Từ lâu, AFC Champions League hay kể cả AFC Cup vốn dĩ là những mặt trận vừa thừa, vừa quá tầm với các CLB V.League. Hà Nội FC có lẽ là CLB hiếm hoi trong quãng thời gian qua nghiêm túc đầu tư ở đấu trường này, ngay cả khi họ hiểu rằng, đây là một thương vụ nhiều lắm những rủi ro.
Những ánh sáng le lói tại AFC Champions League
AFC Champions League không phải là một mặt trận xa lạ với các CLB Việt Nam. Ngay từ khi bóng đá chuyên nghiệp chuyển mình với tên gọi V.League, những HAGL, Bình Định, Long An, Đà Nẵng, B.Bình Dương hay Nam Định đã hiện diện tại vòng bảng sân chơi này, xuyên suốt giai đoạn đầu thập niên 2000. Nhưng thực sự, dù tạo ra một vài trận đấu đáng chú ý, tất cả các CLB V.League đều phải sớm chia tay mặt trận châu Á này. Mọi thứ gói gọn trong 2 từ: Trải nghiệm và cọ xát.
Tự bản thân V.League suy yếu trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, cùng với đó, sự trỗi dậy của các nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung và tính chọn lọc tại AFC Champions League tăng dần, các đội bóng của Việt Nam không còn dễ dàng hiện diện tại sân chơi này nữa. Năm 2015 có thể xem là điểm sáng lớn nhất mà một đại diện Việt Nam có thể làm được. Đấy là trường hợp của B.Bình Dương, khi đội bóng đất thủ cầm hòa được Jeonbuk và đánh bại Kashiwa Reysol hùng mạnh. Nhưng cái kết vẫn là việc phải sớm rời AFC Champions League sau 6 trận đấu tại vòng bảng.
Sau điểm sáng lé loi ấy đến từ B.Bình Dương, thứ hạng của V.League tiếp tục tụt sâu trên bảng đồ châu Á. Từ năm 2017 đến 2020, Việt Nam chỉ còn 1 đại diện tham dự từ vòng sơ loại. Phải bước sang thập niên thứ 3, những Viettel (2021-2022), HAGL (2022- 2023) và nay là Hà Nội FC (2022- 2023) mới bắt đầu trở lại với vòng bảng của giải đấu được gọi nôm na là C1 châu Á. Điều đó đến từ những cố gắng của các CLB V.League tại mặt trận AFC Cup tích lũy trước đó. Và một trong số đấy chính là hành trình ấn tượng vào đến trận chung kết liên khu vực Đông Á tại AFC Cup (giải hạng 2 châu Á) của Hà Nội FC vào năm 2019.
Cũng từ thời điểm ấy cho đến giờ, Hà Nội FC mới có dịp quay trở lại đấu trường châu Á. Và cũng như một sự trêu ngươi của số phận, AFC Champions League 2022/23 cũng là lần cuối cùng trong một khoảng thời gian dài nữa, một đại diện của V.League được quyền xuất hiện tại sân chơi này.
Khi Hà Nội FC nghiêm túc đầu tư
Ở mùa giải AFC Champions League cuối cùng mở cửa cho đại diện Việt Nam, Hà Nội lựa chọn cách tiếp cận khác xa nhiều đội bóng V.League trước đó lựa chọn. Việc nằm ở một bảng đấu có cả Pohang Steelers (Hàn Quốc), Urawa Reds Diamond (Nhật Bản) cũng như ẩn số mang tên Wuhan Three Towns (Trung Quốc) khiến giới chuyên môn nghiêng nhiều về khả năng bị loại sớm của Hà Nội FC. Tuy nhiên, lãnh đạo đội bóng vẫn quyết tâm đầu tư lớn cho nội lực. Ngay từ nửa năm trước, chuyện mời HLV có kinh nghiệm châu Á là Bandovic về dẫn dắt đã nằm trong kế hoạch hướng đến AFC Champions League của Hà Nội FC. Cách thay đổi lối chơi, phương án chiến thuật đến từ ông Bandovic từ tháng 2, tháng 3 năm nay cũng đã nhằm chuẩn bị cho một AFC Champions League giàu hoài bão hơn sau này.
