Được đánh giá là ngôi sao sáng thứ hai ở Alibaba và nằm trong nhóm 38 lãnh đạo cao cấp nhất nhưng Tưởng Phàm đã bị loại khỏi danh sách này do vấn đề đạo đức.
Ngày 24/4, Alibaba đưa ra hình thức kỷ luật với Tưởng Phàm, chủ tịch trang mua sắm trực tuyến Taobao vì bê bối ngoại tình với người mẫu Trương Đại Dịch. Theo đó, Tưởng Phàm bị loại khỏi danh sách thành viên hội đồng quản trị cao cấp của Alibaba, giáng chức từ phó chủ tịch cao cấp sang phó chủ tịch và phải từ bỏ các ưu đãi tài chính trong một năm.
Hành động của Alibaba với nhân tài như Tưởng Phàm như một lời nhắc nhở cứng rắn dành cho thế hệ lãnh đạo kế thừa của hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Trước bê bối, Tưởng Phàm, chủ tịch Taobao và Tmall nằm trong nhóm 38 nhà lãnh đạo cao cấp quan trọng nhất của Alibaba, bao gồm cả hai nhà sáng lập Jack Ma và Joe Tsai.
|
Alibaba đã thiết lập nhóm những nhà lãnh đạo tài năng này vào năm 2010 để đảm bảo kế hoạch kế nhiệm trong tương lai. Nhóm này gồm 38 người là các nhà sáng lập và các giám đốc điều hành đã làm việc ít nhất 5 năm tại Alibaba hoặc các công ty con của Alibaba như Ant Financial. Mỗi người đều có một hồ sơ theo dõi thành tích đóng góp và những thành công họ đạt được trong suốt sự nghiệp.
Những người này được các công ty con của Alibaba hoặc tập đoàn tiến cử và phải được sự chấp thuận của cổ đông trong cuộc họp thường niên. Họ đều là những người có thành tích xuất sắc giúp công ty phát triển đột phá cũng như có chuẩn mực đạo đức phù hợp.
Tưởng Phàm sinh năm 1985, gần đây đã được gia nhập nhóm 38 lãnh đạo cao cấp quan trọng nhất của Alibaba sau khi giữ chức chủ tịch của Taobao vào tháng 12/2017 và Tmall vào tháng 3/2019. Là người đứng đầu các trang thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba, Tưởng Phàm là một trong những giám đốc điều hành cấp cao trẻ tuổi nhất, là "ngôi sao sáng" thứ hai ở tập đoàn, chỉ sau Daniel Zhang, người kế thừa vị trí của Jack Ma vào năm ngoái.
Sự nghiệp của Tưởng Phàm đang lên như diều gặp gió thì scandal ngoại tình nổ ra khiến tất cả danh tiếng gây dựng bao lâu nay bị hủy hoại. Bê bối của Tưởng Phàm xảy ra hồi giữa tháng, khi vợ của anh cảnh cáo Trương Đại Dịch vụng trộm cùng chồng trên Weibo.
Vụ việc khiến Alibaba phải mở cuộc điều tra nội bộ kiểm tra toàn diện các khoản đầu tư của Alibaba vào Ruhan Holdings, công ty chuyên quản lý những người nổi tiếng trên mạng xã hội và đào tạo họ bán hàng qua mạng do Trương Đại Dịch thành lập năm 2016. Cùng năm, Alibaba có đầu tư 300 triệu NDT (42 triệu USD), chiếm 9,5% cổ phần của Ruhnn Holding. Nhiều người nghi ngờ Tưởng Phàm đã dùng sự ảnh hưởng của bản thân tác động nhằm giúp công ty của nhân tình nhận được khoản đầu tư từ Alibaba.
|
Ban điều tra do Jiang Fang, phó giám đốc nhân sự và một nhà đồng sáng lập Alibaba đứng đầu. Trong đó, Jiang Fang nổi tiếng là nữ tướng thép của Alibaba khi nhiều lần ép cả nhà sáng lập Jack Ma phải dành nhiều thời gian hơn cho các vấn đề quản trị nhân sự và đạo đức lãnh đạo tại công ty.
Kết quả điều tra cho biết quyết định đầu tư vào Ruhnn Holding của Alibaba năm 2016 không liên quan đến Tưởng Phàm. Tưởng Phàm không có bất kỳ hành vi tác động nào đến hoạt động kinh doanh của Ruhan Holdings và Trương Đại Dịch trên Taobao lẫn Tmall.
Tuy nhiên, ở vị trí lãnh đạo quan trọng của tập đoàn, Tưởng Phàm giải quyết chuyện gia đình không thỏa đáng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Alibaba. Bị loại khỏi danh sách 38 lãnh đạo cao cấp nhất, Tưởng Phàm đã mất đi cơ hội trở thành người kế nhiệm dẫn dắt tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới trong tương lai.
"Đối với các công ty Trung Quốc lớn như Alibaba, Huawei, Lenovo và Vanke, thách thức lớn nhất là làm thế nào để phân bổ quyền lực và trách nhiệm của nhà sáng lập cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo mà vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động kinh doanh", Joseph Fan, giáo sư tại Đại học Hong Kong, chuyên về kế nhiệm lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp nhận định.
"Một hệ thống quản trị được thiết kế và thực hiện tốt sẽ lựa chọn, trau dồi cho các ứng cử viên đủ điều kiện trong nhóm lãnh đạo tài năng, thúc đẩy họ thăng tiến và xây dựng văn hóa doanh nghiệp vừng vàng. Đồng thời họ cũng sẽ bị theo dõi hành vi và hiệu suất công việc", giáo sư Fan giải thích lý do Tưởng Phàm bị loại khỏi danh sách lãnh đạo kế nhiệm tương lai là do vấn đề đạo đức.
Trong khi các công ty Trung Quốc cố gắng xây dựng văn hóa, kỷ luật doanh nghiệp nghiêm túc thì lãnh đạo cao cấp vi phạm là điều đáng lưu ý nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của công ty lớn Trung Quốc bị chú ý về vấn đề đạo đức. Năm 2018, Richard Liu, người sáng lập kiêm CEO của hãng thương mại điện tử JD.com bị bắt tại Mỹ với cáo buộc cưỡng hiếp. Liu sau đó đã được xóa các cáo buộc do không đủ bằng chứng nhưng đã đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư và bị buộc phải rời khỏi vị trí cấp cao của hơn 50 công ty do mình làm chủ sở hữu lẫn đầu tư.
Sơn Nam (Theo SCMP)
Chủ tịch Taobao mất vợ, mất tiền vì bồ bịch
Tưởng Phàm và vợ được cho là đang ly hôn, sau khi anh bị vạch trần ngoại tình với Trương Đại Dịch. Chức chủ tịch không ... |
Chủ tịch Taobao bị phạt vì ngoại tình người mẫu
Tưởng Phàm, chủ tịch trang mua sắm Taobao, bị kỷ luật, giáng cấp bậc vì tai tiếng ngoại tình người mẫu Trương Đại Dịch. |