Xe hàng chôn chân ở cửa khẩu Lạng Sơn: Doanh nghiệp bất lực nhìn tiền bốc hơi

Không chỉ lái xe khổ sở về điều kiện sinh hoạt mà các doanh nghiệp cũng phải gánh thiệt hại kinh tế rất lớn khi xe mắc kẹt tại các cửa khẩu chờ thông quan.

Những ngày đằng đẵng ăn trực nằm chờ tại khu vực cửa khẩu, chờ xe được thông quan dịp cuối năm 2021 có lẽ sẽ là những ngày đáng quên nhất với cánh tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải.

Trong khi lái xe khốn khổ về điều kiện ăn ở, thời tiết thì chi phí tốn kém lại đổ lên đầu các doanh nghiệp.

Mỗi ngày tốn khoảng 1,8 -2 triệu đồng/xe. Có bao nhiêu xe thì tắc hết ở cửa khẩu. Quá đau đầu!”, ông Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Tâm An Thịnh nói.

Ông Hoàn cho biết, chi phí 1,8 - 2 triệu đồng/ngày cho mỗi xe bao gồm: tiền ăn của lái xe, tiền dầu chạy lạnh, tiền bến bãi. Toàn bộ số chi phí này là do công ty chi trả. Tính theo đầu xe, doanh nghiệp này có thể thiệt hại đến cả gần trăm triệu đồng mỗi ngày vì tắc biên.

Chúng tôi vừa mới được trả về một xe sau hơn 20 ngày ròng rã chờ đợi. Còn một xe thì đã chờ 18 ngày rồi mà vẫn chưa biết ngày về”, ông Hoàn xót xa nói.

Công ty này từ lúc tắc biên đến giờ mới trả được 2 xe hàng sang phía Trung Quốc. Nhưng cũng vì đợi lâu mà hàng hoá bị hỏng, khách mua lấy lý do đó để chưa thanh toán tiền cước. “Tiền cước của 2 xe hàng là 260 triệu đồng. Bây giờ cũng chưa được thanh toán một đồng nào vì hàng hỏng”, vị Giám đốc nói.

Ở những doanh nghiệp quy mô vài chục xe như công ty của ông Hoàn, tính ra cứ một tháng mới sang được một xe. Vì nằm quá lâu tại cửa khẩu, các loại chi phí đội lên từng ngày nên xe về chắc chắn là âm tiền.

Xe hàng chôn chân ở cửa khẩu Lạng Sơn: Doanh nghiệp bất lực nhìn tiền bốc hơi - 1
Xe xếp hàng kín đặc tại các bãi tạm ở khu vực gần cửa khẩu.

Chủ một doanh nghiệp vận tải khác có trụ sở tại Ninh Bình thì cho biết, doanh nghiệp này đã buộc phải đổ bỏ đi một xe mít trị giá hàng tỷ đồng tiền hàng vì thối hỏng. “Chủ hàng mất cả tỷ tiền hàng, đơn vị vận tải chúng tôi cũng khó lòng mà đòi được chi trả tiền cước”, vị chủ doanh nghiệp này ngán ngẩm.

Các doanh nghiệp vận tải tham gia vào hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang lâm vào thực trạng bất lực trước sự nhập hàng nhỏ giọt từ phía Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, họ đang mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, cánh lái xe cũng khốn khổ không kém. Anh Hiến (quê Ninh Bình) mắc kẹt 22 ngày tại khu cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) để chờ thông quan chuyến hàng cuối cùng của năm. Anh kể: Chờ mất cả chục ngày xe của anh mới đến được điểm thông quan. Đội “lái bo” sẽ lái xe sang Trung Quốc, anh phải ở lại bãi xe chờ mất hàng chục ngày để phía Trung Quốc nhận hàng, dỡ hàng sau đó trả xe.

“Xe tôi sang Trung Quốc từ 2/12. Nhưng đến 17/12 rồi mà xe vẫn chưa về. Ngày nào cũng xem danh sách xe được phía Trung Quốc trả về nhưng mãi chưa thấy xe mình đâu”, anh Hiến chia sẻ.