Không chỉ dừng lại ở việc sẵn sàng trả lương cao để mời HLV khủng về dẫn dắt, suốt giai đoạn vừa rồi, Hà Nội FC đã tuyển mộ tối đa số lượng ngoại binh mà AFC Champions League cho phép, với 5 cầu thủ nước ngoài cùng 1 nhân tố có quốc tịch châu Á. Nên nhớ tại V.League, số suất ngoại binh chỉ dừng lại ở con số 3. Điều đó có nghĩa, một nửa trong số những gương mặt mà Hà Nội FC tuyển mộ sẽ phải luân phiên ngồi trên khán đài theo dõi các đồng đội khác thi đấu. Nhưng đội bóng thủ đô vẫn chấp nhận, vì mục tiêu đẩy cao trình độ khi tham dự AFC Champions League.
"Chúng tôi thật sự khát khao muốn vượt qua vòng đấu bảng", thủ môn Bùi Tấn Trường chia sẻ trước khi AFC Champions League khởi tranh. Và tham vọng ấy cũng không hề bị đánh gục, ngay cả khi Hà Nội FC ra quân thất bại với tỷ số 2-4 trước Pohang Steelers trên sân Mỹ Đình ngày 20/9 vừa rồi. "Kết quả trận đấu không phản ánh chính xác những gì đã có trên sân. Chúng tôi đã có những cơ hội nhưng bỏ qua.
Chúng tôi đã mắc một số sai lầm và phải trả giá cho điều đó", đội trưởng Văn Quyết chia sẻ. "Nhưng đã có những thay đổi lớn sau giờ nghỉ. Hà Nội FC đã đưa vào sân một số nội binh. Quả thực, những gì mà họ thể hiện khiến tôi cảm nhận được rằng, các cầu thủ Việt Nam có đủ khả năng chơi bóng tại K-League hay J.League. Họ đã chơi sòng phẳng, tự tin trước những cầu thủ Hàn Quốc bên phía Pohang Steelers trong một số giai đoạn".
Hà Nội FC thua cả trận đấu trước Pohang Steelers. Nhưng xét riêng một hiệp 2, đội bóng này đã thắng được CLB già dơ Hàn Quốc. Tất nhiên, đó cũng là thời điểm mà Pohang bắt đầu giảm nhịp sau 3 bàn thắng có được trong hiệp 1. Dẫu sao, việc không bỏ cuộc và nỗ lực tìm bàn gỡ cũng là dấu ấn cho sự cố gắng của Hà Nội FC, vì một nền bóng đá Việt Nam bền bỉ và khát khao phát triển trên bản đồ bóng đá châu Á và thế giới. Vòng đấu bảng với Văn Quyết và các đồng đội còn 5 trận đấu nữa. Họ vẫn còn cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ vượt qua vòng đấu bảng. Và ngay cả khi không đạt được điều đó, chuyện những nội binh như Văn Toàn, Hùng Dũng, Văn Quyết, Duy Mạnh… chơi bóng sòng phẳng trước các đại diện mạnh của châu Á cũng tạo động lực cho lớp trẻ rèn luyện phấn đấu, tạo ra những thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Tất cả cho thấy ý chí, quyết tâm và khát khao của Hà Nội FC, muốn lập kỳ tích cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi châu Á.
Chủ tịch Hà Nội FC: "Định hướng của CLB là vươn tầm châu lục"
Trao đổi với báo giới, ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch Hà Nội FC nói: "Định hướng vươn tầm châu lục của Hà Nội FC đã có từ trước khi tôi nhận vị trí Chủ tịch. Tuy nhiên đến khi ngồi vào ghế Chủ tịch CLB, tôi yêu cầu toàn thể thành viên đội bóng phải thiết lập, định hình mục tiêu này trong tư duy, hiểu rằng đích ngắm của đội là phải vươn ra châu Á. Hà Nội FC là đội bóng hàng đầu Việt Nam, minh chứng là chúng tôi có nhiều kỷ lục vô địch. Hà Nội FC mong muốn đảm bảo điều kiện cần và đủ, muốn dự AFC Champions League thì phải đăng quang ở V.League. Mục tiêu đó tạo thành ADN đội bóng".
https://cand.com.vn/the-thao/su-manh-dan-cua-ha-noi-fc-tai-giai-chau-a-i707892/