- Quan hệ Nga - Mỹ xuống đáy và nguy cơ Chiến tranh Lạnh 2.0
- Nguy cơ chiến tranh hạt nhân "đáng lo ngại nhất" kể từ Chiến tranh Lạnh
- Ngoại trưởng Blinken: Mỹ không tìm kiếm 'chiến tranh lạnh' với Trung Quốc
Ngày 19-8-1991, một nhóm bao gồm các chỉ huy quân sự, các quan chức cấp cao của KGB và một số thành viên trong nội các Nga đã cố gắng lật đổ chính phủ Gorbachev bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp. Dù cuộc đảo chính thất bại nhưng sự kiện này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền chính trị Liên Xô, bao gồm cả việc Mikhail Gorbachev từ chức và Liên Xô tan rã vào tháng 12-1991.
Cuộc đảo chính tháng 8 bất thành và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến một sự chuyển đổi căn bản trong cộng đồng tình báo Nga, bao gồm thay đổi trong triết lý tình báo, thay đổi trong truyền thống tình báo và thay đổi trong cơ cấu tổ chức của cộng đồng tình báo Nga.
Thay đổi triết lý về hoạt động tình báo
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo mới của Nga nhận ra rằng KGB cần được cải tổ. Những lời chỉ trích nhắm vào hai điểm chính: Thứ nhất, KGB đã thất bại trong việc dự đoán sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô. Thứ hai, KGB thiếu tính chuyên nghiệp của một tổ chức tình báo bởi KGB đã quá tập trung vào các hoạt động bảo vệ ý thức hệ của chế độ Xôviết thay vì hoạt động như một tổ chức tình báo.
Theo Tiến sĩ Ivanov, một chuyên gia an ninh quốc gia Nga: “Chiến tranh Lạnh kết thúc dẫn đến việc xem xét lại toàn bộ các học thuyết tình báo cũ. Mục đích chính của sự thay đổi trong các tổ chức tình báo là tìm cách cô lập các thành viên KGB cũ vì giới tinh hoa chính trị mới của Nga lo sợ rằng những cựu nhân viên KGB này có thể cố gắng khôi phục chế độ cũ. Do đó, sự thay đổi triết lý trong hoạt động tình báo chính là sự từ chối hoàn toàn các công cụ và chiến lược của Liên Xô để tiến hành hoạt động tình báo như trước đây”.
Thay đổi về truyền thống tình báo. Đây là những thay đổi trong phương pháp và phạm vi hoạt động của các tổ chức tình báo. Những thay đổi này chủ yếu nhằm sửa chữa những gì mà theo những nhà lãnh đạo mới coi là sai lầm trong quá khứ: hoạt động tình báo kém chuyên nghiệp và nặng về ý thức hệ và sự thiếu hiệu quả của KGB về khả năng phân tích tình báo và đánh giá mối đe dọa.
Ví dụ trong số 8.000 báo cáo tình báo mà KGB thu được vào năm 1985, chỉ 186 báo cáo được tiến hành phân tích và đánh giá, trong khi mà quân số của Cục Phân tích Tình báo có tới 200 nhân viên chịu trách nhiệm phân tích tình báo. Hơn thế nữa, những bản phân tích tình báo của họ, nếu có cũng không đóng bất kỳ vai trò quan trọng nào trong mọi quy trình tình báo.
Nhiệm vụ chính của việc cải tổ là chuyên nghiệp hóa các cơ quan tình báo Nga để chống lại các mối đe dọa trong các lĩnh vực tương đối mới đối với an ninh của Nga, chẳng hạn như tình báo tài chính và chống khủng bố. Với lý do đó, các nhà hoạch định chính sách Nga đã quyết định giải thể KGB, phân chia cơ quan này thành một số cơ quan nhỏ mang tính chuyên biệt hơn để tối đa hóa tài nguyên và tài sản của nó dựa trên những thay đổi về truyền thống tình báo đã được xác lập. Làm như vậy, họ không chỉ nhắm tới việc tổ chức lại hệ thống tình báo Nga để phù hợp với thay đổi trong kỹ thuật tình báo mà còn nhằm tới việc phân rã KGB thành các cơ quan nhỏ hơn để giảm bớt các tầm ảnh hưởng mang tính khuynh đảo như trước đây của nó.