Xe hàng chôn chân ở cửa khẩu Lạng Sơn: Doanh nghiệp bất lực nhìn tiền bốc hơi - 2
Bữa cơm tuềnh toàng dưới gầm xe của các cài xế. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tiền ăn đắt hơn ở khu du lịch, tiền nhà nghỉ cũng tốn đến 400.000 đồng mỗi đêm. “Ở trên này thứ gì cũng đắt đỏ. Có nhiều người tranh thủ chuộc lợi, bán cái gì cũng đắt. Suất cơm bình dân thôi cũng 50.000 đồng. Còn muốn ăn ngon 1 chút thì sẵn sàng là tốn 300.000 - 400.000 đồng/bữa ngay", anh Hiến nói.

Cùng cảnh ngộ với anh Hiến, anh Đoàn Hồng Giang (32 tuổi) chia sẻ, thời tiết ở vùng cửa khẩu cũng quá khắc nghiệt: “Đêm xuống thì lạnh dưới 10 độ C, ban ngày thì nắng nóng, khói bụi vì bãi đỗ xe không một bóng cây, trong khi bãi đất mới san rất bụi. Không phải người có sức khỏe tốt thì không trụ nổi vài ngày”, anh Giang nói.

Ban ngày nóng quá, nhiều tài xế phải trèo lên xe nổ máy, bật điều hoà vì không chịu được. Còn một số tài xế khác chọn cách mắc võng dưới gầm xe để tiết kiệm chi phí. Bởi cứ mỗi phút máy nổ là mỗi phút “đốt tiền” xăng dầu.

“Lúc xe chưa thông quan thì chúng tôi ăn ngủ ngay trên xe. Khi xe sang được Trung Quốc rồi thì phải thuê khách sạn khu biệt, vừa là để ở cũng là để cách ly luôn. Nhưng khách sạn ở đây đắt lắm 400.000 đồng/đêm. Vạn bất đắc dĩ thì mới phải ở thôi chứ lúc còn ăn ngủ trên xe, chúng tôi vài ngày không tắm cũng chẳng sao”, một lái xe khác chia sẻ.

Những xe chở hàng hiện đang ùn ứ tại khu vực cửa khẩu hầu hết đều là hàng nông sản như sầu riêng, mít, xoài…Nếu phải chờ quá lâu, những hoa quả này có thể chín quá, nhanh hỏng dẫn đến việc không giao được hàng.

“Lái xe chúng tôi hiểu hàng hóa của mình lắm chứ. Nhiều lúc biết hàng hỏng quá 60% rồi nhưng vẫn phải ăn trực nằm chờ, xếp hàng để thông quan thôi chứ cũng không biết làm thế nào. Rồi hàng hoá bên nước bạn có nhận hay không thì đó lại là việc khác”, lái xe này chia sẻ.

Xe hàng chôn chân ở cửa khẩu Lạng Sơn: Doanh nghiệp bất lực nhìn tiền bốc hơi - 3
Mít chín trong lúc xe xếp hàng đợi thông quan. Nhiều lái xe được lệnh đổ ra bán vội để gỡ gạc lại tiền cước.

Chiều 20/12, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, còn 4.598 xe chờ thông quan tại các cửa khẩu. Hiện chỉ duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng từ 18/12, cửa khẩu Chi Ma dừng từ 8/12.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết với lượng hàng hóa rất lớn như hiện nay, việc thông quan thời gian ngắn rất khó khăn, cần giải pháp phối hợp hai bên mới có thể giải quyết tình trạng ùn ứ để tránh thiệt hại.

CÔNG HIẾU

Lạng Sơn khuyến nghị doanh nghiệp ngừng đưa hàng lên cửa khẩu Lạng Sơn khuyến nghị doanh nghiệp ngừng đưa hàng lên cửa khẩu
Dịch bủa vây, hơn 4.300 xe hàng phơi sương ở cửa khẩu Dịch bủa vây, hơn 4.300 xe hàng phơi sương ở cửa khẩu

/ vtc.vn