đã từng nói với Tâm Việt là các con của chúng tôi bị tự kỷ - là những người đặc biệt, chúng cần được nuôi dạy thành người bình thường chứ không phải thành quá đặc biệt nữa".

Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh có trẻ tự kỷ, phụ huynh Bạch Thùy L. nhấn mạnh: "Xin nhớ khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ chính là khả năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội. Vậy các cha mẹ có con gửi gắm Tâm Việt ơi, học làm xiếc thì giúp gì cho con về giao tiếp?

Kể cả con có trở thành kỷ lục gia làm xiếc như một số em mà trung tâm Tâm Việt vẫn đem ra làm "con rối" trước truyền thông, thì con quý vị có tự phục vụ bản thân hàng ngày không? có tự kiếm được công việc nuôi thân không? có thể tự giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp không?”.

Phụ huynh này nhấn mạnh, chị vui mừng ‘vì cuối cùng cũng có bài báo đúng nghĩa phản ánh những sự thật trần trụi xảy ra nơi đây’.

Tương tự, phụ huynh Nguyễn Thị V.H cho biết: ‘Tôi run rẩy từng tế bào trong cơn bất lực, dũng cảm lắm mới xem được hết clip và đọc hết loạt phóng sự của VietNamNet.

Trẻ tự kỷ, trong con mắt của những kẻ bất chấp tự trọng nghề nghiệp và sự nhân đạo, những kẻ không có chuyên môn vẫn mở trung tâm, vẫn là một thị phần béo bở, ngon ăn…’.

'Đào tạo trẻ tự kỷ không đơn giản, nếu không có lòng kiên nhẫn xin đừng làm người thầy', bạn đọc Phú Đô bình luận.

Hàng loạt độc giả đã gửi bình luận sau loạt phóng sự điều tra của VietNamNet

Phụ huynh Jang K. cũng là người có con mắc chứng tự kỷ. Chị cho biết: ‘Cách đây khoảng 2 năm, tôi được bạn bè giới thiệu có một phương pháp chữa cho trẻ tự kỉ rất hay của ông Tiến sỹ Phan Quốc Việt - một ông tiến sỹ Toán. Nhưng là một người mẹ có con mắc chứng tự kỉ, tôi rất hiểu tự kỷ chưa có cách chữa, chỉ có một số hành vi có thể được cải thiện qua giáo dục cẩn thận và sử dụng các chương trình đã được thử nghiệm.

Slogan của Trung tâm Tâm Việt là: “Con đường huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sĩ, kỷ lục gia” rất phản giáo dục! Trẻ tự kỷ sinh ra không phải là để cho họ “huấn luyện".

Mỗi đứa trẻ có một nhận thức khác nhau, không thể thấy có vài ba cháu đạt kỷ lục gia mà đem đi quảng cáo như vậy được. Thực chất tập đội chai nước lên đầu; tung 3 -5 quả bóng; đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh…cũng chỉ như các kĩ năng vận động cho trẻ em nói chung hay trẻ tự kỷ nói riêng như tập bơi, đạp xe, đu xà...và mỗi trẻ có một năng khiếu nhất định”.

Chị tiếp tục nhấn mạnh: “Phương pháp quảng cáo này hoàn toàn đánh vào tâm lý tuyệt vọng của các phụ huynh có con tự kỷ. Trung tâm quảng bá trên website "Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỉ tuổi dậy thì" là một quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật”.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Bên cạnh sự phẫn nộ nhiều độc giả đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc. Độc giả Nguyễn Duy H. nói trên VietNamNet: ‘Đề nghị thanh tra toàn diện Tâm Việt. Nếu đủ bằng chứng có thể khởi tố hình sự để làm gương cho những người khác – người ẩn mình trong vỏ bọc giáo dục để gây tội ác với con trẻ’.

Học sinh ở trung tâm Tâm Việt

Độc giả Piter T. bình luận:  “Tại sao lại để những trung tâm như này tồn tại? Thật đáng thương cho nhưng đứa trẻ không may mắn và rất cần sự quan tâm này. Trẻ tự kỷ cần có sự đồng cảm của người thầy, gia đình; cần sự sẻ chia và cần các phương pháp thực sự để trẻ có thể hoạt bát bình thường.

Đằng này chỉ là sự o ép, dọa nạt, một môi trường chỉ làm cho trẻ bệnh càng nặng hơn. Hơn bao giờ hết gia đình cần phải đồng hành cùng con trên con đường chắc chắn là không hề dễ dàng gì, đừng bỏ con bơ vơ như vậy.

Phụ huynh đừng bao giờ tin tưởng tuyệt đối và phó mặc con em mình cho những trung tâm kể cả là trung tâm tốt mà cần quan tâm và đồng hành cùng con”.

Nhiều độc giả đồng tình rằng, dạy trẻ tự kỷ không bao giờ là đơn giản ngay cả với các nước phát triển trên thế giới. Để làm được điều đó cần có các chuyên gia tâm lý có chuyên môn kết hợp cùng gia đình đồng hành cùng trẻ trong một môi trường văn minh và an toàn, chứ không phải bạo lực và những lời hăm dọa.

 

Trẻ tự kỷ "thân tàn ma dại": Trung tâm đào tạo Tâm Việt bị chấm dứt hợp đồng từ tháng 9/2019
"Trẻ thân tàn ma dại" sau 1 tháng học kỷ lục gia tại Tâm Việt
Sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia

 

/ vietnamnet.vn