Thay đổi cơ cấu tổ chức. Cơ quan tình báo mới đầu tiên của Nga được thành lập sau Chiến tranh Lạnh là SVR (Tổng cục Tình báo Đối ngoại). SVR được thành lập theo một nghị định ban hành vào ngày 20-12-1991. Đây là tổ chức tình báo đối ngoại chính của Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về các hoạt động gián điệp và phân tích tình báo ở nước ngoài. Sau khi KGB chính thức giải thể, SVR là nơi tiếp quản hầu như toàn bộ bộ máy tình báo đối ngoại của KGB.
Trái ngược với truyền thống cũ của KGB, cấu trúc mới của SVR phản ánh rõ nét các ưu tiên an ninh mới của Nga và không còn hướng đến việc phục vụ ý thức hệ như trước nữa. Nếu như trước đây Tổng cục Tình báo Đối ngoại của KGB được hưởng một ngân sách khổng lồ, thì giờ đây SVR có ngân sách tương đối khiêm tốn và lợi thế hoạt động của nó cũng bị thu hẹp đáng kể.
Cơ quan tình báo mới thứ hai của Nga là Bộ An ninh (MB), được thành lập vào tháng 4-1992. Đây cũng là tổ chức tình báo lớn nhất trong số các cơ quan tình báo mới của Nga. Là một cơ quan phản gián, MB kế thừa tài sản, tài liệu và trách nhiệm của 6 Cục thuộc KGB trước đây. Tiếp quản một bộ phận lớn trong cơ cấu của KGB, MB chịu trách nhiệm về các hoạt động phản gián ở cả trong nước và nước ngoài.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phản gián tài chính trở thành một trong những nhiệm vụ chính trong hoạt động của MB thay vì các hoạt động phản gián kiểu cũ như việc truy đuổi đối thủ của chế độ trong thời KGB. Sau cuộc đảo chính năm 1993 chống lại Tổng thống Boris Yeltsin, ngày 21-12-1993, Bộ An ninh lại bị xóa tên, nó được tái cơ cấu lại để chuyển thành Cơ quan Phản gián Liên bang (FSK). Năm 1995, FSK được đổi tên thành Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) chiểu theo Luật Liên bang "về các cơ quan của Tổng cục An ninh Liên bang của Liên bang Nga” ban hành ngày 3-4-1995.
Cơ quan tình báo mới thứ ba của Nga được thành lập sau Chiến tranh Lạnh là FAPSI (Cơ quan Liên bang Thông tin và Truyền thông Chính phủ). Đây là một tổ chức tình báo lớn chịu trách nhiệm về tình báo điện tử, tình báo kỹ thuật, mật mã và an toàn thông tin liên lạc. Nhân sự, tài liệu và trách nhiệm của Cục 8 (mật mã và an ninh thông tin liên lạc) và Cục 16 (Tình báo kỹ thuật) của KGB được chuyển về cho FAPSI. C
ơ quan này được thành lập không chỉ để đáp ứng các yêu cầu về tín hiệu và tình báo kỹ thuật của Liên bang Nga mà còn để giám sát thông tin liên lạc và mã hóa thông tin của chính phủ cũng như điều hành việc bảo mật mọi thông tin liên lạc đặc biệt ở cả trong nước và nước ngoài. Giám sát các hoạt động tài chính và cung cấp an ninh tài chính cho giới tinh hoa Nga đã trở thành một trong những nhiệm vụ chính của FAPSI thay vì nhiệm vụ truyền thống là hỗ trợ tình báo điện tử cho các đồng minh của Liên Xô và theo dõi giám sát các đối thủ của Nga như trong kỷ nguyên của KGB.
Cơ quan tình báo mới thứ tư của Nga là GUO (Cục Bảo vệ Liên bang). GUO được thành lập như một tổ chức tình báo của Nga để bảo vệ các nhà lãnh đạo và các cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ. Ngoài Cục 9 của KGB, Trung đoàn Tổng thống Nga (trước đây là Vệ binh Điện Kremlin của KGB) và đơn vị hoạt động đặc biệt của KGB (đơn vị chống khủng bố Alfa) đã được chuyển giao cho GUO.
So với những chức năng của Cục 9 KGB thì trách nhiệm của GUO tương đối ít hơn. Nếu như trước kia Cục 9 của KGB chịu trách nhiệm bảo vệ các thành viên Bộ Chính trị và các quan chức cấp cao của Liên Xô, thì GUO chỉ chịu trách nhiệm về các nhân vật chính trị quan trọng của Nga như Tổng thống và các thành viên của Quốc hội Nga.
Cơ quan tình báo cuối cùng của Nga được thành lập sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là Cục Biên phòng thuộc Ủy ban Bảo vệ Biên giới Nga. Nó kế thừa Cục Bảo vệ Biên phòng của KGB. Sau khi Cục Bảo vệ Biên phòng của KGB bị bãi bỏ vào tháng 12-1991, nhân sự và tài sản của ban này chuyển về trực thuộc Bộ An ninh Nga. Sau đó vào năm 1993, Dịch vụ Biên phòng được thành lập như một cơ quan tình báo riêng biệt (FSB.ru). Tổ chức này được thành lập để bảo vệ biên giới, vùng nước ven biển và thềm lục địa của Nga. Về sự thay đổi trong kỹ thuật tình báo, ngân sách và nhân sự của Dịch vụ Biên phòng đã giảm đáng kể, so sánh với Cục Bảo vệ Biên phòng của KGB.
Sự trỗi dậy của các cựu thành viên KGB
Ngay sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên bang Xôviết tan rã, KGB đã bị giải thể thành 5 cơ quan mới và tương đối nhỏ hơn sau Chiến tranh Lạnh. Làm như vậy, các nhà hoạch định chính sách Nga muốn thay đổi triệt để triết lý, truyền thống và cơ cấu tổ chức của cộng đồng tình báo Nga. Mặt khác, giải thể KGB cũng là điều kiện cần thiết để tạo ra các cơ quan nhỏ gọn nhưng chuyên nghiệp hơn để có thể tăng hiệu quả của bộ máy tình báo Nga.
Dù về danh nghĩa Liên Xô có thành lập một Ủy ban tối cao nhằm tiến hành điều tra về cuộc đảo chính tháng 8 (Ủy ban Ponomarev) và xem xét đến những thay đổi cần có đối với cộng đồng tình báo Nga, nhưng trên thực tế, việc giải thể KGB xảy ra hoàn toàn độc lập với các cuộc điều tra của Ủy ban này. Nói chính xác hơn, việc giải thể KGB và thành lập các cơ quan tình báo mới đều diễn ra thông qua các sắc lệnh của Tổng thống Nga khi đó là Yeltsin. Các thành phần chính trị khác, như các thành viên ủy ban Ponomarev, hầu như không đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi các tổ chức tình báo Nga hậu Chiến tranh Lạnh.
Vai trò của họ đối với sự thay đổi của các tổ chức tình báo Nga vì thế, hoàn toàn chỉ mang tính biểu tượng. Thật vậy, vào cuối năm 1991 và trong cả năm 1992 khi Ủy ban bắt tay vào điều tra vai trò của các tổ chức tình báo trong âm mưu đảo chính tháng 8-1991, KGB lúc đó đã bị giải thể và SVR và FAPSI cũng đã được thành lập. Chậm hơn một chút, vào đầu năm 1992, MB và GUO cũng đã được thành lập. Có thể thấy, cộng đồng tình báo Nga đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng khác thường, nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Dù KGB bị giải tán nhưng ảnh hưởng của KGB trên chính trường Nga trên thực tế không hề giảm đi, các cựu quan chức KGB xuất hiện ngày càng nhiều trong Duma (Quốc hội Nga) và tham gia khá sâu vào những cơ cấu quyền lực phi chính thức, một nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc hình thành chính sách và ra quyết định ở nước Nga, đặc biệt rõ nét là dưới thời của Tổng thống Putin. Sau khi Tổng thống Putin tiến hành cải tổ lại chức năng của hầu hết các cơ quan tình báo Nga, ông đã thành công trong việc xóa bỏ các nhóm quyền lực cũ và thay thế chúng bằng các nhóm ảnh hưởng mới…
Những nhóm quyền lực này, mặc dù kết nối với Tổng thống Putin bằng lòng trung thành cá nhân nhưng đồng thời cũng cạnh tranh gay gắt với nhau và ông Putin buộc lòng phải làm trung gian giữa các phe phái để bảo đảm sự cân bằng cũng như với các cơ quan chủ chốt trong guồng máy an ninh và quân đội của nước Nga.